+Aa-
    Zalo

    Chàng công nhân đi làm 2 năm không công để xây thư viện hạnh phúc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Một tháng, mình làm được hơn 5 triệu, tháng nào tăng ca thì được tầm 7 triệu. Mình dùng phần lớn số tiền đó để làm thư viện", Khải cho biết.

    "Một tháng, mình làm được hơn 5 triệu đồg, tháng nào tăng ca thì được tầm 7 triệu đồng. Mình dùng phần lớn số tiền đó để làm thư viện", Khải cho biết.

    Hoàng Quang Khải năm nay 24 tuổi, sống tại thôn Đoan Khê, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Khải đang làm công nhân cho một công ty sản xuất giấy của Nhật đặt tại địa phương.

    Lương công nhân chẳng được là bao vậy mà Khải vẫn tích cóp để xây được một thư viện thu nhỏ với diện tích 16m2, mở cửa miễn phí cho người dân. Cứ mỗi chủ nhật, Khải lại đón những em học sinh, những bạn thanh niên đến thư viện đọc sách.

    Chân dung chàng trai Hoàng Quang Khải, người đã xây thư viện miễn phí cho mọi người đến đọc sách. Ảnh: Tri thức trẻ

    Khải cho hay những người đến đọc sách chủ yếu là học sinh cấp 1, cấp 2 và một nhóm cấp 3 thường xuyên đến ôn thi đại học.

    "Thư viện vốn được xây dựng trên tầng hai của căn nhà nhỏ mà bà nội và chú mình từng sống. Bây giờ gia đình chuyển vào trong ở, cách thư viện 400m.

    Thực ra đây chỉ là một phòng sách nhỏ thôi, ý tưởng xây dựng nó nảy ra trong một lần mình trò chuyện với một người bạn đi du học Nhật về", Khải chia sẻ.

    Để biến ý tưởng thành hiện thực, chàng thanh niên mất 2 năm để tiết kiệm tiền và 10 tháng để xây dựng thư viện.

    "Một tháng, mình làm được hơn 5 triệu đồng, tháng nào tăng ca thì được tầm 7 triệu đồng. Mình dùng phần lớn số tiền đó để làm thư viện.

    Trong hai năm tiết kiệm, mình chỉ nghĩ duy trì đủ tiền ăn, tiền mua nhu yếu phẩm cần thiết. Hôm nào không có tiền ăn sáng và đổ xăng thì vay bạn bè. Thời gian đó, mình không tụ tập hay đi chơi. Coi như làm không lương 2 năm.

    Mình làm việc theo ca 8 tiếng/ngày nên mỗi hôm chỉ dành khoảng 1-3 tiếng để làm thư viện. Ngày nào làm ca sáng ở công ty thì chiều tranh thủ về làm thư viện và ngược lại, có hôm đủ sức thì làm cả tối. Nước chảy đá mòn, sau 10 tháng, mình cũng hoàn thành thư viện như mong ước", Khải kể.

    Trong 10 tháng xây dựng thư viện, Khải không được phụ huynh ủng hộ. Bố mẹ cậu lo ngại việc con trai làm chẳng đi đến đâu.

    Hoàng Quang Khải chia sẻ: “Khi em trình bày ý tưởng mở phòng đọc sách miễn phí thì bố mẹ em tròn xoe mắt kinh ngạc và phản đối kịch liệt. Mẹ em thì bảo thích đọc sách thì mua về đọc, xây phòng đọc làm gì cho tốn kém. Nhà mình nghèo lấy tiền đâu mà làm những việc tốn kém, không thiết thực đó… Em không trách bố mẹ, mà chỉ buồn vì sợ ước mơ của mình dang dở. Thật may mắn, em đã được ông bà nội ủng hộ cho em mượn một căn phòng bỏ trống trên gác 2, phòng có lối đi riêng xuống cổng và em đã bắt tay vào xây dựng phòng đọc sách như một cái duyên”.

    May mắn hơn, Khải có được sự ủng hộ và giúp đỡ của họ hàng. Cậu tự tay mua và chuẩn bị vật liệu để bác, chú và anh họ trợ giúp xây tường, hàn khung sắt.

    Không gian bên trong thư viện của Hoàng Quang Khải. Ảnh: Trí thức trẻ

    Còn lại, mọi đồ dùng trong thư viện như kệ, giá sách, bàn ghế, ốp gỗ căn phòng đều do Khải tự tay làm. Việc trang trí cũng do anh chàng thực hiện.

    "Gia đình không ủng hộ nhưng họ hàng và bạn bè thì động viên mình lắm. Một người bạn làm kiến trúc sư tư vấn cách bài trí đồ đạc, một số bạn đề nghị ủng hộ tiền nhưng mình không nhận. Cho nên, mọi người giúp đỡ bằng công sức và hiện vật là chủ yếu".

    Khi đã xây dựng xong thư viện, chàng trai năng đi Hà Nội, mua thêm sách trong các hội sách hoặc đặt sách qua mạng. Bên cạnh đó, 5% số sách trong thư viện là do mọi người tặng Khải.

    Những ngày có Hội sách giảm giá ở Hà Nội, Khải thường rủ bạn bè cùng đi mua sách. Lương được 5,3 triệu đồng/tháng, Khải thường chia đôi, một phần mua sách, một phần mua các thiết bị cần thiết cho phòng đọc.

    “Nhiều lúc khó khăn quá, em đã định bỏ cuộc, nhưng đi đến đâu gặp các em nhỏ cũng ríu rít hỏi bao giờ làm phòng đọc sách xong, sao lâu thế, bao giờ thì chúng em mới được đọc sách...; em lại có thêm nhiều động lực để hoàn thành phòng đọc”, Khải nói.

    Một điều ít ai biết là Khải từng có lịch sử học kém trong những năm học phổ thông. Cậu tâm sự: "Cấp ba em học dốt lắm, toàn bỏ học đi chơi điện tử. Sau này, em tham gia các hoạt động thiện nguyện và dần dần thay đổi suy nghĩ.

    Còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn em rất nhiều. Em còn trẻ nên phải làm điều gì đó cho xã hội. Vất vả một chút nhưng làm được việc có ích cho đời sau thì cũng thấy vui. Đó cũng là lý do thôi thúc em làm thư viện này. Thay vì ủng hộ người ta tiền thì mình ủng hộ kiến thức. Có kiến thức là có tất cả.

    Niềm vui của mỗi người một khác. Nhiều người thấy ăn uống, đi du lịch với bạn bè là vui nhưng em lại suy nghĩ khác. Tự tay xây thư viện, ngắm nhìn các em nhỏ đến đây đọc sách - với em đã là hạnh phúc rồi".

    Chia sẻ về dự định trong tương lai, Khải tâm sự: “Em rất vui và hạnh phúc với những việc mình đang làm; hạnh phúc với những giá trị mà mình đã và đang cho đi. Em muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến mọi người đã giúp đỡ em. Do tính chất công việc nên tạm thời phòng đọc sẽ mở vào các ngày chủ nhật. Nhưng sau này, nếu các em có nhu cầu đọc cao hơn em sẽ mở thêm các buổi tối trong tuần”.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chang-cong-nhan-di-lam-2-nam-khong-cong-de-xay-thu-vien-hanh-phuc-a310562.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan