Thomas Bissell Alexander, chàng trai 28 tuổi đến từ Canada rất “yêu” bún chả Việt. Anh tiết lộ về cuộc sống vui vẻ hạnh phúc và không muốn rời Việt Nam.
Chàng trai Tây và triết lý giáo dục “vị ngã”
Trước hết, người viết muốn nói rõ về khái niệm “vị ngã”. Theo từ điển Hán Nôm của Nguyễn Quốc Hùng, “vị ngã” có nghĩa tương đương với từ “vị kỉ”. Và khái niệm này được giải thích là “Vì mình. Chỉ biết có mình”. Người viết xin chọn ý nghĩa “vì mình” cho khái niệm “vị ngã” trong bài viết.
Thomas dạy trẻ tự tin, trở thành người mình mong muốn. |
Thông thường, lối giáo dục truyền thống của người Việt Nam đi theo lối sẵn có. Học vì bố mẹ muốn thế, xã hội cần, vì nghề đó đang “hot”. Vô hình chung, từ khi còn trẻ, nhiều người đã học cho kẻ khác, không phải cho chính mình.
Nhưng khi tiếp cận với Thomas, 1 chàng trai Tây – đã và đang dạy học tại Việt Nam, tôi nhận thấy, lối tư duy học cho người khác trở thành lỗi thời và là nỗi đau cho mỗi đứa trẻ.
Điều Thomas nói, khiến tôi – một người mẹ của 2 đứa trẻ luôn trăn trở về cách giáo dục con đã dần “ngộ”: “Teach the children become the person they are and they want to be”. (Hãy dạy trẻ trở thành người mà chúng muốn và là chính mình).
Đưa học sinh ra Hồ Gươm để học |
Như vậy, triết lý “vị ngã” không phải là sự ích kỷ mà đã đưa mỗi cá nhân trở thành trung tâm của giáo dục: Hãy vì mình mà học, hãy trở thành một người như mình mong muốn. Đó không phải là ích kỷ mà đó là chọn lựa đúng đắn khi mỗi cá nhân đáng được tôn trọng và nâng niu.
Bố mẹ hay thầy cô giáo, hãy nhìn thái độ, mong muốn của con để đặt những câu hỏi kiểu: Con muốn học thế nào? Con muốn chúng ta làm gì?
Thomas từng dạy tiếng Anh ở nhiều trường học và các trung tâm ngoại ngữ, anh không mong muốn kiểu cho học sinh ngồi một chỗ và chỉ độc thoại.
Anh muốn đưa học sinh ra ngoài, được chạm, được nhìn những gì đề cập trong bài học. Bởi phải cảm nhận được thì mới ghi nhớ những gì đã học. Anh không chỉ dạy ngôn ngữ, anh muốn trẻ có tình cảm, tâm hồn trong từng chủ đề.
Thomas bảo: Hãy dạy trẻ những kỹ năng của cuộc sống từ việc làm pho mai que cho đến lên kế hoạch tổ chức một chuyến đi cho 30 người.
Đức và Minh, học sinh đến từ một trường Dân lâp tại Hà Nội đang theo học Thomas.
Đức dùng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp khá dễ dàng. Còn Minh, em đã giành 7,8 điểm IELS. Cả Đức và Minh đều cho rằng, tại sao phải suốt ngày ngồi trong lớp chỉ để nghe những bài giảng 1 chiều từ giáo viên. Tại sao học sinh phải ngồi nghe mà không phản biện? Nếu vậy, việc học thật nặng nề và chán ngắt.
Hai học sinh này đều thích những buổi học tiếng Anh khi được Thomas đưa ra ngoài: Đi bơi, tập gym, chơi bóng rổ ra Hồ Gươm để chào và hỏi người nước ngoài rằng: Họ sẽ làm gì nếu được quay lại tuổi 14. Câu trả lời của những người đã có trải nghiệm sẽ giúp các em không bỏ lỡ những thứ hay ho, đáng làm mà những người đó chưa làm được hoặc nuối tiếc vì họ không làm. Đến khi đã qua tuổi 14, họ nhận ra được nhiều điều đáng lẽ nên làm ở tuổi 14, qua cuộc nói chuyện với họ các em sẽ học hỏi được nhiều hơn, có nhiều lựa chọn, định hướng tốt hơn cho tương lại của mình
Cuối buổi học, Thomas và học sinh sẽ thống nhất chủ đề và cần chuẩn bị gì cho buổi học tiếp theo như lên kế hoạch tổ chức chuyến đi dã ngoại, bao gồm đi như thế nào, chơi gì, chi phí cho mỗi người bao nhiêu…
Thomas chia sẻ, tôi muốn dạy bọn trẻ tự tin vào chính mình, dám nói và nói những gì mình muốn. Thậm chí, cho phép trẻ con sai lầm, vì chúng ta còn mắc sai lầm nữa là bọn trẻ. Hãy dạy bọn trẻ tìm ra những gì mình muốn.
Tôi luôn nghĩ, hãy xem học sinh cần học gì. Tôi có chứng chỉ dạy tiếng Anh nhưng để là giáo viên tốt không chỉ chìa ra chứng chỉ mà hãy nói cho bọn trẻ về tương lại của chúng chứ đừng nói về quá khứ của mình”.
Yêu bún chả và “tôi hạnh phúc khi ở Việt Nam”
Cách đây 3 năm, Thomas có duyên đến Việt Nam qua lời rủ của một người họ hàng. Anh đi du lịch, rồi dạy học và làm việc. Thomas chia sẻ, muốn đi nhiều, giao tiếp, hiểu biết nhiều và khi đến Việt Nam và muốn ở lại như một duyên định, thậm chí, anh muốn ở lại lâu dài.
Dạy tiếng Anh qua tập gym |
Thomas nói, anh thấy hạnh phúc khi ở Việt Nam, trước đây, khi còn ở Canada, mở mắt là công việc đang chờ.
Còn giờ , khi ở Việt Nam, anh làm những gì anh muốn, anh yêu thích. Anh chợt nhận ra cuộc sống là thứ được làm những gì mình muốn, mình hạnh phúc, được tự trồng rau, được đi du lịch và được ăn bún chả hàng ngày. Với người bạn mới, anh muốn chỉ cho họ thấy món ăn truyền thống của Việt Nam đó ngon như thế nào. Anh sẽ mời bạn đến phố cổ và thưởng thức nó.
Anh hay nhắc đến việc, anh mong muốn mở một lớp học, nơi ấy, anh cùng các bạn mình, mỗi người có một sở trường nhạc, họa… sẽ dạy học sinh những môn này bằng tiếng Anh như một trải nghiệm.
Sắp tới, Thomes sẽ là giám đốc chi nhánh cho công ty chuyên cung cấp giáo viên dạy tiếng Anh |
Thomas yêu thích và hay nhắc tới môn Jiu jitsu, anh cũng muốn học sinh của mình biết đến nó. Jiu jitsu (Nhu Thuật) xuất nguồn từ giai cấp võ sĩ samurai xưa ở Nhật Bản dùng tay không để tự vệ và chống cự lại đối thủ có võ trang hay không võ trang. Vì các samurai nhận thấy rằng phương pháp đấm đá của các bộ môn võ khác không có hiệu nghiệm khi chống lại địch thủ mặc áo giáp, họ phát minh ra phương pháp dùng quật ngã, đè, siết cổ, khóa tay, khóa chân,… để kháng cự địch thủ. Những phương pháp này nói chung là dựa trên lý thuyết dùng sức công của đối phương để kềm chế địch thủ, thay vì chống trả trực tiếp.
Thomas viết, “Nó giúp bạn thử thách ý chí của mình đối với những người khác trong một môi trường được kiểm soát. Bạn có thể phạm sai lầm ở đây, nó không phải là cuộc đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Bạn có thể đẩy mình lên cao và khám phá những điều tuyệt vời về bản thân bạn.
Một trong những điều đó là khi nào bạn nên dừng cuộc chơi, khi nào chúng ta nên ngừng sử dụng sức mạnh tàn bạo và áp dụng những cách thông minh, kĩ thuật, chúng ta có thể vượt qua những trở ngại không thể tin được.
Phần tốt nhất của jiu jitsu là bạn có thể dừng bất cứ lúc nào bằng cách đập tay hoặc chân. Nó có nghĩa là bạn đã muốn kết thúc ngay bây giờ. Khi cái tôi cá nhân, tính hiếu thắng quá cao, giống như khi chúng ta bị khóa chân và khóa tay sâu, cánh tay của chúng ta đang trong tình trạng dễ dàng bị bẻ gãy và chúng ta không từ bỏ. Đây là những hậu quả: Nó không phải là thắng hay thua. Đó là sự chiến thắng bản thân, sự học hỏi, hoặc mất mát. Bạn luôn có sự lựa chọn. Tôi chắc chắn điều này không chỉ đơn giản là jiu jitsu.
Sắp tới, anh sẽ làm giám đốc chi nhánh của công ty chuyên kết nối, giới thiệu giáo viên tiếng Anh đến dạy học tại Việt Nam.
Hy vọng, tình yêu với Việt Nam, với món ăn Việt, với một cô bạn gái người Việt sẽ còn níu chân để chàng trai Tây này tiếp tục khiến nhiều người Việt càng yêu thích sử dụng tiếng Anh như một công cụ không thể thiếu.