+Aa-
    Zalo

    Chàng trai phải bỏ làng theo cô gái "chửa hoang" vào rừng sống

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngôi nhà lụp xụp nằm lẻ loi trên ngọn đồi nhỏ là nơi mẹ con Hồ Thị Diệu đang cư ngụ. Người làng cho biết, Diệu phải chuyển ra đó vì dám chống lại “luật” làng.

    Ngôi nhà lụp xụp nằm lẻ loi trên ngọn đồi nhỏ là nơi mẹ con Hồ Thị Diệu (thôn 4, xã A Roòng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang cư ngụ. Người làng cho biết, Diệu phải chuyển ra đó vì dám chống lại “luật” làng.

    Chàng trai phải bỏ làng theo cô gái
    Con trai Diệu may mắn sống sót nhờ sự dũng cảm của mẹ.

    Chẳng là theo tục lệ của người Tà-ôi nơi đây, những đứa trẻ sinh ra không có cha sẽ bị bỏ trong rừng sâu. Tuy nhiên vì thương con, người mẹ trẻ ấy đã bất chấp mọi sự trừng phạt.

    Khốn khổ vì tục lệ

    Men theo lối mòn nhỏ dẫn tới căn nhà heo hút giữa đại ngàn, chúng tôi gặp Diệu đang bế con xuống suối lấy nước trở về. Thấy người lạ, cô cắm đầu đi một mạch vào nhà rồi đứng từ trong nhà hỏi vọng ra. Phải mất một hồi thuyết phục, chúng tôi mới được chị mở lòng bộc bạch câu chuyện của mình. Đầu năm 2006, Diệu xuống trung tâm xã A Roòng làm ăn và ở nhờ nhà anh họ. Trong thời gian này, cô quen với Hồ Văn Cấy (một thanh niên trong xã). Chẳng hiểu Cấy hứa hẹn gì mà cái bụng cô gái trẻ ngày một lớn. Không giấu nổi anh họ, cô xin về làng ở. Tới ngày Diệu sắp chuyển dạ, dân làng bắt đầu họp lại hỏi chuyện: “Con của ai? Sao không thấy cưới xin?”. Lúc này, Diệu “khai” đứa con là của Cấy. Tuy nhiên khi già làng xuống gặp thì Cấy nhất định không thừa nhận là “tác giả” của bào thai kia.

    Diệu cay đắng chịu tiếng “chửa hoang” và phải nộp phạt cho làng một con heo lớn. Không những vậy theo phong tục của người dân nơi đây, con gái “không chồng mà chửa” thì không được sinh con ở trong làng mà phải ra ngoài rừng, cách làng ít nhất một con suối và sau một tháng mới được trở về. Việc này để tránh ma tà và làm gương cho con gái trong làng không dám bắt chước theo. Còn muốn ở lại trong làng, sản phụ phải nộp phạt tiếp một con heo lớn và một con gà để làng làm lễ cúng.

    Không kiếm được tiền mua heo nộp phạt, Diệu ra bờ suối sinh con. Chiều hôm ấy trời mưa tầm tã, mẹ con Diệu ướt đẫm, lấm lem bùn đất, vắt và muỗi rừng cắn khắp người. Có mấy người phụ nữ Mơ Nông đi rẫy về, nghe có tiếng trẻ con khóc nên tìm tới. Thấy tội nghiệp, họ góp áo quần rồi chặt tre nứa, dùng bạt cũ dựng tạm một chiếc chòi cho mẹ con sản phụ ở. Sợ làng phạt vạ, Diệu chẳng dám bế con về làng. Trong căn chòi rách nát, hai mẹ con thui thủi sống nhờ vào tình thương của những người tốt bụng đi ngang qua. Một tuần sau khi sinh, Diệu cõng con trên lưng rồi bắt đầu công việc hàng ngày. Thế nhưng lúc này, người làng ùn ùn kéo ra bờ suối, nơi mẹ con cô đang tá túc để buộc phải mang đứa con bỏ vào rừng. Trước sức ép của người làng, người mẹ trẻ đành gạt nước mắt từ bỏ đứa con còn đỏ hỏn.

    Tuy nhiên tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất, nó đã thức tỉnh cô gái trẻ trong lúc yếu đuối không dám dũng cảm bảo vệ “nhúm ruột” của mình. Hai ngày sau, mặc kệ sự trừng phạt hà khắc, Diệu chạy băng băng vào rừng tìm con, trong lòng không khỏi lo sợ đứa bé đang gặp nguy hiểm bởi thú rừng và côn trùng. Thật may mắn, con cô vẫn còn sống. Song qua hai ngày đói khát, không được chăm sóc, sức khỏe đứa bé rất yếu ớt. Bé bị nhiễm trùng rốn, kẽ tay, kẽ chân và nách, sốt cao trong nhiều giờ đồng hồ. Tin tức này nhanh chóng lan xuống huyện. Khi biết tin, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em huyện đã tổ chức đoàn công tác đến A Roòng, phối hợp với chính quyền địa phương “giải cứu” mẹ con người phụ nữ bất hạnh. Các cán bộ đã mang cháu bé đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện. Cùng với việc vận động, giải thích cho dân làng hiểu ra việc làm sai trái, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ lương thực, áo quần, chăn màn, thuốc chữa bệnh và chăm sóc mẹ con Diệu trong thời gian “ở cữ”. Sau đó, đoàn cán bộ huyện còn tìm đến trao đổi với già làng về vấn đề này. Nhưng cuối cùng, “lệ làng” vẫn không thể thay đổi. Cô gái trẻ vẫn phải bế con rời khỏi làng.

    Người đàn ông can đảm

    Những tưởng chuyện tình duyên của cô gái trẻ đã chấm dứt khi chống đối “luật” làng, mang bên mình một đứa trẻ không có cha, nhưng ông trời lại thương tình mang đến cho cô một người đàn ông tốt bụng. Đó là Hồ Văn Nhí – một thanh niên cùng làng. Ngày sinh nở, làng cấm cô không được gặp đàn ông, không được bước vào làng. Một mình Diệu ở xó rừng với đứa con còn đỏ hỏn không thể làm gì ngoài trông chờ sự động lòng của ai đó ngang qua. Một lần đi làm về, thấy tình cảnh của Diệu, Nhí vô cùng thương cảm. Biết không thể chống lại luật tục nên lần nào vào rừng, anh cũng mang theo nhiều cơm nắm rồi lén bỏ lại gần lều mẹ con Diệu tá túc. Sau này khi mẹ con Diệu bị đuổi ra khỏi làng, Nhí vẫn âm thầm giúp đỡ. Lâu dần, Diệu cũng phát hiện ra.

    Lúc này, Nhí mới thú thật thương Diệu quá và muốn làm cha đứa trẻ. Diệu nghe Nhí thổ lộ thì bất ngờ lắm. Cô hạnh phúc vì có người yêu thương mình nhưng ngại ngùng, lo sợ. Nếu làm chồng của Diệu thì Nhí sẽ bị làng đuổi đi! Thế nhưng, Nhí vẫn quyết tâm đến với cô gái đã một lần lầm lỡ. Vậy là từ đó, Nhí mang đồ dùng ra rừng sống với Diệu. Ban ngày anh đi làm rẫy, tối về lo cơm nước và chăm sóc cho mẹ con Diệu. Người làng biết chuyện ra sức khuyên răn song trước quyết tâm của Nhí, già làng cũng đành chấp nhận.

    Hơn hai năm qua, Nhí vẫn sống với Diệu như thế. Mặc dù không được làng cho phép nhưng hai người đã ra Ủy ban xã làm đăng ký kết hôn. Có tờ giấy này trong tay, Nhí nghĩ sẽ không còn ai ngăn cản được nữa. Song từ đó, người làng kiên quyết cấm cả Nhí trở về. Ngôi nhà của Nhí ở trong làng đã bỏ hoang. Bao nhiêu vật dụng, Nhí đều đem ra căn nhà gỗ mới dựng để chung sống cùng Diệu. Ngày ngày, Nhí và Diệu lên rẫy trồng lúa, hái rau rừng, cũng đủ để sống qua ngày. Diệu cho biết: “Tục lệ của làng đã có từ bao đời nay rồi. Vì ai cũng thế nên phải chấp nhận thôi! Nếu không chấp nhận thì đành vào rừng làm nhà mà sống cả đời vậy”.

    Rời nhà Diệu, chúng tôi quay lại ngôi làng. Bóng dáng của đời sống văn minh đã thấp thoáng trên từng mái nhà. Làng đã có điện, ti vi và nhiều xe máy. Nhưng dường như trong những căn nhà ấy, quanh cái làng gần 100 hộ dân xúm xít như cái bát úp trên đồi này, vẫn có cái gì đó nặng nề ụp xuống.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Nao, Chủ tịch UBMTTQ xã trăn trở: “Khi tiếp nhận thông tin về trường hợp chị Hồ Thị Diệu, chúng tôi đã đến vận động, tuyên truyền để người dân từ bỏ luật tục lạc hậu này. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Tà Ôi nơi đây rất coi trong trọng luật tục của cha ông để lại, nó giống như một phong tục nên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế được. Đây là một trong những luật tục lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương nhưng vì nó đã ăn sâu vào đời sống người dân nên muốn xóa bỏ trong ngày một ngày hai là rất khó”.

    Chỉ tay vào lùm cây lớn ven suối, Diệu cho biết: “Chỗ đó năm trước là nơi mẹ con Diệu ở!”. Đúng lúc này, già làng Hồ Văn Ban (thôn 3) đi ngang qua. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông tỏ vẻ bức xúc: “Nó làm chuyện bậy bạ thì phải chịu thế thôi!”. Giọng ông đanh thép khi nhắc đến chuyện của Diệu. Có lẽ không chỉ riêng ông Ban mà với đại đa số người dân nơi đây, việc làm của Diệu đã khiến cả làng phải mất mặt. Chính vì vậy, họ bắt phạt Diệu để làm gương cho những cô gái khác. Ông Hồ Văn Đoàn, người có biệt danh “thông thái nhất làng” cười lộ cả hàm răng ăn trầu khi nói về tập tục của đồng bào mình: “Không bỏ tục lệ được đâu, xưa đến nay như thế rồi. Mình mà bỏ là mình có tội với làng, với tổ tiên đấy! Nhiều cái không được lắm”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-phai-bo-lang-theo-co-gai-chua-hoang-vao-rung-song-a47876.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan