+Aa-
    Zalo

    Chàng trai 9X ôm mộng bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ thực tế ảo 3D

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bằng niềm đam mê công nghệ và lòng nhiệt huyết với di sản văn hóa của cha ông, chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang đã tự bỏ công sức, tiền bạc để lưu giữ, bảo tồn...

    (ĐSPL) - Bằng niềm đam mê công nghệ và lòng nhiệt huyết với di sản văn hóa của cha ông, chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang đã tự bỏ công sức, tiền bạc để lưu giữ, bảo tồn, trưng bày nguyên trạng hàng trăm linh vật, bức tượng cổ cũng như di tích lớn bằng công nghệ VR3D (còn gọi là Thực tế ảo 3D). PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện thú vị với chàng trai sinh năm 1997 này.

    - Với một chàng trai chưa đầy 20 tuổi, lại không theo nghiệp bút nghiên giống như bạn bè cùng trang lứa khác, Quang có thể cho biết cơ duyên nào khiến Quang theo đuổi đam mê này?

    Gia đình tôi kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, nên nhu cầu 3D hóa các hiện vật phục vụ cho việc quảng bá, bán sản phẩm trên mạng là rất cần thiết. Bản thân bố tôi đã nghiên cứu công nghệ 3D từ khá lâu và tôi chỉ là người kế thừa, hoàn thiện nó. Và cũng bởi nghề của gia đình nên từ nhỏ, tôi đã được theo mọi người đến các di tích văn hóa để thu thập mẫu tượng, mẫu hiện vật...

    Tình yêu với di tích và hiện vật văn hóa bắt đầu từ những chuyến đi như vậy. Sau này khi quyết định không theo đuổi con đường học hành, gia đình đã trang bị cho tôi những thiết bị kỹ thuật cần thiết, để vừa phục vụ công việc của gia đình, vừa phục vụ sở thích của bản thân.

    Nguyễn Trí Quang.

    - Quang có thể cho biết kỹ thuật để thực hiện số hóa hiện vật, di tích bằng công nghệ VR3D?

    Công nghệ này có hai khâu chính. Thứ nhất là quét 3D. Muốn làm được việc này, chúng ta phải có máy quét 3D chuyên dụng và phải thực hiện quét mọi góc độ của hiện vật, di tích... Khâu thứ 2 là tương tác 3D. Đây là khâu đòi hỏi công nghệ phức tạp, bởi nếu xem bản gốc thì chỉ có phần mềm và máy tính chuyên dụng mới thực hiện được.

    Vì thế tôi phải xử lý để hiện vật, di tích đó chuyển sang nền tảng xem 3D online. Người dùng được toàn quyền tương tác, xoay lật mọi vật được hiển thị trong môi trường 3 chiều thực sự để quan sát ngay trong trình duyệt, mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào.

    - Ở Việt Nam trước đây, công nghệ này đã từng được áp dụng vào thực tế bảo tồn di tích chưa?

    Theo tìm hiểu của tôi thì người ta đã áp dụng việc quét di tích bằng công nghệ 3D rồi. Tuy nhiên, sản phẩm của họ chỉ có thể hiển thị đám mây, tức là những điểm chấm chấm mờ chứ không chân thực như công nghệ của tôi. Hoặc có hiển thị thì cũng chỉ được một phần nhỏ của di tích. Đặc biệt hơn là chưa một sản phẩm nào có thể xem được online.

    - Vậy theo Quang, vai trò của công nghệ này với việc quảng bá, bảo tồn di sản văn hóa là như thế nào?

    Kỹ thuật này được thực hiện thông qua việc quét mọi góc độ của một công trình cụ thể. Có thể phiên bản số hóa không thể giống 100% với bản gốc, nhưng sai số của nó không đáng kể. Khi đưa lên mạng, mọi người có thể xem, nhìn ngắm hiện vật, di tích... dưới mọi góc độ và qua đó, họ sẽ hiểu và yêu thích hơn những di sản của cha ông. Hiện nay nhiều người chưa coi trọng việc số hóa hiện vật, di tích nhưng tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết.

    Ví dụ chứng minh là chuyện hương án 300 năm tuổi chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) bị cháy rụi năm 2015. Nếu trước đó tôi không thực hiện số hóa chiếc hương án này thì giờ đây, nó chỉ còn trong tưởng tượng của một số người mà thôi. Nhưng nếu có bản số hóa, chúng ta có thể phục dựng lại được với độ chính xác gần như 100%.

    - Liên hệ với tình trạng trùng tu di tích sai hiện nay, Quang thấy vai trò của công nghệ này như thế nào?

    Đúng là những năm qua, di tích hay bị “biến hình” sau trùng tu mà nguyên nhân một phần do thiếu dữ liệu hình ảnh để đối chiếu. Gần đây người ta cũng đang tranh cãi về việc trùng tu chùa Cầu (ở Hội An).

    Tôi cho rằng, nếu số hóa được những công trình đó, chúng ta sẽ có thêm tư liệu để đối chiếu sau khi hạ giải các cấu kiện của di tích. Tôi tin rằng kỹ thuật này sẽ có những đóng góp quan trọng để hạn chế tình trạng phục chế sai các di tích văn hóa như hiện nay.

    - Vậy ngoài các linh vật, mẫu tượng, Quang đã thực hiện số hóa công trình nào lớn chưa?

    Tôi vừa hoàn thiện dự án số hoá đình Tiền Lệ (huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội). Để làm được việc này, tôi đã lên kế hoạch trong vòng 2 năm, 1 tuần làm việc liên tục ở tại di tích với ê-kíp 3 người. Sau khi quét 3D xong, tôi mất thêm 4 tháng để thực hiện kỹ thuật tương tác 3D và hiện nay, một sản phẩm hoàn chỉnh đã được ra đời. Cũng bởi đây là lần đầu tiên một di tích lớn được số hóa nên công nghệ rất phức tạp. Có thời điểm tôi tưởng không thể hoàn thiện được dự án. Nhưng rất may là mọi chuyện cuối cùng đều ổn.

    Cách bảo tồn tối ưu

    Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Việc số hóa linh vật, di tích… là cách bảo tồn di sản tối ưu trước những biến thiên thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh trùng tu còn nhiều sai sót hiện nay. Hơn nữa, việc đưa những hiện vật, di tích này lên mạng, sẽ giúp ích rất nhiều cho những người làm công tác nghiên cứu văn hóa”.

    PHẠM THIỆU

    Xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]UBd0vTLRZM[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-9x-om-mong-bao-ton-di-san-van-hoa-bang-cong-nghe-thuc-te-ao-3d-a169561.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan