+Aa-
    Zalo

    Cháu trai say rượu hại chết bà ngoại kêu oan bất thành

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ án giết người do Điểu Phong gây ra kéo dài đã 8 năm, trải qua 5 phiên tòa xét xử nhưng khi ra hầu tòa, Phong chưa bao giờ nhận tội.

    Vụ án giết người do Điểu Phong gây ra kéo dài đã 8 năm, trải qua 5 phiên tòa xét xử nhưng khi ra hầu tòa, Phong chưa bao giờ nhận tội. Phong bị cáo buộc giết bà ngoại là bà Thị K. (SN 1940, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Chỉ vì nhắc nhở Phong chuyện nhậu nhẹt mà bà K. bị Phong sát hại.

    Bị cáo Điển Phong kêu oan bất thành. Ảnh: Thanh Niên 

    5 lần ra tòa đều kêu oan

    “Bị cáo không giết bà ngoại. Bị cáo bị oan”, Điểu Phong (SN 1990, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã khẳng định như vậy khi bị TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử về tội Giết người vào cuối tháng Mười. Đây là lần thứ 5, Điểu Phong phải ra tòa. Cùng bị xét xử với Phong trong vụ án này còn có bị cáo Điểu Sớm (SN 1990, ngụ huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) về tội Không tố giác tội phạm.

    Vụ án giết người do Điểu Phong gây ra kéo dài đã 8 năm, trải qua 5 phiên tòa xét xử nhưng Phong chưa bao giờ nhận tội khi ra tòa. Phong bị cáo buộc giết bà Thị K. (SN 1940, ngụ thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Nạn nhân là bà ngoại của Phong, chỉ vì nhắc nhở Phong chuyện nhậu nhẹt mà bị Phong sát hại.

    Theo đó, chiều 9/10/2011, sau khi đi nhậu, Điểu Phong rủ nhóm bạn về nhà bà ngoại của mình là Thị K. để uống rượu tiếp. Khi về đến nhà bà ngoại, cả nhóm gặp Điểu Sớm và Điểu Thơm nên rủ vào nhậu cùng. Nhậu được một lúc thì Điểu Sớm say rượu nên nằm ngủ, còn Điểu Phong ói ra nền nhà và không dọn dẹp. Khi bà K. về, thấy Phong ói ra nhà nên chửi mắng cháu. Bị bà chửi, Phong không nói gì mà bỏ đi sang nhà Điểu Chúc ngủ cùng Điểu Thơm. Sau đó, Phong nảy sinh ý định giết bà ngoại để trả thù.

    4h sáng ngày sau, Phong xuống nhà bếp Điểu Chúc lấy nước uống thì thấy con dao nên nảy sinh ý định giết bà K.. Phong liền cầm dao đi sang nhà bà K. thì thấy bà ngoại từ trong nhà đi ra. Phong liền tiến tới từ phía sau giữ lấy bà K..

    Lúc này, Điểu Sớm thức dậy đi vệ sinh nhìn thấy Điểu Phong dùng tay trái ôm cổ bà K.. Sớm tiếp tục đi vệ sinh rồi quay vào giường ngủ. Một lát sau, Phong đã dùng dao đâm bà K. khiến bà ngã gục trong vũng máu. Mọi hành động của Phong đều bị Điểu Sớm (lúc này đang ngủ trong nhà bà K.) nhìn thấy nhưng nam thanh niên này vẫn coi như không biết gì.

    Sau khi gây án, Phong chạy ra suối rửa tay chân và dao, đem hung khí đi cất rồi tiếp tục lên giường ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Con, cháu bà K. phát hiện thì thấy bà bị thương nên đưa bà K. đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên bà K. đã tử vong.

    Với hành vi phạm tội trên, đầu năm 2013, Phong bị TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên phạt mức án chung thân. Liên quan đến vụ án, bị cáo Điểu Sớm lãnh 17 tháng 8 ngày tù về tội Không tố giác tội phạm. Sau bản án, bị cáo Phong và mẹ ruột Phong (đại diện bị hại) đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Phong.

    Tháng 6/2013, TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần 1 và hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Lý do là vụ án này phạm tội không quả tang, xảy ra trong nội bộ gia đình, bị cáo và nhân chứng đều là người dân tộc. Chứng cứ duy nhất là lời khai Sớm nhìn thấy vụ việc xảy ra và lời nhận tội của Phong trong quá trình điều tra. Ngoài ra không có chứng cứ trực tiếp, vật chứng nào để quy kết vững chắc.

    Quá trình điều tra ban đầu, Phong không nhận tội. Sau đó, Phong lại xin gặp trưởng trại để khai nhận tội, đến khi xét xử lại kêu oan. Gia đình bị hại cũng đồng loạt kêu oan cho bị cáo. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thu giữ con dao cho nhận dạng nhưng lại không tiến hành trưng cầu giám định cơ chế hình thành vết thương xem có phù hợp với thương tích trên người nạn nhân không. Từ những lấn cấn vừa nêu, cấp phúc thẩm quyết định hủy án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm, điều tra xét xử lại.

    Kêu oan bất thành

    Quá trình điều tra, VKSND tỉnh Bình Phước tiếp tục truy tố Phong tội Giết người. TAND tỉnh Bình Phước xét xử lần 2 vẫn bảo lưu quan điểm Điểu Phong có tội nên tiếp tục tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội Giết người. Sau bản án sơ thẩm, Phong tiếp tục kêu oan.

    Cuối năm 2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần hai. Tại phiên tòa này, Điểu Phong một mực kêu oan, cho rằng mình bị nhục hình nên mới khai nhận chứ không có giết bà K.. Đại diện gia đình bị hại cũng là mẹ bị cáo cho rằng hai bà cháu không có mâu thuẫn, lời khai trước sau bất nhất không có cơ sở chứng minh Phong giết bà và đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

    HĐXX cấp phúc thẩm xét thấy cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, bị cáo là người dân tộc thiểu số nhưng không có người phiên dịch khi lấy lời khai, luật sư của bị cáo không được theo suốt giai đoạn đầu tố tụng...

    Ngoài ra, lời khai của các nhân chứng và bị cáo tại tòa mâu thuẫn với bản án sơ thẩm, mâu thuẫn chưa làm rõ như lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo thể hiện bị cáo chỉ đâm nạn nhân 3 nhát nhưng biên bản khám nghiệm tử thi thể hiện nạn nhân có đến 8 vết thương. Từ đó, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước để điều tra, xét xử lại.

    Quá trình điều tra bổ sung lần 3, VKSND tỉnh Bình Phước nhiều lần trả hồ sơ cho cơ quan điều tra yêu cầu củng cố chứng cứ và tiếp tục bảo lưu quan điểm truy tố Điểu Phong tội Giết người.

    Bị áp giải đến TAND tỉnh Bình Phước trong phiên xử sơ thẩm lần 3 mới đây, Điểu Phong giữ thái độ bình tĩnh. Mẹ của Phong, người đến tòa với tư cách đại diện bị hại cũng tin tưởng rằng con trai mình không giết bà ngoại. Bởi bà tin, Phong yêu thương bà ngoại, bà ngoại cũng yêu thương Phong và giữa họ không hề có mâu thuẫn nào.

    Về phần Điểu Phong, bị cáo tiếp tục kêu oan vì không hề giết bà ngoại. Phong thừa nhận có bị bà ngoại la nhưng không hề có động cơ giết bà ngoại của mình. “Trong quá trình điều tra, bị cáo có một lần nhận tội, nhưng những lời khai nhận tội trước đây là do bị điều tra viên ép cung, dùng nhục hình”, Điểu Phong khai nhận.

    Bị cáo Điểu Phong và luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng, những chứng cứ buộc tội bị cáo là ngụy tạo, thiếu thuyết phục, lời khai nhận tội của bị cáo là do bị ép buộc. Từ đó, bị cáo và các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội Giết người.

    Tuy nhiên, những quan điểm này của luật sư và bị cáo Phong không được đại diện VKS và cả HĐXX chấp nhận. Sau khi nghị án, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ quan điểm luận tội và mức án mà đại diện VKS nêu tại tòa. Theo HĐXX, mặc dù bị cáo kêu oan, nhưng các lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo về diễn biến hành vi phạm tội lại phù hợp với lời khai của các nhân chứng cùng những chứng cứ được thu thập và chứng minh trong quá trình điều tra.

    Xét hành vi của bị cáo Điểu Phong là nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải tuyên mức án nghiêm khắc. Ngoài ra, bị cáo Điểu Sớm dù biết Phong giết người, nhưng không tố giác đã đủ yếu tố cấu thành tội Không tố giác tội phạm.

    Từ các lập luận trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Điểu Phong án chung thân về tội Giết người. Tuyên phạt bị cáo Điểu Sớm 17 tháng 8 ngày (bằng thời gian bị tạm giam trước đó) về tội Không tố giác tội phạm.

    Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 179

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-trai-say-ruou-hai-chet-ba-ngoai-keu-oan-bat-thanh-a300192.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan