Từng có cửa hàng giày dép lớn ở phố Đại La, Hà Nội, nhưng Đào Thị Nguyện (SN 1964) lại không vừa lòng, an phận buôn bán. Nguyện đã lấy nơi đây để làm bình phong, làm mắt xích trong đường đây mua bán trái phép chất ma túy của Vũ Xuân Trường...
Hi vọng mong manh
Ngoài 50 tuổi nhưng Nguyện vẫn giữ được dáng người thanh mảnh, nhẹ nhàng. Mái tóc đã có vài sợi bạc và đôi mắt luôn nhìn xa xăm như toan tính nhưng mỗi khi có ai đó nhắc lại chuyện ngày xưa, Nguyện lại xua tay bảo quên hết rồi. Từng gây chấn động dư luận một thời vì tham gia vào đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường, rồi là nhân tố chủ chốt trong đường dây ma túy do Ngọc “đại nương” cầm đầu, thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ rằng đó chính là người đàn bà có vóc dáng nhỏ bé này.
Quê gốc của Nguyện ở Hưng Yên, nhưng duyên phận đưa đẩy cho cô ta gặp chồng người Thái Bình. Gắn bó một thời gian dài ở quê lúa Thái Bình, qua những mối lái, Nguyện về phố Đại La, Hà Nội sinh sống với nghề buôn bán giày dép nhưng đó chỉ là bình phong để chị ta hoạt động buôn bán ma túy. Là phụ nữ nông thôn nhưng những va vấp trường đời và dạn dày kinh nghiệm của những năm làm ăn với các trùm ma túy đã khiến Nguyện trở nên tinh quái. Khi đường dây ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu bị lộ tẩy, hàng chục đối tượng trong nước có, ngoài nước có, thậm chí nhiều đối tượng là cán bộ CA đều lần lượt bị bắt thì Nguyện lại lọt lưới. Người đàn bà này đã nhanh chóng đổi nghề, tỏ ra làm ăn lương thiện khi cắt đứt hoàn toàn mọi liên lạc với đồng bọn.
Phạm nhân Đào Thị Nguyện. Ảnh tư liệu |
Gặp Nguyện trong trại giam, người đàn bà xuất hiện trước mặt chúng tôi trong hội trường của trại giam có dáng vẻ lam lũ, tần tảo. Thoạt nhìn, trông Nguyện đúng là người lao động chân chất hiền hành, chẳng có dáng gì là kẻ buôn ma túy, với những phi vụ thu lời hàng trăm triệu đồng. Thế mà, khi chỉ là một chân rết của đường dây ma túy Vũ Xuân Trường, Nguyện nhanh chóng hoán đổi vị trí của mình khi kéo cô cháu gái thế chân cho mình. Người cháu đó chính là “đại nương” Đỗ Thị Ngọc, một chân dài nổi tiếng ăn chơi đất Hà thành.
Ngọc gọi Nguyện là dì ruột, ngày đó vừa mới đi nước ngoài về, bán quần áo bị thất bát nên khát tiền. Được dì ruột lôi kéo, Ngọc đã bập vào và lợi nhuận kếch xù từ những chuyến “hàng” đã khiến Ngọc nhanh chóng gây chú ý khi thể hiện đẳng cấp của mình bằng sự chơi trội, khác người. Cách sống của cô cháu gái đã khiến Nguyện lo lắng. Chị ta nằm im không hoạt động nữa nhưng khi Ngọc bị bắt thì Nguyện đã không thoát. Bị kết án buôn bán, vận chuyển hơn 100 bánh heroin, Đào Thị Nguyện bị tuyên án tử hình.
Ánh mắt xa xăm, Nguyện ngồi trầm ngâm trong chiếc bàn dài. Nguyện bảo rằng, qua nhiều lần xét xử, cô ta vẫn bị tuyên y án tử hình. “Lúc ấy, nước mắt chảy dài, đã không biết bao đêm tôi mất ngủ và ước được quay cuộc sống đạm bạc trước kia với nghề buôn giày dép mà có vợ có chồng”, phạm nhân Đào Thị Nguyện tâm sự.
Thế rồi, Nguyện đã đứng dậy xin giấy và hai lần viết đơn xin ân xá. “Lần đầu viết đơn, tôi run lắm, trong đầu đầy những cảm xúc lộn xộn, đan xen. Khi biết đơn của mình bị từ chối, tôi rơi vào trạng thái mất thăng bằng rồi trầm cảm một thời gian. Đến lá thư thứ hai, tôi cũng viết mà trong lòng không có một chút hy vọng nào. Thế nhưng lời cán bộ quản giáo động viên rằng hãy viết thật cảm xúc của mình, bày tỏ một cách chân thành nguyện vọng của mình thì nếu có bị Chủ tịch nước bác đơn cũng không ân hận nữa. Thế là tôi viết”, Nguyện kể.
Mong ngày về ngắn lại...
“Những ngày nằm trong phòng biệt giam, có lẽ là những ngày mà cuộc đời tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Nỗi đau, sự đối diện giữa cái sống và cái chết cận kề. Nhiều đêm nghĩ đến việc làm của mình, biết khó tránh khỏi tội chết, lòng dạ lại thấp thỏm. Tôi đã cầu kinh, đã niệm phật và ngày nào cũng sám hối để hy vọng vào một điều kỳ diệu...”, Nguyện chia sẻ. Thế rồi, cuộc đời của Nguyện như được mở sang trang khi lá đơn xin tha tội chết của cô ta được Chủ tịch nước chấp thuận. Với Nguyện, được sống là một đặc ân lớn mà chị ta có được.
Về trại giam Quyết Tiến cải tạo, Nguyện lao động ở đội đính hạt cườm. Nguyện bảo rằng công việc đính hạt cườm đòi hỏi sự tỉ mỉ, vì thế ở độ tuổi của mình, cô ta không thấy phù hợp cho lắm. Nhưng vì hiệu quả công việc, Nguyện vẫn cố gắng mặc dù đôi lúc đôi mắt có phần kém hơn so với những người cùng đội. Nhưng ở đây, Nguyện cũng được an ủi phần nào khi cô cháu gái Đỗ Thị Ngọc cũng cải tạo cùng trại: “Ngọc cũng cải tạo cùng phân trại, thi thoảng hai dì cháu cũng nhìn thấy nhau”, phạm nhân Đào Thị Nguyện kể.
Trong trại, Nguyện bảo do mắc bệnh của “người có tuổi” nên ăn uống cũng không được là bao. Vì vậy, tiền các con ký gửi vào cho, Nguyện cũng không dùng hết. Nhưng điều mà cô ta đau đáu nhất vẫn là lương tâm của người mẹ. Dù sinh các con ra, nhưng không tự tay chăm sóc, bên con những lúc con cần. Với Nguyện thế đã là khổ tâm lắm rồi. Nhưng để được sống, được là nơi cho các con hướng tới, đó cũng là chỗ dựa tinh thần lớn để cho bọn trẻ đỡ thấy cô đơn.
Nhưng Nguyện bảo rằng, cuộc đời mình đã từng đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Rồi những ngày sống chạm cửa ngõ thần chết nên với Nguyện cuộc sống trong trại dù có thiếu thốn, vất vả, cô đơn,… cũng chẳng thấm vào đâu nếu đem so sánh với việc được sống. Thế nên Nguyện tận dụng hết thời gian có thể. Cô ta kể rằng những ngày nghỉ cuối tuần không phải đi lao động, Nguyện lại lên thư viện mượn sách về đọc hoặc viết thư về nhà, nếu không thì xem tivi, nghe thời sự để “sau này có được ra trại cũng không bỡ ngỡ với thời cuộc”.
“Dù thời gian để về với cuộc sống đời thường vẫn còn rất dài, nhưng tôi sẽ cố gắng sống và lao động với kết quả tốt nhất để ngày được xuống án sẽ đến gần và ngày trở về sẽ ngắn lại...”, phạm nhân Đào Thị Nguyện chia sẻ thêm.
Nguyễn Vũ
Nguồn: Tiền Phong
[mecloud]Qkmq16562T[/mecloud]