+Aa-
    Zalo

    Chân dung nữ tướng đồ hiệu “ngang cơ” Johnathan Hạnh Nguyễn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 22 năm qua, hai nhà sáng lập Cititime đã cùng nhau tạo dựng một đế chế hàng hiệu của riêng mình.

    Khởi nghiệp bằng cách bán giúp đồng hồ xách tay cho thương nhân người nước ngoài tại Sài Gòn những năm 90 của thế kỷ trước và trót si mê nghiệp đồng hồ cơ, 22 năm qua, hai nhà sáng lập Cititime đã cùng nhau tạo dựng một đế chế hàng hiệu của riêng mình.

    Nếu Johnathan Hạnh Nguyễn và Lê Hồng Thủy Tiên (IPP Group) trở thành cặp đôi vàng trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu của Việt Nam, thì Lê Hoàng Chương và Nguyễn Thị Ngọc Diễm cũng là một cặp đôi nổi danh không kém.

    Hơn 20 năm bước chân vào kinh doanh, không có scandal cũng như rất ít giao tiếp báo chí, cặp đôi Lê Hoàng Chương và Nguyễn Thị Ngọc Diễm, đồng sáng lập Cititime cứ lặng lẽ như con ong cần mẫn góp mật cho giới đam mê đồng hồ và phụ kiện hàng hiệu. 

    Chân dung nữ tướng đồ hiệu “ngang cơ” Johnathan Hạnh Nguyễn

    Cả hai vợ chồng đều đam mê kinh doanh, nhưng việc điều hành chủ yếu nằm trong tay chị Diễm.

    1. Niềm đam mê kinh doanh của chị Diễm được nung nấu từ thời còn đi học và chỉ chờ có cơ hội là dấn thân. Lúc nào chị cũng trăn trở về việc tìm sản phẩm mới lạ, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng. Trong khi đó, anh Chương lại là người đam mê đồng hồ cơ học và đã kinh qua nhiều công việc liên quan đến nó.

    Yếu tố chủ quan đó cộng với bối cảnh khách quan đã giúp đôi vợ chồng này thăng hoa trong ý tưởng kinh doanh. Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế Việt Nam còn chưa mở rộng phát triển giao lưu với thị trường nước ngoài. Các dòng sản phẩm bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng nhái, hàng giả, hoặc nằm trong tay các thương nhân Trung Quốc. Các thương nhân này vốn là nhân viên của các cửa hàng đồng hồ ở Hongkong, Singapore nên có nhiều mối quan hệ với khách hàng lớn tại châu Á. Với lượng tiêu thụ lớn và ổn định, nên họ dễ dàng chiếm được lòng tin của các thương hiệu tên tuổi để mang hàng về bán trên thị trường Việt Nam. Thêm nữa, thuế suất tại các nước này cũng rất ưu đãi (chỉ 5 - 7\%), trong khi thuế suất của Việt Nam thời đó là 40\%.

    Nhận thấy bối cảnh đó gây thiệt thòi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Chị muốn người Việt Nam được sử dụng những chiếc đồng hồ chính hãng, đồng hồ mới với giá cả phải chăng. Mặc dù việc sắm một chiếc đồng hồ chính hãng còn quá xa xỉ đối với đa phần người tiêu dùng lúc đó.

    Tuy nhiên, hai vợ chồng chị không thể bỏ qua cơ hội hiếm có. Năm 1992, Cititime được ra đời nhờ độ chịu chơi của cặp đôi trẻ, chấp nhận đầu tư vào phân khúc thị trường khó khăn, để thay đổi quan điểm của người tiêu dùng, nuôi dưỡng niềm đam mê, thói quen dùng sản phẩm chính hãng, chất lượng cao.

    Đến năm 2000, khi đã có một nền tảng thị trường khá ổn định, chị bắt tay liên kết trực tiếp với các công ty sản xuất đồng hồ của Thụy Sỹ để đưa các thương hiệu về phân phối độc quyền tại Việt Nam.

    Và Cititime trở thành một trong những tên tuổi tiên phong mang những thương hiệu nổi tiếng thế giới về Việt Nam. Giờ đây, cái tên Cititime đã không còn xa lạ trong lĩnh vực phân phối độc quyền các thương hiệu đồng hồ và phụ kiện nổi tiếng thế giới tại Việt Nam, như Sarcar, Girard-Perregaux, Audemars Piguet, S.T.Dupont, Oris, Titoni, Gc, Guess, Swatch, Longines…

    2. Để làm nên tên tuổi của nhà phân phối hàng hiệu chính hãng, nhất là hàng xa xỉ, cần phải có rất nhiều mối quan hệ khéo léo ở trong và ngoài nước. Mà những thứ này theo chị Diễm, nó chỉ đến cùng với tuổi tác, niềm đam mê, sự lịch thiệp, tinh tế của mỗi con người.

    Nhìn danh sách thương hiệu mà Cititime đang phân phối độc quyền, giới sành đồng hồ và phụ kiện cho rằng, ông bà chủ của Cititime đã có một sự lựa chọn lập dị đáng yêu.

    Lập dị cũng phải thôi, bởi theo chị Diễm, những giá trị truyền thống độc quyền và vĩnh cửu luôn đến từ nghề gia truyền, sản xuất có giới hạn, có chữ ký riêng của thương hiệu trong giới săn đồng hồ. Hơn nữa, nếu Cititime làm việc với các nhãn hiệu độc lập như vậy, sẽ có được sự trung thành của họ đến hết cuộc đời, vì họ luôn thấu hiểu và trân trọng những đối tác có cùng đam mê. Cặp đôi này thường bị thuyết phục bởi các thương hiệu có những triết lý kinh doanh có truyền thống độc đáo và sự độc lập trong chiến lược phát triển.

    Chẳng hạn, với thương hiệu S.T.Dupont đến từ Pháp có lịch sử 140 năm, nổi tiếng với các sản phẩm độc đáo như bút viết, bật lửa, đồ da và các phụ kiện sang trọng khác.

    Năm 2010, Cititime quyết định “kết duyên” với thương hiệu này, vì họ đảm bảo được các tiêu chí như chị mong muốn.

    Đó là, S.T.Dupont chỉ sản xuất những sản phẩm đặc biệt dành cho những người đặc biệt. Các sản phẩm của S.T.Dupont không chỉ nhắm vào khách hàng có thu nhập cao, mà còn dành cho những người biết và yêu thích đẳng cấp của thương hiệu, như giới doanh nhân, chính khách, người nước ngoài sống ở Việt Nam, các nghệ sỹ… với mức giá từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD, vài trăm ngàn USD đối với những sản phẩm thuộc dòng “Haute Creation” làm theo đơn đặt hàng riêng với số lượng giới hạn, hoặc thậm chí chỉ sản xuất 1 chiếc duy nhất trên thế giới.

    Nhưng về góc độ khách hàng, bất cứ ai nghe đến chuỗi cửa hàng Cititime đều cho rằng, những sản phẩm kinh doanh của họ quá “kén” khách hàng.

    Song chị Diễm lại không nghĩ vậy. Tiêu chí của Cititime là mang đến chất lượng và dịch vụ, giá cả hợp lý, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Do vậy, Cititime không ngừng lựa chọn và cung cấp sản phẩm chính hãng đa dạng về mẫu mã, đặc biệt là sản phẩm đó có mặt tại thị trường Việt Nam cùng thời điểm với thị trường thế giới.

    Tuy nhiên, thế mạnh nhất của Cititime lại nằm ở việc quyết tâm loại bỏ hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Thông thường, các công ty kinh doanh đồng hồ thường phải là các công ty nước ngoài tại Việt Nam, hoặc là đại lý phân phối lại sản phẩm của các công ty châu Á khác. Nhưng với Cititime là một công ty tại Việt Nam, liên kết và phân phối chính thức các thương hiệu của Thụy Sỹ. Tất cả các dòng sản phẩm được bày bán tại cửa hàng của Cititime đều được hai bên kiểm soát rất kỹ, nhằm loại bỏ tình trạng hàng nhái, hàng giả.

    Giống như một số nhà phân phối hàng hiệu nổi tiếng tại thị trường Việt Nam, Cititime cũng gặp phải những khó khăn trong việc tìm vị trí đắc địa, đúng đẳng cấp tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nhưng trong chừng mực nào đó, Cititime đã sở hữu hệ thống chuỗi cửa hàng được xây dựng khá hoàn chỉnh tại hai thành phố lớn nhất nước, để khách hàng có thể dễ tiếp cận thương hiệu đẳng cấp theo đúng tiêu chí khi cần là có.

    3. Chị - người đàn bà đẹp, quyến rũ, rất đỗi dịu dàng lại kinh doanh trong lĩnh vực chăm chút vẻ lịch lãm cho đàn ông (đồng hồ, bật lửa, phụ kiện…) rất thành công khiến bất cứ ai cũng phải ghen tị.

    Dù anh Chương - chồng chị có tư tưởng cấp tiến là muốn vợ mình đi ra ngoài nhiều hơn ở nhà, gặp gỡ, giao tiếp học hỏi để bắt nhịp được với cuộc sống, thời đại. Anh thích người vợ thông minh hơn là một người vợ chỉ biết đến cái đẹp hình thức. Thế nhưng, anh cũng thuộc tuýp đàn ông có suy nghĩ hơi phong kiến, vợ vẫn phải là nội tướng trong nhà.

    Gia đình nhỏ của anh, chị có 3 con. Đối với họ, thất bại lớn nhất trong cuộc đời là ở đỉnh cao của địa vị, tiền bạc nhưng không giữ được một gia đình thực sự yên ấm. Bởi vậy, cả hai anh chị đều dành tất cả thời gian rảnh, ngoài kinh doanh ra để chăm lo cho gia đình.

    “Chính gia đình là điểm tựa giúp tôi có đủ mạnh mẽ để vươn đến thành công như hôm nay. Sau những giờ vất vả với công việc, trở về nhà chăm lo gia đình, chơi đùa cùng con cái là một niềm vui khôn tả. Gia đình là nền móng vững chắc để thành công”, chị chia sẻ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-dung-nu-tuong-do-hieu-ngang-co-johnathan-hanh-nguyen-a47808.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan