Ngọn lửa kèm theo khói bốc ra từ sạp bán vải số 78 - 79, khu A, chợ Đà Lạt (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến nhiều tiểu thương hốt hoảng, di chuyển đồ đạc ra ngoài.
Báo Dân trí đưa tin, theo thông tin ban đầu, đám cháy phát ra từ sạp bán vải, lầu 1 của hộ ông Huỳnh Ngọc Nhật (TP Đà Lạt). Một số tiểu thương cho biết, khi đến mở quầy hàng thì ngửi thấy mùi khét và thấy khói bốc lên tại sạp vải của ông Nhật (số 78-79, lúc này vẫn chưa mở cửa) nên đã báo Ban quản lý chợ.
Lập tức, các chủ sạp và lực lượng bảo vệ chợ Đà Lạt đã nhanh chóng phá cửa quầy, di chuyển hàng hóa ra khỏi sạp rồi dùng bình chữa cháy mini chữa cháy tại chỗ, không để cháy lan sang các sạp bên cạnh.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC & Cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng và Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (TP Đà Lạt) đã huy động hơn 10 xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Rất may, lực lượng PCCC tại chỗ đã dập tắt hoàn toàn ngọn lửa, không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng.
Khám nghiệm hiện trường vụ cháy (Ảnh: báo Thanh niên) |
Theo báo Thanh niên, ông Nguyễn Trọng Tình, Trưởng phòng cảnh sát PCCC số 1, cho biết kết quả khám nghiệm ban đầu hiện trường vụ cháy phát hiện thiết bị phát wifi đặt trong quầy 78 - 79 có dấu hiệu bị cháy nổ. Hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục khám nghiệm toàn diện hiện trường để xác định nguyên nhân vụ cháy.
Đại tá Đào Ngọc Cần, Giám đốc Cảnh sát PCCC & Cứu hộ cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, cho biết ngay sau khi vụ cháy xảy ra, Cảnh sát PCCC Lâm Đồng đã chỉ đạo tổng kiểm tra hệ thống điện và thiết bị phát wifi tại các quầy sạp, cũng như rà soát công tác PCCC tại chợ Đà Lạt.
Điều 4, Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy về Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy 1. Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ phải được báo kịp thời, chính xác cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác quy định tại Điều 5 Quyết định này, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và Công an nơi gần nhất. 2. Việc cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người. 3. Khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)