Hình ảnh chàng trai bại liệt ngồi xe lăn đi xin ăn với nụ cười rạng rỡ, thiện nguyện đã không còn lạ với người dân nơi đây.
Từ lâu, người dân thành phố Nam Định đã không còn lạ lẫm với hình ảnh chàng trai ngồi xe lăn – Nguyễn Minh Tân (1988), hàng ngày vẫn lê la mọi nẻo đường, vỉa hè, góc chợ xin tiền của người đi đường.
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ chàng trai tật nguyền đi ăn xin cho bản thân mình. Nhưng không! Những đồng tiền được nhà hảo tâm bố thí, Tân đem về trao lại cho những người kém may mắn hơn mình.
Gian nan vượt qua định mệnh nghiệt ngã
Nguyễn Minh Tân (mọi người vẫn gọi cái tên quen thuộc là Tân “lì”) hiện sống với bố mẹ mình ở đường Hàn Thuyên thuộc thành phố Nam Định. Từ nhỏ cũng như bao đứa trẻ khác, Tân là một chàng trai hoàn toàn khỏe mạnh. Tốt nghiệp cấp ba, Tân thi vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, theo học khoa Tin học.
Thế nhưng, tai họa ập đến với chàng trai trẻ này khi đang học năm 2, Tân được phát hiện bắt đầu mắc chứng bệnh kỳ lạ có tên Wilson. Tân chia sẻ: “Tôi mắc bệnh hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/30.000 người, nếu không chữa trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Căn bệnh quái ác khiến tôi co rút các cơ, phải sống đau đớn trong thời gian dài…”
Dù nắng hay mưa Tân vẫn đi ăn xin. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Cho đến ngày hôm nay, Tân không thể nào quên được khoảng thời gian ban đầu bị căn bệnh hành hạ, đó là những cơn đau kinh hoàng, tưởng chừng không thể vượt qua nổi: “Tôi phải trải qua 720 ngày với những cơn đau hành hạ. Mỗi ngày, tôi phải chịu nhiều cơn đau, chuột rút khủng khiếp. Những lúc đó, tôi chỉ biết kêu gào và ôm chặt mẹ. Khoảng thời gian sống chung với căn bệnh nghiệt ngã đó, tôi nằm liệt một chỗ, tay chân co quắp, mặt méo xẹo, không thể nói năng được”.
Hai năm bị bệnh tật hành hạ khiến Tân từ một chàng trai khỏe mạnh bình thường đã thành người nằm một chỗ không thể tự đi lại được. “Khoảng thời gian đó, tôi tự hun đúc bản thân để trở nên lì lợm hơn, sẵn sàng đối đầu với những cơn đau vì chuột rút, nên mọi người vẫn gọi tôi với cái tên Tân “lì”. Tôi không bao giờ chịu đầu hàng số phận, mà kiên quyết đối mặt. Thế rồi sau hơn 2 năm nằm một chỗ, tôi đã tập ngóc đầu dậy, lật cơ thể, rồi đòi bố mẹ làm cho hai gióng sắt treo lên giường và bắt đầu hành trình luyện tập”, Tân tâm sự.
Bố Tân (ông Nguyễn Tiến Tiết) ngồi bên cạnh cũng tiếp lời con trai: “Nó lì lợm lắm. Mỗi ngày, nó bám hai khuỷu tay vào hai gióng sắt rồi đu người lủng lẳng trong đau đớn. Những lúc tập quá sức, máu ở khuỷu tay tứa hết ra nhưng nó vẫn không chịu dừng lại”.
Hàng tháng, Tân vẫn thường đi châm cứu ở bệnh viện. Chính tại nơi đây, chàng trai đã gặp nhiều người mắc căn bệnh tương tự như mình, trong khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong đầu Tân suy nghĩ, bản thân anh phải làm một cái gì đó để có thể giúp những người kém may mắn hơn mình, một phần cũng muốn chứng tỏ mình là người “tàn nhưng không phế”.
“Sau một thời gian suy nghĩ về bản thân và những người có số phận hẩm hiu, tủi phận mình nằm một chỗ, không biết phải làm cách nào. Nhiều đêm tôi suy nghĩ không chợp nổi mắt, thế rồi tôi chợt nảy sinh trong đầu ý tưởng táo bạo. Đó là đi ăn xin, lấy những đồng tiền từ tấm lòng từ thiện của mọi người để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, Tân tâm sự.
Ngay hôm sau, Tân đã nói ý tưởng đó của mình với những người thân trong gia đình nhưng ai cũng phản đối, đặc biệt là mẹ Tân. Mọi người rất lo lắng, bởi lúc này Tân không thể tự phục vụ cho bản thân thì làm sao tự đi xe lăn ra ngoài một mình được.
“Thế nhưng thấy con kiên quyết, chúng tôi cũng đành tặc lưỡi chiều lòng. Mới đầu vì không yên tâm, vợ chồng tôi thay nhau đẩy xe lăn đi trên các con phố, đến các ngõ chợ. Nhưng sau này thấy con quen rồi, nó lại muốn tự mình đi nên tôi đành chịu vậy. Được cái bà con ở đây ai cũng cảm động với việc làm của cháu nên đã giúp đỡ rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Đào (mẹ Tân) nghẹn ngào.
Tân trao quà cho những người kém may mắn. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Cách kiếm tiền để giúp đỡ người khác của Tân không giống ai. “Đồ nghề” để Tân giao tiếp với mọi người là chiếc điện thoại. Mỗi khi cần nói chuyện gì, Tân gõ văn bản bằng điện thoại rồi đưa cho người đối diện đọc. Xin được bao nhiêu tiền bạc, quà bánh, Tân đều cho vào tủ gỗ đặt ở phòng mình, rồi đến tháng lấy ra và phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Đào sụt sùi: “Cứ mỗi sáng bắt đầu chuẩn bị đi, nó lại xin tôi 20 nghìn đồng để lấy tiền uống nước, nó nhất định không chịu động vào 1 xu nào xin được. Ngày nắng cũng như mưa, nó cứ đi miết như thế. Có hôm xin được 200 đến 300 nghìn đồng nhưng có ngày cũng chỉ xin được mấy chục nghìn. Nhiều hôm trời mưa to, tôi đạp xe đi tìm đưa nó về, cả mẹ và con cùng ướt sũng. Về nhà, nó ốm không ăn uống được gì cả nhưng hết sốt, nó lại lết đi”.
Sức mạnh lớn lao từ tấm lòng cao cả của người mẹ
Tân tâm sự: “Động lực để tôi cố gắng hơn để biến ý tưởng đi ăn xin để giúp đỡ người khác cũng vì một phần xuất phát tự lòng bao dung của mẹ. Bình nhật, mẹ lúc nào cũng luôn lo lắng và quan tâm đến tôi. Tôi không làm được gì nhiều, nhưng tôi nghĩ hành động giúp đỡ mọi người mà bản thân mình cố gắng thực hiện sẽ khiến mẹ vui lòng. Tôi thương mẹ nhất vì mẹ là người luôn ôm chặt tôi, ghì tôi thật mạnh những lần tôi bị căn bệnh hành hạ, cầu nguyện cho tôi được bình an. Mẹ tôi luôn bảo rằng, nếu đây là cái giá phải trả nợ nghiệp trước, thì bản thân mẹ xin trăm nghìn lần lạy trời đất hãy để mẹ trả thay cho con”.
Hàng ngày, Tân đẩy chiếc xe lăn rong ruổi khắp các khu chợ, con phố để xin tiền. Tân nhớ lại khoảng thời gian đầu khi mình đi “ăn xin”: “Những ngày đầu, mọi người ai cũng nghĩ rằng tôi đi xin cho bản thân, nên khi thấy tôi đáng thương, họ cũng móc ví cho chút ít tiền lẻ. Nhưng sau khi biết việc làm của tôi là giúp đỡ mọi người, khi thấy tôi đi xe lăn từ xa, nhiều người tốt bụng đã cho tôi tiền, rồi giúp đưa xe lăn qua những đoạn đường khó. Cầm những tờ tiền của mọi người cho, lòng tôi rất vui và phấn khởi, bởi như thế những người khuyết tật, những người nghèo như chúng tôi có thêm được bữa cơm đủ đầy”.
Tân kể tiếp: “Thực sự lúc đầu biết mục đích đi ăn xin của tôi, ai cũng thấy lạ. Góp được bao nhiêu tiền, tôi đổi hết thành quà để tặng những người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Mọi người sống ở đây vẫn vui vẻ gọi tôi với cái tên “Dị nhân Tân” để nói lên cái hành động không giống ai của tôi”.
Cho đến bây giờ, nỗi lo của gia đình Tân khi người con một mình đi ra ngoài đã dần tan biến, thay vào đó là niềm tự hào. Lúc đầu, dù biết Tân “đi ăn xin” để ủng hộ người nghèo, bố mẹ và người thân vẫn không ủng hộ bởi một người khuyết tật như Tân vốn không lo nổi những sinh hoạt hằng ngày của bản thân, làm sao đi giúp người khác được. Nhưng rồi chính sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm của Tân giờ đây đã trở thành niềm tự hào của gia đình khi có người con đã vượt lên trên số phận.
Hình ảnh một người không lành lặn miệt mài trên chiếc xe lăn, hàng ngày rong ruổi trên các con phố, các khu chợ đã quá đỗi quen thuộc với người dân địa phương. Cứ mỗi sáng trước khi Tân bắt đầu hành trình của mình, người mẹ lại đứng nhìn theo người con thiếu may mắn của mình với một nỗi lòng xót xa nhưng cũng rưng rưng tự hào, yêu thương…
Theo Gia đình và Xã hội
Xem thêm video:
[mecloud]jH8B3vPLkD[/mecloud]