(ĐSPL) - Mong muốn con nhỏ được chăm sóc quan tâm, còn mình thì có thời gian để làm lụng mưu sinh, đôi vợ chồng nghèo Phạm Văn Lực và chị Nguyễn Thị Hiến đã tin tưởng gửi con vào cơ sở giữ trẻ tại địa phương. Những tưởng con thơ sẽ được ăn ngon, ngủ kỹ, nào ngờ, trong ngày đầu tiên đến lớp, cháu bé mới chỉ 20 tháng tuổi đã phải chết tức tưởi bởi sự tắc trách của các nhân viên cơ sở giữ trẻ chui.
Sự thiếu an toàn, vô tâm của các cơ sở giữ trẻ không giấy phép một lần nữa thổi bùng lên nỗi bức xúc, hoang mang của những cặp vợ chồng có con nhỏ, và trong dư luận xã hội.
Cặp vợ chồng phu hồ và cái chết rúng động tâm can
Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo thuộc đường Phạm Thị Bất (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) trở nên ồn ào sau cái chết thương tâm của cháu bé Phạm Thị Diệu. Sự việc gây nên nỗi hoang mang, bức xúc của người dân địa phương, ai nấy đều bàn tán về cái chết tức tưởi của cháu bé còn chưa cảm nhận được cuộc đời.
Chiều 12/4, nguồn tin từ cơ quan chức năng địa phương cho biết, cháu Phạm Thị Diệu, con út của chồng anh Phạm Văn Lực và chị Nguyễn Thị Hiến (quê xã Tuy Phước, huyện Phước Hòa, tỉnh Bình Định) đã tử vong ngay trong cơ sở giữ trẻ của bà Nguyễn Thị Túy Phượng (ở số 6 đường Phạm Thị Bất, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang).
Cái chết bất thường của cháu bé còn quá nhỏ không chỉ khiến người dân khu vực hoang mang, bức xúc mà còn xót thương trước nỗi đau mất con của đôi vợ chồng nghèo. Được biết, anh Phạm Văn Lực, cha ruột cháu bé vốn không phải là người địa phương. Sau khi cưới vợ và có với nhau ba người con, cuộc sống mưu sinh của đôi vợ chồng càng lâm vào bế tắc. Sau 10 năm cố bám víu miềm quê Phước Hòa nắng gió mà vẫn không nuôi đủ gia đình, anh Lực đành ly hương, xa vợ xa con, một mình vào Nha Trang kiếm sống bằng nghề thợ hồ. Sau hai năm mưu sinh nơi đất khách, mới đây, sau khi thành thạo nghề thợ hồ, anh tìm cách đưa vợ là chị Nguyễn Thị Hiến vào Nha Trang mong có một cuộc sống mới.
Tại đây, anh xin được cho vợ vào làm thợ hồ chung với mình để có thêm đồng ra đồng vào. Do cháu Diệu là con út và còn quá nhỏ, không thể gửi ông bà, chị Hiến quyết định đưa con nhỏ vào Nha Trang theo chồng.
Để có thời gian đi làm cùng chồng chị gửi con vào cơ sở giữ trẻ của bà Phượng. Thông tin sự việc trên, chị Nguyễn Thị Minh, hàng xóm của đôi vợ chồng vừa gánh chịu nỗi đau mất con cho biết: “Hai vợ chồng nó hiền lành lắm, vào đây làm lụng khó khăn trăm điều. Trước ngày xảy ra vụ việc, hai vợ chồng nó nói với tôi là ngày 12 âm lịch (tức ngày 11/4) là ngày chẵn, chắc là ngày tốt nên sẽ gửi bé Diệu vào cơ sở giữ trẻ của gia đình bà Phượng để vợ chồng cùng nhau đi làm. Hơn nữa, việc gửi con vào nhà trẻ cũng sẽ giúp cháu bé có điều kiện phát triển tốt hơn. Vậy mà giờ nghe bé tử vong ngay ngày đầu tiên đi học, tôi rất bất ngờ và xót thương cho hoàn cảnh của vợ chồng họ”.
Gánh chịu nỗi đau quá lớn, đôi vợ chồng nghèo dường như ngất lịm. Nhiều người chứng kiến cảnh đôi vợ chồng vào nhận xác con chỉ mới 20 tháng tuổi cho biết, hai vợ chồng chỉ biết khóc ngất và than trách tại sao mình lại cả tin, đem con cho người chăm sóc và trách ông trời sao nỡ bất công đến thế. ông Nguyễn Tha (cậu ruột của nạn nhân) cho biết: “Thằng Lực với mẹ con con Diệu mới từ Bình Định vào Nha Trang hôm 10/4 vừa rồi. Ai ngờ, chúng nó vừa gửi lúc sáng thì đến chiều đã nhận tin con nhỏ đã chết. Đau đớn quá, khi nghe tin dữ cả hai vợ chồng nó đều khóc rất nhiều. Vợ thằng Lực ngất lên ngất xuống, phải đi cấp cứu tại trạm y tế phường mới tỉnh”.
Ngay sau tin dữ, cơ quan công an phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang đã xuống hiện trường, tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của cháu Diệu.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Trung tá Trần Văn Trung, trưởng Công an phường Vĩnh Trường cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Công an phường Vĩnh Trường đã lập tức có mặt tại hiện trường để điều tra. Ban đầu xác định, bé Diệu đã bị té từ trên cao, do chấn thương quá nặng nên tử vong tại chỗ”. Cũng theo Trung tá Trần Văn Trung, cơ sở giữ trẻ của bà Phượng không có giấy phép hoạt động.
|
Anh Phạm Văn Lực (giữa) khóc nức nở trong vòng tay người nhà. |
Nỗi đau từ sự tắc trách, vô tâm
Chiều 11/4, Công an tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng đến cơ sở giữ trẻ để tiến hành lập biên bản, khám nghiệm hiện trường. Đến 19h, thi thể cháu Diệu được đưa vào nhà mai táng của bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, thi thể nạn nhân được gia đình đưa về quê để tổ chức lễ mai táng đúng phong tục, tập quán của địa phương.
Tuy nhiên, không khí tang thương, hoang mang vẫn bao vây con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thị Bất. Nhiều người dân cho rằng, chính sự tắc trách, thờ ơ, thiếu quan tâm của các nhân viên tại cơ sở đã gây ra tai nạn đau lòng.
Theo thông tin từ những người có mặt tại hiện trường, sau khi phát hiện cháu bé bị tai nạn, các cô giáo của cơ sở giữ trẻ chui của bà Phượng vẫn im lặng, không thông báo đến gia đình cũng như không đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Anh L.N.T., một người chứng kiến vụ việc cho biết: “Khi phát hiện cháu bé bị té ngã, các cô giáo ở đây không chịu đưa cháu đi viện mà còn tự ý sơ cứu. Tôi nghĩ, nếu đem cháu đi cấp cứu kịp thời chắc không đến nỗi. Trách là trách họ quá chậm và thiếu trách nhiệm mà thôi”. Cũng theo người này, gia đình anh Lực chỉ phát hiện vụ việc khi đến đón con vào lúc 16h chiều ngày 11/4.
Theo đó, khi đến xin đón con, hai vợ chồng anh Lực đã thấy cháu bé nằm bất động trên chiếu, đầu có vết sưng, cổ có nhiều vết bầm. Sau khi kiểm tra, vợ chồng anh Lực bàng hoàng phát hiện đứa con gái út đã tắt thở. Sau thông tin trên, nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ kinh hãi cho biết không dám tin vào sự thật.
Anh Lê Như Tình, một người có con nhỏ gửi tại cơ sở trên, cho biết: “Nghe tin có một đứa bé tại cơ sở nuôi trẻ của cô Phượng bị tai nạn và vừa mất, tôi thật sự tiếc thương cho đứa bé xấu số và hoàn cảnh của vợ chồng anh chị đó. Đã khó khăn, sống cảnh xa xứ mà phải chịu cảnh này... Chắc từ đây về sau, tôi không dám gửi con của tôi vào học ở đây nữa đâu”.
|
Người thân đưa thi thể cháu bé đáng thương ra khỏi hiện trường. |
Những người biết về tai nạn thương tâm, lẽ ra không nên xảy ra tại một cơ sở giữ trẻ đặt nghi vấn: Tại sao các cô giáo không trực tiếp đưa đi hoặc gọi cấp cứu đến chở cho bé đi bệnh viện khám, sao không báo sớm cho cha mẹ cháu biết lúc bé vừa bị tai nạn và sao lại còn đặt bé nằm ở chiếu như vậy? Phải chăng, các nhân viên ở đây quá tắc trách, thiếu lương tâm, trách nhiệm trong công việc. “Bây giờ chỗ nào mà chẳng có nhà giữ trẻ chui, nhà giữ trẻ gia đình không phép. Tuy nhiên, có phép hay không phép thì có khác gì, quan trọng là cái tâm, tinh thần trách nhiệm của trung tâm, cơ sở đó thế nào mà thôi. Nếu họ có tâm, có trách nhiệm coi con người khác như con mình, cháu mình thì làm gì có chuyện để mấy đứa con nít vài tháng tuổi té chết được”, một người dân cho biết.
Theo tìm hiểu riêng của PV báo Đời sống và Pháp luật, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà cơ sở nuôi giữ trẻ của bà Phượng có trẻ tử vong. Trước đó, tại cơ sở trên cũng đã xảy ra trường hợp một trẻ nhỏ bị tử vong sau khi rời khỏi nhà bà Phượng vì lý do bé được ăn quá nhiều dẫn đến giãn đường ruột. Sau khi nhận tin cơ sở giữ trẻ của mình có bé tử vong, bà Phượng, chủ cơ sở đã phải nhập viện vì hoảng loạn tinh thần. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-be-20-thang-tuoi-tu-vong-trong-ngay-dau-tien-den-truong-a29467.html