(ĐSPL) -Vô cảm trước sinh mạng hàng nghìn người, thản nhiên phủi trách nhiệm hay dung túng cho những việc làm sai trái... Bấy nhiêu đó cũng đủ để Chánh tranh tra Sở Y tế Nguyễn Việt Cường từ chức.
Trước hàng loạt các vụ sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong liên tiếp mấy tháng gần đây trên địa bàn Hà Nội thể hiện sự yếu kém nói chung của ngành Y tế. Tuy nhiên, trong lúc này, sự tắc trách và thái độ vô cảm kéo dài qua từng vụ việc của Chánh thanh tra sở Y tế Nguyễn Việt Cường đã khiến công luận bức xúc, chờ đợi vị này nói câu từ chức.
Vô cảm trước sinh mạng hàng nghìn người
Vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại Hoài Đức, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ thực hiện gần 25.000 xét nghiệm, trong đó, hơn 1.500 kết quả nhân bản trùng nhau trong thời gian gần 1 năm đã gây choáng váng không chỉ cho bệnh nhân đến bệnh viện, mà còn gây hoang mang, giảm sút niềm tin ngành y.
Những cán bộ tham gia vụ việc này bị dư đánh giá là “tán tận lương tâm”, “mất nhân tính” khi coi rẻ mạng sống và sức khỏe của bệnh nhân dân.
Chánh thanh tra Nguyễn Việt Cường dường như vẫn là người ngoài cuộc, thản nhiên trả lời trên báo chí, đây là lần đầu tiên trên ngành y tế thủ đô xảy ra sự việc như vậy. Để đánh giá về sự việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân thì ông Cương từ chối trả lời với lý do “đợi cơ quan công an điều tra”.
Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường.
“Nội dung đơn thư là có căn cứ, có cơ sở. Đây là những hành vi vi phạm quy chế, vi phạm y đức nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong ngành y tế Hà Nội”. “Tôi không được trực tiếp làm. Trả lời không thuộc trách nhiệm của chúng tôi. Còn khi có kết quả sẽ xử lý, công khai.”, ông Cường nói.
Trong khi đó, liên quan tới vụ việc nhân bản kết quả, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: “Công tác thanh kiểm tra bệnh viện còn yếu nên để vụ việc sai phạm của bệnh viện Đa khoa Hoài Đức diễn ra lâu như vậy”.
Vô trách nhiệm đến thản nhiên
Trước sự việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, làm bệnh nhân chết, bác sĩ ném xác xuống sông nhằm phi tang làm chấn động người dân cả nước những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký văn bản thay mặt ngành y tế xin lỗi toàn thể nhân dân.
Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chính thức trả lời báo chí bằng văn bản, sau khi nhận được khoảng 50 câu hỏi từ nhiều tờ báo, về trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế, trong đó có đoạn: “Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn. Chúng tôi cảm thấy choáng và sốc vì không thể tưởng tưởng nổi một bác sĩ lại có thể hành động như vậy, phẫn nộ vì vị bác sĩ này đã phản bội lời thề Hippocrates, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật…”
Trong khi đó, ông Cường trên báo Đất Việt khẳng định, đứng ra xin lỗi nhân dân Bộ trưởng làm là đúng chức trách: “Bộ trưởng nói là rất chính xác, rất đúng. Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ, đang công tác tại bệnh viện Bạch Mai dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế. Chính vì vậy, Bộ trưởng mới phải trực tiếp đứng ra nhận lỗi”, ông Cường nói.
Chánh thanh tra khẳng định việc đứng ra xin lỗi nhân dân của Bộ trưởng là đúng chức trách.
Không thấy mình có trách nhiệm, nực cười hơn, khi trên một số báo vị chánh thanh tra này còn giải trình cụ thể: “Đối với việc kiểm tra hoạt động các cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn, Hà Nội đã có sự phân cấp, giao cho quận, huyện (phường) kiểm tra giám sát trên địa bàn. Nhưng rõ ràng, để phát hiện việc hành nghề không phép là một vấn đề khó khăn. Bởi như Cát Tường đã được đăng ký kinh doanh nên có khách hàng ra vào là chuyện bình thường. Hơn nữa, hoạt động này lại diễn ra vào ngày nghỉ. Về trách nhiệm cơ sở này phải chịu trước hết, bởi đã biết quy định, không được làm mà vẫn cố tình vi phạm”.
Nói như ông Cường, việc xảy ra để lại hậu quả này thuộc cấp thấp hơn Sở chịu trách nhiệm. Còn đơn vị gây chết người phải chịu trách nhiệm do trước khi vi phạm không báo cho Chánh thanh tra, mà cứ… cố tình vi phạm.
Với lối tư duy này, ông Cường là chánh thanh tra, đại diện đơn vị chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, quản lý chỉ cần ngồi đợi những cá nhân tổ chức vi phạm pháp luật gọi báo cho ông ta rằng, "tôi đang trái luật đây".
Đáng bất bình hơn, khi một vị lãnh đạo sở, là đầy tớ của nhân dân lại quy trách nhiệm cho “ông chủ” của mình khi không làm tròn nghĩa vụ khi ông ta khẳng định, “trách nhiệm không thuộc về sở và nguyên nhân chính là do yếu tố con người trong đó có người dân".
Bao che, dung túng các vi phạm?
Trở thành người ngoài cuộc khi cần có trách nhiệm trước hậu quả do thói tắc trách, nhưng ông Cường lại khá “nổi tiếng” trong việc dung túng và bao che cho những sai phạm nghiêm trọng, đi ngược lại đạo đức và trọng trách của một lãnh đạo quản lý trong ngành y.
Một loạt sai phạm trong việc cung ứng, sử dụng thuốc tại bệnh viện Thanh Nhàn vào tháng 9/2013 đã được cơ quan chức năng kết luận rõ: Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn - ông Đào Quang Minh - đã lợi dụng chức vụ, cố tình vi phạm nghiêm trọng, kéo dài và có hệ thống luật đấu thầu trong công tác đấu thầu cung ứng thuốc tại bệnh viện Thanh Nhàn, làm thiệt hại cho bệnh viện Thanh Nhàn nhiều tỷ đồng đã được vị chánh thanh tra này “bảo kê” không cần giấu giếm.
"Trong đơn thư tố cáo, bà Việt phản ánh có mặt hàng thuốc thiếu, mặt hàng thuốc thừa, lúc không đủ dùng, lúc dùng quá nhiều là đúng. Vì vậy, trách nhiệm thuộc về Trưởng khoa lâm sàng đã không lập dự trù khi hết thuốc”.
Về việc kê đơn thuốc không hợp lý, Sở Y tế cũng khẳng định những chứng cứ bà Việt đưa ra là đúng và trách nhiệm này thuộc về các khoa lâm sàng và trưởng khoa dược đã không báo cáo kịp thời cho Hội đồng thuốc và điều trị.
Đó là những kết luận do ông Cường chỉ đạo đưa ra. Bởi lẽ, kết luận này của Thanh tra cho thấy Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn hoặc không có lỗi, hoặc chỉ là các lỗi “vi phạm hành chính” hoặc “chưa sâu sát”. Các biểu hiện vi phạm pháp luật của Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn đều được Thanh tra Sở Y tế “lờ đi” mặc dù người tố cáo đã đưa ra chứng cứ cụ thể, chính xác.
Ngay cả vụ việc tráo đổi thủy tinh thể ở bệnh viện mắt Hà Nội diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, theo đơn phản ánh của bác sỹ Nguyễn Thị Thu Thủy, những bệnh nhân cần phẫu thuật thủy tinh thể bằng phương pháp Faco tại Bệnh viện Mắt Hà Nội thường được tư vấn lựa chọn loại nhân thủy tinh thể IQ Alcon mềm của Mỹ.
Tuy nhiên, khi người bệnh lựa chọn và đóng tiền sử dụng phí thay thủy tinh thể cho chất liệu của Mỹ nhưng trên thực tế trong lúc mổ đã bị tráo sang nhân Hoya và Focus của hãng khác, với chi phí rẻ và chất lượng kém hơn. Được biết, giá của thủy tinh thể Alcon (Mỹ) là 6,5 triệu đồng (với bệnh nhân không có BHYT).
Cũng theo bác sĩ Thủy, không chỉ có thế, bệnh viện Mắt Hà Nội đã đánh tráo dịch nhầy sử dụng trong phẫu thuật thủy tinh thể. Cụ thể là từ dịch nhầy Douvis của Mỹ (600.000 đồng/1 hộp) đã bị đánh tráo sang dịch nhầy Ấn Độ (chỉ có giá 245.000 đồng/1 hộp). Theo đó, trong năm 2011, Bệnh viện này đã thực hiện đánh tráo hơn 700 ca thay thủy tinh theo cách trên.
Phát hiện hơn 700 ca thay thủy tinh bị đánh tráo. Nguồn Internet
Trước sự việc động trời này, ông Cường khẳng định, sự việc này không mới, cơ quan chức năng đã tìm hiểu điều tra từ gần 2 năm trước. Câu hỏi đặt ra tại sao Thanh tra sở Y tế Hà Nội đã biết từ 2 năm trước mà vẫn để vụ việc tiếp diễn đến bây giờ, nếu không phải đằng sau đó là những điều khuất tất giữa Thanh tra Sở Y tế và Bệnh viện mắt Hà Nội? Hay nói đúng hơn là sự bao che, dung túng một cách trắng trợn cho những sai phạm nghiêm trọng đó.
Không để ngành Y tế loay hoay một mình, Chính phủ đã vào cuộc, cuộc họp chiều 28/10, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì nhằm chấn chính công tác hành nghề y tư nhân trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã phân định rõ trách nhiệm thuộc về từng đơn vị. Kết thúc cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu TP Hà Nội rà soát trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, có kết luận chính thức về trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quản lý nhà nước đối với vụ việc này trước ngày 10/11.
Trách nhiệm sẽ được gọi mặt chỉ tên rõ ràng trong một thời gian cụ thể không xa, nhưng hình ảnh về một Chánh Thanh tra sở như trên chỉ tiếp tục ngày càng làm xấu đi hình ảnh về cán bộ lãnh đạo ngành Y, niềm tin vào y đức cứ thế giảm sút thêm. Thiết nghĩ, ông Nguyễn Việt Cường nên sớm từ chức.
Duy Khương – Trọng Bằng