Thầy Lê Thanh Long, sinh năm 1988, là giảng viên ngành Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM). Thầy Long đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư tại Hội đồng giáo sư ngành Cơ khí – Động lực năm 2023 ở tuổi 34.
Phó giáo sư Lê Thanh Long, quê quán Quảng Ngãi, tốt nghiệp đại học năm 2011 ngành Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Kỹ thuật chế tạo tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Năm 2016, thầy Lê Thanh Long được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Quốc Lập Trung ương Đài Loan (Trung Quốc).
Tân Phó giáo sư trẻ của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM công tác tại Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa từ tháng 3/2017 đến nay. Thầy Lê Thanh Long cũng là Bí thư thư Đoàn khoa, Ủy viên BCH Đoàn trường.
Sở hữu hồ sơ "khủng", từng đạt giải Quả cầu vàng cao quý
Báo Dân Việt đưa tin, theo Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, năm 2022, thầy Lê Thanh Long xuất sắc đạt giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022 lĩnh vực Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số và tự động hóa.
PGS.TS Lê Thanh Long cũng là chủ nhiệm đề tài NAFOSTED: "Nghiên cứu sự chuyển động mao dẫn nhiệt của chất lỏng trong kênh dẫn micro dưới tác dụng của nguồn nhiệt laser". Đây là công trình nghiên cứu cung cấp một phương pháp mới để điều khiển linh hoạt giọt chất lỏng trong kênh dẫn vi lưu. Đó là dùng nguồn nhiệt phát ra từ laser. Việc tìm ra phương pháp mới có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển các thiết bị chip điện tử dùng trong công nghệ nano, hệ thống vi cơ điện và lĩnh vực tự động hóa.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Thanh Long còn công bố 47 bài báo khoa học, trong đó có 14 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế; chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia TP.HCM loại C, chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở KHCN TP.HCM, là tác giả của 1 sách tham khảo được NXB uy tín phát hành.
2 hướng nghiên cứu chủ yếu của tân Phó giáo sư Lê Thanh Long là nghiên cứu tính toán động lực học chất lưu; nghiên cứu thiết kế chế tạo và điều khiển các thiết bị cơ khí.
XEM THÊM: Tân Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ là ai?
Ngoài giải thưởng cao quý Quả cầu vàng 2022, PGS.TS Lê Thanh Long còn nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu khác như: Nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan năm 2016; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 4 năm liên tiếp 2018-2021; Cán bộ trẻ tiêu biểu điển hình của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2019, 2021; Viên chức trẻ tiêu biểu Trường Đại học Bách khoa năm 2019-2020; Viên chức trẻ tiêu biểu trong giai đoạn 2015-2020; Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2020; Phong trào sáng tạo nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ TP.HCM năm 2020; giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục của Bộ GDĐT năm 2020; Thanh niên tiêu biểu TP.HCM năm 2022.
Theo báo Tuổi Trẻ, tân Phó giáo sư Lê Thanh Long chia sẻ: "Nhìn lại cả quãng thời gian từ khi còn là sinh viên đến khi trở thành một giảng viên như hiện nay, đó là cả một quá trình dài và đầy khó khăn đối với tôi, đặc biệt là khi xác định mình sẽ theo đuổi con đường học thuật - nghiên cứu khoa học và trở thành một người truyền dạy tri thức".
Theo Lê Thanh Long, đối với một người làm nghiên cứu khoa học, điều khó khăn thường gặp phải chắc hẳn là những lần làm thực hành, nghiên cứu thất bại hoặc chưa như mong muốn của bản thân.
"Điều đó đôi lúc làm mình nản chí và muốn từ bỏ. Thế nhưng bởi niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học, sự quyết tâm phải chinh phục được khó khăn đó đã giúp mình kiên trì đến nay. Để vượt qua khó khăn thì bản thân chúng ta cần phải vượt qua tâm lý của chính bản thân mình. Mỗi lần như thế mình luôn tự nhủ với mình rằng "I can do it", để nạp năng lượng cho mình", Lê Thanh Long nói thêm.
Hoàng Yên (T/h)