Một vụ cháy xảy ra tại khu vực đường lên chùa Tháp, thuộc địa bàn phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn (Hải Phòng) khiến 1 người thiệt mạng.
Báo Thể thao và Văn hóa đưa tin, sự việc xảy ra vào khoảng 11h ngày 19/2. Theo đó, vào khoảng thời gian trên Trung tâm chỉ huy PCCC (Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hải Phòng) nhận được tin báo có cháy rừng tại khu vực đường lên chùa Tháp, thuộc địa bàn phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn (Hải Phòng).
VOV thông tin thêm, nơi xảy ra vụ cháy là khu vực thảm thực vật, trồng cây ăn quả của một số hộ dân.
Ảnh minh họa. |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ cháy, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 5 (Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hải Phòng) đã điều 2 xe chữa cháy cùng gần 30 cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường tiến hành dập lửa.
Phải sau gần 1giờ đám cháy mới được khống chế, tại đây lực lượng chức năng phát hiện 1 thi thể đàn ông đã bị lửa thiêu rụi.
Danh tính nạn nhân sau đó được xác định là ông Lê Đình Nghĩa (64 tuổi, trú tại tổ 5, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn).
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, bàn giao thi thể về cho người nhà nạn nhân, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Điều 4. Quyền và trách nhiệm của chủ rừng trong Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng: 1. Chủ rừng có các quyền sau: a) Ngăn chặn các hành vi vi phạm về phòng cháy và chữa cháy rừng; b) Huy động lực lượng và phương tiện trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy rừng; c) Được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ, ưu tiên vay vốn để đầu tư cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng. 2. Chủ rừng có trách nhiệm: a) Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật; b) Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng mình quản lý; c) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, dự án, kế hoạch phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực rừng mình quản lý; d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng; đ) Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền; e) Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định; g) Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước; h) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi lớn có liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý; i) Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận; k) Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; l) Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp