+Aa-
    Zalo

    Chàng trai dùng 16 tiếng/ngày chơi game, bán cả máu để phục vụ thú vui

    (ĐS&PL) - Đang là một chàng sinh viên cường tráng, hoạt bát chàng trai bỗng hóa gã béo bệ rạc chỉ vì quá nghiện game, thậm chí phải bán máu để có tiền chơi game và mua đồ ăn, thức uống.

    Cụ thể chàng trai tên Logan Visser, là sinh viên của Đại học Brigham Young (Mỹ). Anh ta vốn nổi tiếng với biệt danh “chàng trai đô vật cường tráng”.

    Tuy nhiên vào năm 2012, Logan Visser rơi vào vòng xoáy của chứng nghiện game và cuộc đời anh lao dốc từ đó.

    Cơn nghiện đã đẩy cuộc sống của Logan lệch khỏi quỹ đạo, làm hỏng những kế hoạch tương lai được vạch ra trước đó.

    Chỉ trong thời gian ngắn, trò chơi điện tử đã biến cuộc sống của chàng trai 18 tuổi trở thành cơn ác mộng cực kỳ tồi tệ.

    chang trai nghien game den muc choi 16 tieng ngay tham chi ban ca mau phuc vu thu vui1
    Logan Visser. Ảnh: NY Post

    Logan thường dành tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi trò Liên minh huyền thoại, bỏ qua việc học và làm thêm.

    Thanh niên cường tráng cày game suốt đêm, anh ta dán mắt vào màn hình từ tối cho đến khi trời sáng, sau đó ngủ đến tận chiều muộn. 

    Điều đáng nói Logan phải đi bán máu để lấy tiền chơi game và mua pizza, nước tăng lực duy trì sự sống. Quá trình đó lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày khác.

    Chỉ trong vòng sáu tháng, Logan tăng cân vùn vụt, mất hết bạn bè, trượt nhiều môn và không thể hoàn thành nhiều khóa học. 

    Logan Visser nói về khoảng thời gian khó khăn: “Tôi như mắc kẹt trong vũng bùn của trò chơi đó và không có con đường trở lại ngoài việc tiếp tục đắm chìm trong thế giới ảo. Trò chơi đã thực sự chiếm đoạt cuộc đời tôi".

    Logan chỉ là một trong vô số trường hợp nghiện game điển hình. Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định, các rối loạn do chơi game chính là hiện tượng nghiện, với các biểu hiện là không kiểm soát được thời gian chơi, bỏ lỡ các hoạt động thường ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân.

    chang trai nghien game den muc choi 16 tieng ngay tham chi ban ca mau phuc vu thu vui2
    Hiện Logan Visser đã trở về cuộc sống bình thường nhờ có vợ là nguồn động lực to lớn. Ảnh: NY Post

    NY Post dẫn lời Tiến sỹ Amanda Giordano, chuyên gia về chứng nghiện game, giảng viên Đại học Georgia, cho biết: "Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đối với một số người, việc chơi game trở thành một thú vui bắt buộc. Họ sử dụng trò chơi để kiểm soát cảm xúc và thậm chí biến trò chơi thành công cụ điều chỉnh tâm trạng". 

    Được biết, sau khi bị trò chơi điện tử đẩy vào hố sâu đen tối nhất trong cuộc đời, Logan đã vượt qua được và cuộc sống hiện tại của anh đã trở lại tươi sáng.

    Động lực lớn nhất để Logan thay đổi chính là sự kiện vợ anh, Sierra, sinh con trai đầu lòng vào 8 tháng trước. Khao khát trở thành tấm gương tốt cho con trai, anh quyết tâm cai nghiện game. "Tôi nhận ra rằng tôi cần thay đổi để bước vào khởi đầu mới, dù cho điều đó có nghĩa là phải từ bỏ sở thích này", Logan tâm sự.

    Dù từng là con nghiện game, ông bố 29 tuổi cho biết sẽ không cấm con chơi game hoàn toàn mà sẽ định hướng để con không theo vết xe đổ của anh. “Tôi không muốn sau này sẽ cấm đoán con chơi game vì sợ càng cấm sẽ càng ham. Tôi sẽ để con lớn lên cùng với những chuyến đi bộ đường dài, ra sông, đạp xe cùng nhau. Vợ chồng tôi đảm bảo rằng chúng tôi sẽ lấp đầy cuộc sống của con bằng những hoạt động vui vẻ", ông bố trẻ thổ lộ.

    Nghiện game online có thể được xem là một bệnh lý về tâm thần với các biểu hiện của rối loạn kiểm soát hành vi. Tình trạng này cần được can thiệp và điều trị kịp thời để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc làm ảnh hưởng đến bản thân người bệnh và cả những người xung quanh. 

    Nghiện game online còn được gọi với tên tiếng anh là video game addiction, có thể được định nghĩa là trạng thái không kiểm soát được cảm giác thèm chơi game. Người bệnh sẽ chơi game liên tục trong nhiều giờ liền và luôn có sự ưu tiên cho quỹ thời gian chơi game. Có thể nói game chính là lựa chọn hàng đầu trong cuộc sống của những đối tượng này.

    Người chơi có thể dần bị lệ thuộc vào game và càng có xu hướng tự cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè, xã hội. Những người mắc phải chứng nghiện game online sẽ càng có nhu cầu muốn được chơi game và chơi liên tục nhằm giữ cho tâm lý được ổn định.

    Khi chơi game càng nhiều, thắng càng nhiều họ sẽ cảm thấy vô cùng phấn khích và vui vẻ. Ngược lại nếu không thể đạt được mục đích này họ sẽ trở nên cáu gắt, kích động, thậm chí gây ra các hành vi bạo lực nguy hiểm.

    Vào tháng 6/2019 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xác định tình trạng nghiện game online là một trong các dạng bệnh tâm thần và đã được bổ sung chính thức vào danh sách bảng phân loại bệnh quốc tế (ICD). Căn bệnh này cần phải được thăm khám và điều trị sớm để hạn chế tối đa các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.

    chang trai nghien game den muc choi 16 tieng ngay tham chi ban ca mau phuc vu thu vui3
    Nghiện game được xem là một trong các dạng bệnh tâm lý nguy hiểm. Ảnh: Internet

    Nghiện game online là tình trạng thường gặp ở giới trẻ, đặc biệt là những trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên. Theo số liệu thống kê từ WHO thì có khoảng từ 70 đến 80% các đối tượng trẻ em từ 10 đến 15 tuổi yêu thích các loại game online. Trong đó số có khoảng 10 đến 15% các đối tượng có dấu hiệu nghiện chơi game.

    Hiện nay, vấn đề nghiện game của giới trẻ luôn trở thành chủ đề nóng hổi của giới truyền thông và nhiều người vẫn chưa thể có được cái nhìn thiện cảm về các trò chơi điện tử. Cũng bởi, đã có không ít các trường hợp thương tâm xảy ra xuất phát từ việc nghiện game.

    Vào tháng 11/ 2008 Công ty tư vấn, nghiên cứu về Internet và công nghệ Pearl Research (trụ sở tại San Francisco, Mỹ) cũng đã từng báo cáo về “Thị trường game online Việt Nam” dự báo đến năm 2011 thì số lượng người nghiện game online tại Việt Nam sẽ gia tăng lên đến hơn 10 triệu người. Dự đoán con số này sẽ càng gia tăng nhanh chóng và để lại rất nhiều hậu quả khôn lường.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-dung-16-tiengngay-choi-game-ban-ca-mau-de-phuc-vu-thu-vui-a586591.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan