+Aa-
    Zalo

    Chàng trai người Nùng và hành trình “ươm giữ hạt mầm” văn hóa dân tộc Chàng trai người Nùng và hành trình “ươm giữ hạt mầm” văn hóa dân tộc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với mong muốn góp phần “ươm giữ” hạt mầm văn hóa truyền thống, chàng trai người Nùng không ngần ngại dấn thân trên những “hành trình không mỏi”.

    Với mong muốn góp phần “ươm giữ” hạt mầm văn hóa truyền thống, chàng trai người Nùng không ngần ngại dấn thân trên những “hành trình không mỏi”.

    Miệt mài lưu giữ giá trị truyền thống

    Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hàm Yên (Tuyên Quang), nơi hội tụ nhiều điểm sáng đặc trưng văn hóa các dân tộc, chàng trai người Nùng, Tạ Đức Bằng (còn gọi là Bằng Okyo) luôn muốn tham gia vào hành trình lưu giữ giá trị truyền thống.

    Chàng trai Tạ Đức Bằng mong muốn làm tốt phong trào khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc vùng cao.

    Anh chia sẻ: “Là người đang công tác về văn hóa tại huyện Hàm Yên, tôi luôn muốn làm tốt phong trào đưa văn hóa về cơ sở, phần nào giúp khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đó sẽ là nền tảng để chúng ta đem bản sắc văn hóa của dân tộc mình, bản làng mình, giới thiệu đến đồng bào trên cả nước.

    Nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ trên hành trình đi muôn nẻo để “ươm giữ những hạt mầm văn hóa truyền thống” của mình, anh Bằng trở nên hào hứng: “Có rất nhiều chuyến đi đáng nhớ trong những năm qua, mà tôi nhớ nhất là đợt cùng đồng nghiệp lặn lội, lần mò vào sâu trong những bản còn chưa có điện thắp sáng, mang văn hóa về tuyên truyền đến với bà con ở thôn 3 Yên Lập (xã Yên Phú).

    Gặp đúng ngày mưa ướt nhẹp, chúng tôi đứng trên bục sân khấu tự dựng một cách thô sơ, vẫn mải miết biểu diễn, bà con ở dưới cũng chăm chú dõi theo. Mưa càng lúc càng nặng hạt, bà con vẫn cầm lá cọ, đội nón đứng xem, đến lúc buổi biểu diễn kết thúc mà bà con vẫn muốn nán lại để giao lưu chứ chưa chịu về.

    Lần khác, trong những chuỗi ngày đi vào bản sâu tại thôn 3 Đoàn Kết (xã Thành Long), phục dựng lại một nghi lễ của đồng bào để mang đi trình diễn, chúng tôi phải ăn ngủ tại bản trong suốt cả tuần. Đường vào bản gặp đúng cơn lũ dữ, cả đoàn di chuyển gặp rất nhiều khó khăn, việc ăn uống cũng vô cùng đạm bạc, nếu không muốn nói là thiếu thốn, chỉ có vài cây rau dại với muối trắng...

    Phải thừa nhận là có những vất vả, nhưng vì yêu cái văn hóa của dân tộc, không muốn những nét văn hóa độc đáo bị mai một, nên chúng tôi vẫn cứ mải miết như vậy... hết bản dân tộc Dao, lại đến dân tộc Cao Lan, dân tộc Tày, dân tộc Mông... Mỗi chuyến đi trình diễn như vậy đều được bà con rất ủng hộ, sứ mệnh mang văn hóa đến gần hơn với cuộc sống của bà con như đang được hoàn thành từng ngày”.

    “Đã từng có những thời điểm tôi rất muốn từ bỏ công việc hiện tại để vắt sang kinh doanh, buôn bán, hoặc thử sức làm ca sĩ tự do. Thế nhưng, ngẫm lại, mình đã được học hành chuyên môn tử tế, lại được bà con yêu mến, ủng hộ, không thể dừng lại như vậy được, mình vẫn còn việc phải làm.

    Trước đây, khi còn nhỏ, nhìn thấy bố mẹ vất vả ngược xuôi, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với ruộng đồng, vườn tược để nuôi 3 anh em ăn học, tôi đã thầm tự nhủ, phải cố gắng để sau này, có thể làm những việc có ích cho cộng đồng, để bố mẹ tự hào. Và đó cũng chính là động lực khiến tôi gắn bó với sứ mệnh “ươm giữ hạt mầm” văn hóa đến bây giờ, cũng đã hơn 15 năm buồn vui với nghề” - chàng trai xứ Tuyên giãi bày.

    Cơ duyên trở thành “hot Tiktoker”

    Thời gian gần đây, cộng đồng mạng tỏ ra vô cùng thích thú khi xem những clip về “cô gái Việt Nam” 94 tuổi với những đoạn hội thoại dí dỏm trên kênh Tiktok của Bằng Okyo. Đó là những tình huống hết sức đời thường của Tạ Đức Bằng cùng bà ngoại, cụ Nguyễn Thị Tứ. Hiện tại, kênh Tiktok này đang sở hữu gần 700.000 lượt theo dõi, Bằng Okyo bất ngờ trở thành “hiện tượng mạng”, còn bà ngoại trở thành “cô gái Việt Nam” được cộng đồng mạng vô cùng yêu mến.

    Không cần kịch bản cầu kỳ, không cần phô diễn tài năng diễn xuất, cũng không cần đến những hiệu ứng chỉnh sửa lung linh, mỗi clip của Bằng Okyo chỉ đơn giản là những câu chuyện phiếm thường ngày của hai bà cháu, nhưng chính là những khoảnh khắc chân thực nhất về tình cảm gia đình.

    Bằng Okyo và “cô gái Việt Nam” 94 tuổi (bà ngoại) - trở thành “hot Tiktoker”.

    Trong những clip của mình, bà ngoại hay được Bằng Okyo gọi vui là “cô gái Việt Nam”. Đồng thời, anh cũng thường xuyên nhắn nhủ: “Ai cũng có “cô gái Việt Nam” của riêng mình, và để chăm sóc thật tốt cho “cô gái Việt Nam” của mỗi người, hãy luôn quan tâm đến những người thân yêu của mình.

    Vốn sống với bà từ nhỏ, Tạ Đức Bằng sớm đã tự lập và luôn hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm của mình với gia đình. Là người con hiếu thảo, nên anh cũng muốn tham gia vào một hoạt động, phong trào nào đó, có thể góp phần lan tỏa tình yêu thương trong gia đình.

    “Tôi mong những clip của mình sẽ phần nào khơi gợi được những tình cảm ấm áp trong gia đình, đặc biệt, các bạn trẻ sẽ nhận ra tình yêu thương của bố mẹ, ông bà dành cho mình nhiều hơn, để tìm được tiếng nói chung trong gia đình, bởi, tôi đọc báo, cũng thấy nhiều cảnh bố mẹ và con cái khó dung hòa, gia đình khó bề yên ấm” - Bằng Okyo gửi gắm.

    Chia sẻ về dự định sắp tới, “hot Tiktoker” cho biết, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện thêm nhiều hoạt động lan tỏa những thông điệp hữu ích trong cuộc sống.

    Thủy Tiên

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (18)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-nguoi-nung-va-hanh-trinh-uom-giu-hat-mam-van-hoa-dan-toc-chang-trai-nguoi-nung-va-hanh-trinh-uom-giu-hat-mam-van-hoa-dan-toc-a365021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan