(ĐSPL) - Chảy máu cam là hiện tượng thường gặp phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được mức độ nguy hiểm của bệnh nên thường xem nhẹ. Thực tế, hiện tượng chảy máu cam cũng có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm.
Nguyên nhân
Theo Vtv, một nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là do yếu tố thành mạch mũi bị sơ hóa. Cộng thêm đó là thời tiết lạnh, hanh khô gây rối loạn vận mạch, làm tổn thương nứt nẻ niêm mạc hốc mũi gây chảy máu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam, có cả do tại chỗ hoặc do bệnh toàn thân.
[mecloud] iCvLUD4y5X[/mecloud]
Tại chỗ: do viêm nhiễm như viêm mũi cấp, viêm mũi mãn, viêm mũi do vi khuẩn, viêm mũi virút; viêm xoang cấp; viêm mũi vận mạch; viêm mũi dị ứng… Do chấn thương vì ngoáy mũi hoặc dị vật lọt vào mũi (thường gặp ở trẻ em); sỏi mũi ở cả người lớn và trẻ em; sang thương gây loét hốc mũi thường gặp ở công nhân ngành hoá chất khi bảo hộ chưa tốt, do lao, giang mai hoặc bệnh phong (hủi). Do cấu trúc bất thường ở hốc mũi như vẹo hoặc gai của vách ngăn mũi… Do khối u: lành tính như u xơ vòm mũi họng, u do nấm và u ác tính như ung thư vòm họng, u hốc mũi, u xoang, u sàn sọ…
Nguyên nhân toàn thân như bệnh toàn thân cấp tính gây rối loạn đông cầm máu ban đầu như cúm, sởi nặng, sốt tinh hồng nhiệt, sốt xuất huyết, sốt rét… Bệnh của hệ tim mạch như cao huyết áp; vỡ các phình mạch của hệ mạch máu động mạch cảnh; bệnh xơ vữa động mạch. Bệnh của hệ máu gặp ở những người có thể trạng thiếu máu nặng, nhiễm trùng nhiễm độc, thiếu vitamin. Bệnh bạch cầu cấp; suy tuỷ; giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, rối loạn chất lượng tiểu cầu, và những bệnh thuộc về mạch máu như bệnh ưa chảy máu.
Một số nguyên nhân khác như sự thay đổi nội tiết trong cơ thể ở người có thai, có kinh nguyệt hoặc dùng corticoide xịt mũi kéo dài không đúng chỉ định, dùng thuốc chống đông; do thay đổi áp lực của khí quyển, thay đổi thời tiết… Còn lại khoảng 5\% không tìm được nguyên nhân (vô căn), thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, chảy máu tự nhiên số lượng ít tái diễn nhiều lần và hay gặp khi làm việc gắng sức hoặc đi ngoài nắng quá lâu.
Những trường hợp nhẹ thì không cần nhập viện, thường chỉ cần dùng ngón cái cùng bên ấn nhẹ bên cánh mũi chảy máu, giữ trong 5 – 10 phút, trong khi đầu để thẳng.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị chảy máu cam
Báo Gia đình & Xã hội cho biết, Chị Trần Thị Hồng Nhung (ở Hà Đông, Hà Nội) vừa có một phen sợ “tái mặt” khi suýt gây hại cho cô con gái 5 tuổi của mình. Chị Nhung cho biết, cách đây một tuần, con gái chị bỗng dưng bị chảy máu cam rất nhiều. Lấy kinh nghiệm bản thân đã từng bị chảy máu cam khi còn bé, chị Nhung dùng bông nhét kín hai lỗ mũi của bé, đồng thời cho đầu bé ngửa ra phía sau để ngăn không cho máu tiếp tục chảy. Ai ngờ, chỉ chưa đầy 1 phút sau khi ngửa đầu về phía sau, con gái chị bị ho sặc sụa, vừa ho, bông từ mũi bé bị bật ra, máu lại tiếp tục chảy.
“Nhìn con ho dữ dội, máu me chảy quanh miệng, da mặt con bị biến sắc khiến tôi thực sự hoang mang. Tôi gọi vội ông bà nội của cháu. Người vỗ lưng, người xoa ngực, người dùng bông giúp cháu cầm máu… Cũng may, một lúc sau thì cháu đỡ dần. Ban đầu, tôi cứ nghĩ chảy máu cam là triệu chứng đơn giản, chỉ cần “cầm máu” là xong. Ai ngờ lại khiến con trở nên như thế. Lần đó, con bé mà có mệnh hệ gì, chắc tôi hối hận cả đời”, chị Nhung ngậm ngùi.
Trao đổi với PV về tình trạng chảy máu cam, ThS.BS Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tình trạng chảy máu cam xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể, chảy máu cam có thể do rối loạn đông máu. Khi đó, số lượng tiểu cầu trong máu bị giảm hoặc có những bất thường về chất lượng gây ra tình trạng chảy máu. Nguyên nhân thứ hai là do những viêm nhiễm tại chỗ, tức là phần thành mạch mũi bị viêm hoặc bị thiếu vitamin C dẫn đến việc suy giảm chức năng bảo vệ khiến mũi dễ bị chảy máu.
Bên cạnh đó, khi huyết áp tăng cao, sẽ dẫn đến áp lực thành mạch tăng, gây nứt vỡ thành mạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người, nhất là người già dễ bị chảy máu cam. Ngoài ra, theo ThS.BS Nguyễn Thị Mai, sự va đập bởi một lực mạnh trực tiếp lên phần mũi hay các tổn thương bên trong mũi gây ra do thói quen ngoáy mũi hay cạy gỉ mạnh cũng khiến mũi dễ bị chảy máu.
Mức độ nguy hiểm khi chảy máu cam
Vtv cho biết thêm, PGS. TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết về mức độ nguy hiểm của hiện tượng chảy máu cam: “Những trường hợp chảy máu nặng, chảy máu mũi thành dòng, chảy ồ ạt và kéo dài có thể gây ra các hội chứng thiếu máu và suy tuần hoàn nếu như bệnh nhân không được xử lý cấp cứu. Ngoài ra chúng tôi còn có nhóm chảy máu nguy kịch, ví dụ như chảy máu trong chấn thương. Những trường hợp này nếu không được đưa tới cấp cứu ngay tại các bệnh viện chuyên khoa có thể dẫn đến tử vong”.
PGS. TS Quách Thị Cần cho biết thêm, có rất nhiều bệnh lý được biểu hiện qua hiện tượng chảy máu mũi: “Chảy máu mũi là triệu chứng của các bệnh khác ví dụ như những bệnh tổn thương tại mũi như chấn thương, những bệnh lý do khối u ở mũi. Ngoài ra chảy máu mũi do các bệnh toàn thân, như các bệnh về máu như ung thư máu, như bệnh xuất huyết tiểu cầu, những bệnh tim mạch như huyết áp cao”.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc mọi người nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ mũi, khi thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường về mũi cần đến bệnh viện khám để đưuọc các bác sĩ tư vấn.
MỸ AN (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
Xem thêm video:
[mecloud]D1FtTzjblx[/mecloud]