+Aa-
    Zalo

    Cháu bé hoại tử tay: Bất thường trong khâu pha chế vắc xin?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Sau khi đi tiêm phòng lao tại trạm y tế xã, tình hình sức khỏe của cháu Tiến Minh ngày một xấu đi.

    (ĐSPL) – Sau khi đi tiêm phòng lao tại trạm y tế xã, tình hình sức khỏe của cháu Tiến Minh ngày một xấu đi.

    Bé Khuất Tiến Minh (18 ngày tuổi) ở xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau khi tiêm phòng lao tại trạm y tế xã được một ngày thì có những dấu hiệu bất thường. Quá lo lắng, gia đình đã đưa bé lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu.
    Cháu bé hoại tử tay: Bất thường trong khâu pha chế vắc xin
    Bé Tiến Minh đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
    Theo bệnh án của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bé Tiến Minh nhập viện trong tình trạng hôn mê, người tím tái, ngừng thở, suy tuần hoàn, mạch chậm, bầm tím vùng bàn tay trái (cánh tay tiêm vắc xin BCG). Sau một ngày thăm khám, bé được đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng phải thở bằng máy.
    Trước tình trạng nguy kịch của bé, đặc biệt là cánh tay trái (phần tiêm vắc xin phòng lao) bị hoại tử, gia đình cháu bé rất hoang mang, lo lắng.
    Cháu bé hoại tử tay: Bất thường trong khâu pha chế vắc xin
    Người nhà bé Tiến Minh hiện rất hoang mang.
    Ông Nguyễn Đức Quý, ông ngoại cháu bé cho biết, từ lúc sinh ra bé hoàn toàn khỏe mạnh, cân nặng 4,2kg. “Thường ngày, tôi là người trực tiếp trông cháu để bố mẹ đi làm. Cháu rất ngoan, ngủ nhiều và không có biểu hiện gì của bệnh tật, thậm chí cháu nhỉnh hơn hẳn những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, từ sau khi tiêm cho cháu về được một ngày, thấy bé quấy khóc rất dữ, không chịu ăn và ít ngủ. Đến ngày thứ ba thì cháu sốt, lúc ấy gia đình rất lo lắng và chuyển cháu đi viện luôn. Từ khi cháu được chuyển xuống Hà Nội, chúng tôi rất lo lắng không biết tình hình sức khỏe của cháu giờ như thế nào”.
    Cũng theo ông Quý, trong những ngày cháu Minh nằm viện, cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng của huyện đã đến nhà hỏi tình hình của cháu. Tuy nhiên, khi hỏi về nguyên nhân khiến sức khỏe của cháu xấu đi thì họ không đưa ra được lời giải thích, sau đó cũng không có bất kỳ thông báo nào với gia đình.
    Ghi nhận của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, sáng ngày 4/3, trạm y tế xã Hợp Thịnh tổ chức tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh. Có tất cả 14 trẻ đến tiêm, gồm những cháu từ 15 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi. Việc tiêm phòng vẫn được tổ chức đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố đối với trẻ sơ sinh.
    Bà Nguyễn Kim Thanh, Trạm trưởng trạm y tế xã Hợp Thịnh cho hay: “Sáng ngày 4/3, chúng tôi tổ chức tiêm thuốc phòng lao cho trẻ sơ sinh. Trong tháng này có tất cả 14 cháu được tiêm vắc xin phòng lao BCG, việc tiêm chủng do y sĩ Nguyễn Thị Hương, cán bộ chuyên trách của trạm phụ trách.
    Sau khi tiêm xong, các cháu được giữ lại ở phòng 30 phút để theo dõi, tất cả các cháu đều không có vấn đề gì. Sau đó, chúng tôi tôi còn cử cán bộ hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ, nếu có những phản ứng gì bất thường phải báo cáo ngay cho trạm y tế để theo dõi. Tuy nhiên đến ngày mùng 10, chúng tôi mới nhận được phản ánh của gia đình cháu Khuất Tiến Minh, lúc này cháu đã được chuyển lên viện trước đó vài ngày”.
    Cháu bé hoại tử tay: Bất thường trong khâu pha chế vắc xin
    Bà Nguyễn Kim Thanh, Trạm trưởng trạm y tế xã Hợp Thịnh.
    Theo bà Thanh, “khi nhận được phản ánh của phía gia đình cháu, chúng tôi đã tập hợp cán bộ và nhân viên trạm để xem lại cách tiêm phòng xem có bước nào làm không đúng quy trình hay không nhưng khi kiểm tra từ đầu đến cuối chúng tôi đều làm theo đúng quy trình tiêm chủng. Từ việc lấy vắc xin, bảo quản cho đến lúc tiêm chủng, chúng tôi đều làm rất cẩn thận. Trước khi tiêm, chúng tôi còn tiến hành khám sàng lọc, nếu trẻ khỏe mạnh bình thường, chúng tôi sẽ tiến hành tiêm cho cháu”.
    Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề pha chế thuốc để tiêm cho trẻ, y sĩ Hương nhận là người trực tiếp pha chế vắc xin BCG cho biết: Vắc xin BCG là dạng nước và có lọ nước cất để pha. 1 lọ vắc xin BCG là 1ml được tiêm cho 10 cháu, liều lượng là 0,1ml cho một cháu. Bé Tiến Minh đứng ở lượt tiêm thứ 8.
    Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vắc xin BCG để phòng bệnh lao ở trẻ có dạng bột và có dung môi pha hồi chỉnh kèm theo. Trước khi sử dụng phải hòa tan vắc xin với dung môi đi kèm. Sau khi pha hồi chỉnh, nó phải được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 độ C. Phần vắc xin còn lại trong lọ sau mỗi buổi tiêm chủng hoặc sau 6 giờ phải hủy bỏ.
    Cháu bé hoại tử tay: Bất thường trong khâu pha chế vắc xin
    Cán bộ chuyên trách tiêm chủng Nguyễn Thị Hương.
    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng phòng Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: “Về trường hợp của cháu Khuất Tiến Minh, chúng tôi cũng đã thành lập đoàn kiểm tra. Hiện tại chưa thể xác định được tình hình sức khỏe của bé Tiến Minh xấu đi là do tiêm chủng hay do một vấn đề nào đó về bệnh lý. Chúng tôi phải tiếp tục theo dõi thêm một thời gian nữa và đợi kết luận của phía Bệnh viện Nhi Trung ương”.
    Được biết, Văn phòng Tiêm chủng Miền Bắc và Sở Y tế Hòa Bình cũng đã tiếp nhận được thông tin và cử cán bộ xuống kiểm tra.
    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

    Đỗ Việt

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-be-hoai-tu-tay-bat-thuong-trong-khau-pha-che-vac-xin-a26508.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.