+Aa-
    Zalo

    Chàng trai 8x đa tài "treo" bằng đại học, về làm trang trại nuôi thỏ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau khi ra trường, chàng cử nhân văn 8x Trần Thanh Cần, trú tại xóm Vọng Sơn, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) quyết định về quê vừa nuôi thỏ, vừa mở xưởng

    (ĐSPL) - Sau khi ra trường, rất nhiều bạn bè cầm tấm bằng đại học loay hoay tìm cho mình một hướng đi và một công việc ổn định thì chàng trai 8x Trần Thanh Cần, trú tại xóm Vọng Sơn, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) quyết định về quê vừa nuôi thỏ, vừa mở xưởng cơ khí.

    Điều đặc biệt hơn, ngoài việc giỏi kinh doanh chàng trai ấy còn có rất nhiều tài lẻ như hội họa, viết thư pháp, thổi sao, làm thơ….và còn tham gia rất nhiều hoạt động Đoàn của xã.

    Trần Thanh Cần sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, sau khi tốt nghiệp THPT, Cần tham gia kỳ thi tuyển sinh và đã trúng tuyển vào học ngành Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Huế.

    Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, nhất là từ hồi học trung học Cần đã bộc lộ niềm say mê và năng khiếu văn thơ của mình. Là dân có “máu mặt” văn chương, Cần đã giành được nhiều giải thưởng như: HS Giỏi Văn cấp tỉnh, đạt loại Giỏi thời Đại học. Do đó, việc Cần lựa chọn theo học ngành Ngữ Văn không khiến mọi người thấy ngạc nhiên mà tin tưởng rằng Cần sẽ gặt hái được nhiều thành công từ con đường này. Tuy nhiên, sau đó Cần đã đưa ra một quyết định khiến gia đình, bạn bè, thầy cô và mọi người phải ngỡ ngàng.

    Vốn là anh chàng lãng mạn, bay bổng nhưng khi tốt nghiệp ra trường, Cần quyết định về quê lập nghiệp và nuôi thỏ. Quyết định táo bạo này của Cần không được mọi người ủng hộ, nhất là bố mẹ Cần.

    Trang trại thỏ của chàng cử nhân Ngữ văn Nguyễn Thanh Cần

    “Sau khi nghe tôi bảo không xin làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp mà về nhà gây dựng cơ ngơi bằng việc nuôi thỏ, bố mẹ đã khuyên can, phản đối rất nhiều bởi việc kinh doanh vốn đã không dễ, việc nuôi thỏ từ khâu chăm sóc, chọn giống… càng khó hơn trong khi tôi lại không có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn kiên định”, anh Cần cho biết.

    “Bố mẹ vẫn muốn tôi xin làm việc ở cơ quan Nhà nước, có công việc ổn định và lập gia đình”, anh Cần cười hiền chia sẻ thêm.

    Được biết, con đường đi này Cần đã định hướng ngay từ khi còn học đại học. Trong nhiều lần được đi thực tế, Cần thấy có nhiều người dân họ có giống thỏ tốt, chăn nuôi rất hiệu quả và năng suất cao. Sẵn máu kinh doanh nên Cần ấp ủ làm trang trại chăn nuôi thỏ.

    Sau đó, lấy số tiền học bổng tích góp được từ những năm học đại học làm vốn, Cần mua ít con thỏ giống về nuôi rồi về tự nhân đàn.

    “Bước đầu thấy chăn nuôi thuận lợi nên tôi quyết định đầu tư mở rộng. Tôi lên Internet tìm hiểu nguồn gốc các loại thỏ. Rồi tôi tự mày mò, học hỏi các địa phương phát triển mạnh về thỏ như Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội...sau đó lần lượt lấy các giống về nuôi.

    Tuy nhiên, do tôi không nhận được sự ủng hộ của mọi người nên việc vay vốn để kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy tôi vẫn quyết tâm lấy ít gây dần dần. Khi bán được ít thỏ tôi lấy tiền đó làm vốn”, anh Cần nhớ lại quãng thời gian đầu khi rất cần vốn để mở rộng kinh doanh.

    Quá trình chăn nuôi thỏ sau đó đã cho Cần nếm trải nhiều “quả đắng”. Ba lần mua giống ở Hà Nam, Ninh Bình về nuôi đều thất bại. Do không có kinh nghiệm nên việc làm chuồng bằng tre, gỗ không được bền và lâu dài. Giống thỏ mới nên dễ bị dịch bệnh.

    Nguyễn Thanh Cần bên trang trại thỏ của mình.

    “Kể về những khó khăn trong quá trình chăn nuôi thỏ thì nhiều lắm. Có lần tôi thậm chí còn bị lừa mất 20 triệu khi lấy mua giống ở Ninh Bình vì quá tin người, may mà cuối cùng nhờ anh em lấy lại hộ được một ít”, anh Cần chia sẻ.

    Để có vốn thực hiện kế hoạch đã ấp ủ, anh Cần phải đi làm thêm rất nhiều việc như phụ hồ, đi làm đường, vẽ tranh... Bên cạnh đó, anh Cần cũng phải thuyết phục bố mẹ rất nhiều để bố mẹ đứng ra vay vồn từ Ngân hàng Nông nghiệp, từ nguồn phát triển nông thôn mới.

    Dù việc khởi đầu không mấy thuận lợi Nhưng anh Cần vẫn không chán nản, mất ý chí, ngược lại với bản lĩnh của mình, anh vẫn kiên trì theo đuổi tới cùng.

    Sau những thất bại ấy, anh tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân, tự học kĩ thuật chăn nuôi thỏ, cách chọn giống thỏ tốt… Qua tìm hiểu kĩ lưỡng, biết được trại thỏ ở Ba Vì, Hà Tây có giống thỏ tốt, anh Cần đã không quản ngại xa xôi lặn lội tới mua thỏ giống.

    Cùng với việc thực hiện quy trình hợp lý khi tự mình làm chuồng chăn nuôi thỏ, cải tiến hệ thống máng tự động ở ngoài chuồng giúp thỏ có thể tự ăn... Tới đầu năm 2013, cuối cùng với sự nỗ lực, không nản chí và bỏ cuộc, may mắn đã mỉm cười với anh Cần khi công ty thực phẩm Hà Nội về khảo sát thị trường, giữa năm 2014 đã quyết định đầu tư tại Hà Tĩnh.

    “Được liên kết và trở thành nhân viên của họ (công ty thực phẩm Hà Nội - PV) nên việc phát triển chăn nuôi thỏ của tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi cũng thực hiện nhiều dự án giúp bà con chăn nuôi thỏ. Hiện nay trang trại thỏ của tôi có 250 con thỏ nái, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và trên địa bàn việc chăn nuôi thỏ rất phát triển”.


    Chàng cử nhân văn chương này còn có năng khiếu viết thư pháp

    Ngoài ra, Cần còn mở xưởng cơ khí nhỏ sản xuất máng thức ăn gia súc, chuồng chăn nuôi thỏ, gia công các sản phẩm khung cửa, cổng, lợp mái.

    Ngoài tài kinh doanh, nuôi thỏ, chàng cử nhân văn chương này còn có năng khiếu viết vẽ, thổi sáo và làm thơ. Cứ mỗi dịp tết, là "ông đồ trẻ" này lại bày mực Tàu, trước cổng Trung tâm văn hóa huyện cho chữ, phục vụ khách hàng đam mê thú chơi thư pháp tao nhã này. Đặc biệt, chàng cử nhân này còn biết làm thơ.

    Em có biết mùa nào cho nỗi nhớ

    Cho về đêm sức sống lại trào dâng

    Cho trái tim ta rộn rã tưng bừng

    Hát khúc hát của những ngày rực lửa

    Em có biết mùa nào mơ mộng mở

    Giua vườn yêu thơm ngát đóa hoa thơ

    Mưa rơi lặng lẽ giữa đôi bờ

    Mây giăng giăng cho ta thành tri kỉ.

    ...và thổi sáo. Ảnh: L.V.V

    Chia sẻ thêm về kế hoạch trong tương lai, anh Cần cũng cho biết bản thân còn có rất nhiều ước mơ, dự định vẫn chưa thực hiện được

    Thông tin cũng cho biết, anh Cần rất tích cực tham gia công tác đoàn của xã và được kết nạp Đảng vào tháng 5/2007. Hiện Cần là đội trưởng đội dân quân tự vệ thôn Vọng Sơn, Bí thư Đoàn thanh niên, phó Bí thư Đoàn xã Sơn Phú.

    Ông Nguyễn Quang Tảo, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho hay: "Trong công việc của đoàn của xã, Cần rất tích cực, năng nổ tham gia đầy đủ các hoạt động, phong trào. Dù bận rộn nhiều việc như: nuôi thỏ, vẽ tranh, làm xưởng cơ khí, viết thư pháp... nhưng hễ trên đoàn, xã tổ chức hoạt động gì Cần đều cố gắng, không quản ngại đi xa. Cần là một tấm gương đáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo". 

    CẨM ANH

    Xem thêm video: 

    [mecloud]wObxVt2bam[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-trai-8x-da-tai-treo-bang-dai-hoc-ve-lam-trang-trai-nuoi-tho-a111844.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.