Thẩm Vạn Tam là đại phú hào cuối triều Nguyên, đầu triều Minh ở Trung Quốc. Ông đã dùng cách thu mua ruộng đất và triển khai thông thương với nước ngoài, nên tích lũy được khối tài sản khổng lồ không kể xiết.
Theo cuốn "Trương Tam Phong toàn tập", Thẩm Vạn Tam từng có một thời gian là học trò của Trương Tam Phong. Trong thời nhà Nguyên và nhà Minh, Trương Tam Phong ở trong núi sâu rừng già tu luyện, hoặc lang thang trong các làng mạc và thị trấn, hoặc thu nhận đồ đệ với tấm lòng từ bi. Đồ đệ của ông không chỉ là đạo sĩ có tiếng, mà còn là những người hữu duyên. Thẩm Vạn Tam là một trong những người may mắn được làm đệ tử của ông.
Trước khi bái sư, Thẩm Vạn Tam từng nói: “Tôi sẵn sàng học Đạo để giúp dân, không dám mong mình được giàu sang phú quý”. Thấy ông thật thà, Trương Tam Phong đã mách với ông về “Luyện Kim Thuật”.
Trương Tam Phong đã dạy Thẩm Vạn Tam lập lò nung, mua các loại dược liệu, lựa ngày lành tháng tốt để tinh luyện. Tuy nhiên, cơ duyên chưa đến, sau bốn mươi chín ngày, lò luyện kim mở ra, thế là luyện kim thất bại. Ông Thẩm không nản lòng, bán thuyền đánh cá và lưới đánh cá, lấy hết tiền tiết kiệm của gia đình để luyện kim thuật. Không ngờ, lần luyện thứ hai còn nguy hiểm hơn, một ngày nọ, lò luyện đan bất ngờ bốc cháy, khiến cho tất cả lò luyện đan và ngôi nhà đều bị thiêu rụi. Lúc này, Trương Tam Phong thuyết phục ông từ bỏ tu luyện. Mặc dù ông Thẩm cảm thán bản thân mình phúc Đức mỏng, nhưng vợ ông vẫn quyết chí kiên định, nguyện phó xuất hết thảy. Họ cầu xin Trương Tam Phong ở lại, thậm chí ông bán cả con gái của mình để luyện kim.
Gia đình ông Thẩm tận tâm tu Đạo, sẵn sàng từ bỏ của cải và gia đình, Trương Tam Phong nhìn, biết rằng họ đã vượt qua khảo nghiệm về tâm tính. Vì vậy, ông chính thức dạy Thẩm Vạn Tam bí quyết luyện kim. Trước khi Trương Tam Phong đi, ông ta đã dự đoán được ông Thẩm sẽ gặp đại họa trong tương lai, bèn dặn ông: "Vương khí hưng thịnh ở hướng Đông Nam, chúng ta sẽ tương phùng ở hướng Tây Nam".
Phú thương giàu nhất nhà Minh
Thẩm Vạn Tam dựa theo phương pháp luyện kim, kết quả ông thực sự đã thành công, trong vòng chưa đầy một năm, ông đã tích lũy được rất nhiều vàng và làm giàu cả cho thiên hạ. Ông luôn ghi nhớ lời hứa của mình, nên đã quyên góp một số vàng luyện được cho những người nghèo khổ. Ông cũng dùng một số để kinh doanh, mạng lưới kinh doanh rộng khắp cả nước.
Tích lũy được nhiều tài sản, ông càng có khả năng phò trợ dân lành nghèo khổ, danh tiếng ngày càng lan rộng. Mọi người đều cho rằng, ông có “Tụ Bảo Bồn”, của cải đổ về như nước chảy.
Thẩm Vạn Tam có 2/3 ruộng đất ở vùng Tô Châu, mà lúc bấy giờ, Trung Quốc xưa lại đang trong thời đại nông nghiệp hưng thịnh. Sở hữu nhiều ruộng đất dưới tên mình như vậy, có thể thấy mức độ giàu có của Thẩm Vạn Tam. Mặt khác, Thẩm Vạn Tam còn vận chuyển tơ lụa, đồ sứ cùng thủ công mỹ nghệ của Giang Nam ra nước ngoài, kiếm được vô vàn lợi lộc, từ đó gây dựng nên cơ ngơi khổng lồ.
Thẩm Vạn Tam lúc ấy nổi tiếng khắp vùng trung nguyên, giàu có phát đạt đến mức Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương áp dụng chế độ thu thuế khác hẳn đối với gia đình và cơ ngơi kinh doanh của Thẩm Vạn Tam.
Khi Chu Nguyên Chương bắt đầu phát động xây dựng và tu bổ tường thành Nam Kinh, Thẩm Vạn Tam đã hào phóng bỏ ra số tiền đủ xây 1/3 tường thành, hơn nữa đội ngũ xây dựng của Thẩm Vạn Tam còn hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn ba ngày so với đội ngũ xây dựng của Chu Nguyên Chương. Điều này đã khiến Chu Nguyên Chương âm thầm khó chịu trong lòng.
Kết cục bi thảm
Sau khi Chu Nguyên Chương thống nhất thiên hạ, gia tộc của Thẩm Vạn Tam dần trở thành cái gai trong mắt Hoàng đế. Trải qua nhiều lần gây sức ép từ phía triều đình, gia sản của Thẩm gia giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước.
Trong khoảng từ năm 1370 đến 1373, Minh Thái Tổ áp dụng nhiều chính sách khắc nghiệt với giới nhà giàu tại Giang Nam. Từ đó về sau, gia tộc họ Thẩm không còn cơ hội để gượng dậy. Tới năm 1386, hai cháu trai của Thẩm Vạn Tam là Thẩm Chí và Thẩm Trang bị bỏ tù.
Thẩm Chí bị bắt do tội danh trốn thuế khóa lao dịch, còn Thẩm Trang bị quy là đồng lõa của "Hồ đảng" (tức phe phái của Hồ Duy Dung – Tể tướng từng định ám sát Chu Nguyên Chương).
Sau khi hai người này phải chạy vạy không ít tiền của mới có thể thoát khỏi vòng lao ngục, thì tới năm 1389, con dâu của Thẩm Vạn Tam lại bị khép vào tội đồng lõa cùng "Hồ đảng". Do tội danh này, phần lớn gia tài của nhà họ Thẩm bị tịch thu, con dâu cũng bị triều đình xử tử.
Lần đả kích cuối cùng của triều đình với gia tộc họ Thẩm xảy ra vào năm 1398. Thẩm gia bị triều đình khép vào tội tư thông cùng "Lam đảng", con trai và cháu đích tôn của Thẩm Vạn Tam đều bị tử hình, còn liên đới tới hơn 80 người trong gia tộc.
Có thể thấy ngay cả khi dâng lên cơ nghiệp "nứt đố đổ vách" của mình để Chu Nguyên Chương bòn rút, Thẩm Vạn Tam và gia tộc họ Thẩm vẫn không thoát khỏi kết cục bi thảm dưới tay vị hoàng đế này.
Mộc Miên (T/h)