Vụ việc "1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc gắn mác Việt Nam chờ xuất khẩu sang Mỹ" được cho là có khả năng liên quan đến Lưu Trung Điền - một ông trùm kim loại của Trung Quốc.
Lưu Trung Điền - ông chủ tập đoàn China ZhongWang. |
Theo Sohu, ông Lưu Trung Điền sinh năm 1964, và có nhiều thông tin khác nhau về giai đoạn khởi nghiệp của doanh nhân này. Theo đó, sau khi tốt nghiệp trung học, ông Lưu Trung Điền làm công việc của một thợ mộc, sau đó ông chuyển sang làm công việc kinh doanh hóa dầu và được hưởng lợi từ gia thế của bố vợ.
Một luồng thông tin khác cho biết, vào năm 1978, Lưu Trung Điền lúc đó 14 tuổi đã một mình đến núi Trường Bạch tìm cách kinh doanh gỗ. Đến năm 1984, việc kinh doanh gỗ ở vùng Đông Bắc đã dần bị độc quyền bởi các thương nhân ở Giang Tô và Chiết Giang, ông Lưu Trung Điền chuyển sang ngành công nghiệp hóa chất để sản xuất sơn chịu lửa cho các nhà máy thép địa phương.
Vào cuối những năm 1980, các doanh nghiệp quốc gia ở phía Đông Bắc Trung Quốc bắt đầu thực hiện các kế hoạch quy hoạch phát triển kinh tế, một người có "bộ não" linh hoạt như Lưu Trung Điền đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ việc "thị trường đang dần dần mở cửa". Doanh nhân họ Lưu không ngừng học hỏi, thu hoạch được rất nhiều kinh nghiệm, đồng thời tích lũy được một nguồn vốn không nhỏ.
Năm 1989, Lưu Trung Điền thành lập một nhà máy hóa chất nhựa tổng hợp. Sau đó, ông liên tiếp xây dựng các nhà máy sản xuất nhôm Liễu Dương, nhà máy hóa chất Phúc Điền, nhà máy nhựa Trình Trình.
Năm 1993, dù chưa đến tuổi 30 nhưng Lưu Trung Điền và một công ty Hồng Kông đã cùng nhau thành lập Công ty TNHH China ZhongWang (Trung Vương Trung Quốc), chuyên sản xuất các cấu hình nhôm cho cửa ra vào và cửa sổ. Công ty sau này đã giúp Lưu Trung Điền điền tên vào danh sách những tỷ phú hàng đầu Trung Quốc.
Tập đoàn Trung Vương, một trong những tập đoàn cung cấp nhôm lớn nhất Trung Quốc. |
Trong giai đoạn cuối những năm 90 đầu 2000, do sự phát triển mạnh mẽ của ngành nhôm và kim loại ở Trung Quốc, cùng với việc quyết định mở rộng mô hình sản xuất của ông Lưu, đến năm 2001 Trung Vương đã đạt sản lượng 300.000 tấn, các sản phẩm được phân bố tiêu thụ rộng rãi khắp Trung Quốc.
Lúc này, một tập đoàn sản xuất nhôm lớn thứ 3 thế giới đến từ Mỹ đã bỏ ra 450 triệu NDT (khoảng 65 triệu USD thời điểm đó) với mong muốn mua lại toàn bộ công ty Trung Vương Trung Quốc, kèm theo điều kiện để Lưu Trung Điền làm Tổng giám đốc trong 3 năm.
Lưu Trung Điền đã từng do dự nhưng cuối cùng quyết định từ chối lời đề nghị, ông nói: "Sau vài năm tiếp xúc, chúng tôi đã làm chủ được sự phát triển của ngành sản xuất nhôm và công ty có rất nhiều không gian để phát triển."
Thực tế vào lúc cự tuyệt lời đề nghị từ Mỹ, công ty TNHH Trung Vương đang đối mặt với ngày tháng khó khăn. Nguyên nhân là do ngưỡng sản xuất loại hình nhôm kiến trúc của công ty tương đối thấp và phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngàn công ty khác trên toàn quốc.
Sau khi từ chối lời đề nghị từ đối tác Mỹ, Lưu Trung Điền đã đưa một sách lược gọi là "chuyển hình" (thay đổi mô hình sản xuất). Nhờ chịu khó quan sát và nghiên cứu các quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức... ông Lưu phát hiện các công ty máy bay Boeing trên toàn thế giới luôn cần một sản lượng nhôm công nghiệp khổng lồ, nhưng các công ty có thể cung ứng lượng nhôm công nghiệp trên thế giới không nhiều. Mặc dù tại Trung Quốc thời điểm đó, dòng nhôm kiến trúc đã bị bão hòa, nhưng các công ty sản xuất nhôm công nghiệp rất ít, cả trong và ngoài nước đều có cơ hội thương mại rất lớn.
Quyết định táo bạo của ông Lưu Trung Điền đã biến Trung Vương từ một công ty nhỏ trở thành một tập đoàn lớn. |
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang sản xuất nhôm công nghiệp, cần phải có một loại máy ép lớn, việc xây dựng nhà máy cũng đòi hỏi một sự đầu tư lớn, đối với một công ty nhỏ, nó giống như mang cả tài sản ra để đánh cược, vì vậy quyết định "chuyển hình" của Lưu Trung Điền bị người nhà và các bộ phận quản lý công ty coi là "điên rồ".
Bất chấp sự phản đối của nhiều người, đến năm 2002 Lưu Trung Điền quyết định thực hiện kế sách "chuyển hình", ông đặt mua rất nhiều trang thiết bị sản xuất cỡ lớn, bao gồm cả máy ép nhôm định hình loại 12500 tấn. Tổng chi phí đầu tư cho kế hoạch "chuyển hình" đó ước tính lên đến hơn 2 tỷ NDT (khoảng 285 triệu USD).
Đến năm 2004, áp lực càng đè nặng lên Lưu Trung Điền khi bản thân ông không thể đảm bảo rằng các sản phẩm mà dòng máy mới sản xuất ra có đạt chuẩn để tiêu thụ hay không. "Lúc đó, chúng tôi gần như không thấy tương lai", một thành viên cấp cao của Trung Vương cho biết.
Cho đến cuối năm 2004, cơ hội cuối cùng cũng tìm đến với Lưu Trung Điền. Bộ Đường sắt Trung Quốc chỉ định công ty Trung Vương cung cấp cấu hình nhôm cho việc chế tạo toa xe lửa, các nhà máy lắp ráp thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc đều được chỉ thị đặt hàng từ công ty của ông Lưu. Lúc này áp lực trên đôi vai của Lưu Trung Điền mới được giải tỏa.
Các trang thiết bị sản xuất dây chuyền do Lưu Trung Điền đặt mua được đưa vào sử dụng lần lượt. Cho đến năm 2008, việc cài đặt và vận hành các thiết bị này hoàn tất. Quá trình sau đó, công ty Trung Vương dần có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Bởi vì công ty của ông Lưu có thể độc lập sản xuất các cấu hình nhôm có kích thước lớn, mà loại nhôm này trên thị trường đang có nhu cầu lớn và hoàn toàn không phải lo lắng về việc tiêu thủ sản phẩm. Kể từ đó, Trung Vương không chỉ trở thành nhà cung cấp cấu hình nhôm cho xe lửa, mà còn là nhà cung cấp các loại nhôm cho máy bay, tàu thủy hay các công cụ máy móc lớn.
Song song với việc phát triển mạnh mẽ trên thị trường, Lưu Trung Điền còn làm một việc khác đó là "thao túng" toàn bộ công ty Trung Vương. Ông từng bước từng bước bắt các thành viên trong gia đình họ hàng lần lượt rời khỏi công ty. Không những bắt người vợ của mình lùi về phía sau để "chăm sóc gia đình", Lưu Trung Điền còn bắt cả em ruột mình là Lưu Trung Tỏa "từ chức". Đồng thời ông tập hợp các thân thích khác của mình trong công ty và trả cho họ mỗi người 5 triệu NDT để rời khỏi công ty.
Lưu Trung Điền bỏ ra 5 tháng mỗi năm để đi khắp nơi học hỏi những kiến thức mới. |
Lưu Trung Điền có một sự hiểu biết rất sâu sắc về những hạn chế của các doanh nghiệp gia đình. "Bạn có thể đưa tiền cho gia đình, nhưng đừng để gia đình làm mọi việc với bạn.", ông Lưu nhấn mạnh rằng điều ông cần là thiết lập một hệ thống quản lý và quy trình chuẩn trong công ty.
Nói về tư tưởng quản lý kinh doanh của mình, Lưu Trung Điền nói: "Đọc ngàn cuốn sách không bằng đi ngàn cây số. Mỗi năm tôi mất khoảng 5 tháng để đi các nơi trên thế giới. Tôi không chỉ đi tham quan các nhà máy sản xuất nhôm trên thế giới, mà đến cả những nhà máy sản xuất boeing tôi đã học hỏi cách quản lý của họ rất nhiều và áp dụng những kinh nghiệm thu được vào nhà máy của tôi".
Tập đoàn Trung Vương đặt móng tại Từ Gia thôn ở Liêu Dương, Trung Quốc. Những năm gần đây, Lưu Trung Điền luôn quan tâm đến cuộc sống của người trong thôn. Trung Vương từng tự bỏ tiền để xây dựng chế độ lương hưu cho những người nông dân trong thôn, đồng thời còn thường xuyên chu cấp gạo, mỳ, dầu cho những hộ khó khăn theo kỳ.
Với sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn Trung Vương, khối tài sản mà Lưu Trung Điền sở hữu cũng ngày càng lớn. Đến hết năm 2015, ông Lưu với khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD được liệt vào hàng một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và xếp thứ 115 của tạp trí Forbes.
Tuy nhiên hồi đầu tháng 8/2019, Lưu Trung Thiên đã bị truy tố tại Mỹ với cáo buộc "đội lốt" nhôm cũng như các sản phẩm khác để buôn lậu nguyên liệu vào Mỹ kể từ năm 2008, để tránh phải trả tới 1,8 tỷ USD thuế quan đối với hàng nhập khẩu.
Mới đây nhất là việc "một công ty có trụ sở tại Việt Nam là nơi tập kết 500.000 tấn nhôm đùn từ Mexico vào năm 2016 và 1,8 tấn nhôm Trung Quốc 'đội lốt' sắp xuất khẩu sang Mỹ" cũng được cho có khả năng liên quan đến "Ông trùm kim loại" Lưu Trung Điền.
Hoa Vũ (Theo Sohu)