Khi được chứng kiến bức chân dung Càn Long của họa sĩ người Italy, các cư dân mạng xứ Trung phải thốt lên rằng "khác xa so với các tác phẩm điện ảnh".
Hình ảnh Hoàng đế Càn Long trên phim ảnh do diễn viên nổi tiếng Trương Thiết Lâm thủ vai. |
Lịch sử luôn là thế giới bí ẩn mà con người ngày nay vẫn chưa thể khám phá hết, Trung Quốc thời cổ đại cũng không phải ngoại lệ. Những gì chúng ta biết về lịch sử đều nhờ suy đoán từ các di tích được khai quật và không có cách nào để khẳng định chính xác tuyệt đối về những gì diễn ra hàng ngàn năm trước bởi thiếu đi những bức ảnh chân thật. Đặc biệt là những nhân vật lịch sử nổi tiếng, người hiện đại đơn giản là rất ít cơ hội để biết được diện mạo thực sự của họ.
Ngay cả những quan viên giàu có hay các Hoàng đế đứng đầu thiên hạ đều không vẽ chân dung sao? Tất nhiên là có, thậm chí kỹ năng của các họa sĩ trong hoàng cung đều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, các bức tranh hoặc là không thể tồn tại với thời gian, hoặc là không chân thật bởi đặc thù của tranh mực nước cổ đại và vì "người mẫu" là Hoàng đế nên đã được họa sĩ "làm đẹp" hơn so với "nguyên bản".
Đến thời nhà Thanh, sự giao lưu trên khắp thế giới ngày càng gần gũi, Tử Cấm Thành bắt đầu có sự xuất hiện của nhiều người nước ngoài. Dưới triều đại của Càn Long, một họa sĩ phương Tây đã vẽ "chân dung" của ông, để lại những tư liệu quý giá cho các thế hệ sau này.
Tranh vẽ của họa sĩ người Italy Giuseppe Castiglione. |
Càn Long (25/9/1711 - 7/2/1799), là Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Ông là vị Hoàng đế có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, với thời gian trị vì kéo dài hơn 60 năm. Đây cũng là thời kỳ cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của Đại Thanh.
Đối mặt với thực dân phương Tây liên tục dòm ngó, vua Càn Long đã chọn thái độ cứng rắn, từ chối thẳng thừng những yêu cầu vô lý của họ. Cùng với đó, ông chọn thái độ hữu hảo với những nước có thành ý với Trung Quốc, tuy nhiên vẫn dứt khoát từ chối đề xuất thông thương của họ.
Quan điểm của ông là, tiếp tục duy trì chính sách bế quan tỏa cảng của quốc gia, cũng chính vì vậy mà đã khiến khoa học kỹ thuật của Trung Quốc tụt hậu khá xa so với châu Âu.
Thế nhưng trong Tử Cầm Thành khi đó có một vị nhân sĩ đến từ Italy vô cùng nổi tiếng, đó là Giuseppe Castiglione (19/7/1688 - 16/7/1766), nhà truyền giáo và họa sĩ của hoàng thất.
Phong cách hội họa của Giuseppe hoàn toàn khác biệt so với các họa sĩ Trung Quốc đương thời, vì thế Càn Long Đế và các hoàng thân đều rất thích mời ông vẽ tranh.
Giuseppe đương nhiên cũng hiểu đạo lý để có thể tồn tại trong Tử Cấm Thành là không được chọc giận hoàng thân quốc thích. Vì thế khi vẽ tranh cho các phi tần, ông chú trọng đến thần thái và làm nổi bất khí chất của họ.
Sau một thời gian vẽ tranh trong cung, Giuseppe ghi nhớ rất rõ tướng mạo của Càn Long Đế, vì vậy ông đã âm thầm dùng mực nước Italy để vẽ nên bức "Càn Long Hoàng đế bán thân đông trang tượng" (tranh chân dung Hoàng đế Càn Long mặc đồ đông). Đây cũng là bức tranh được đánh giá sát với tướng mạo thực sự của Hoàng đế Càn Long nhất trong lịch sử.
Hình tượng các Hoàng đế cổ đại thường nằm ngoài tầm hiểu biết của con người ngày nay, nhưng khuôn mặt của Hoàng đế Càn Long đã được một họa sĩ người Italy âm thầm lưu lại, giúp chúng ta có thể giải mã một phần bí ẩn của lịch sử.
Bức tranh "Càn Long Hoàng đế bán thân đông trang tượng" của họa sĩ Giuseppe Castiglione. |
Bức "Càn Long Hoàng đế bán thân đông trang tượng" có kích cỡ 62.6 × 51cm, phác họa lại hình ảnh Hoàng đế Càn Long lúc khoảng 40 tuổi. Trong tranh Càn Long Đế để ria mép hình chữ "bát" (八). Đặc biệt có một chi tiết đặc trưng chứng minh đây là tranh vẽ Càn Long Đế, đó là lông mày bên trái của nhân vật có vết thưa đứt đoạn.
Bức tranh "Càn Long Hoàng đế bán thân đông trang tượng" hiện đang được trưng bày tại viện bảo tàng mỹ thuật Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc.
Khi được chứng kiến bức chân dung này, các cư dân mạng xứ Trung phải thốt lên rằng "khác xa so với các tác phẩm điện ảnh".
Hoa Vũ (Theo Toutiao)