Trong danh sách 1.000 tỉ phú USD giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes có sự góp mặt của 2 đại diện Việt Nam.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hải Phòng hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup. Ngày 7/3/2011, ông Vượng chính thức trở thành tỉ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản ước tính khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 1 tỉ USD) tại thời điểm đó.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes - Ảnh: Forbes |
Trước đó, vào tháng 10/2010, ông Phạm Nhật Vượng đã là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sở hữu khối tài sản gần 15.800 tỉ đồng, giàu thứ hai tại Việt Nam trong khoảng năm 2007-2008.
Ở giai đoạn này, phần lớn doanh thu của tập đoàn đến từ Công ty Vinpearl – đơn vị đã niêm yết 100 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Năm 2013, ông Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes nêu tên lần đầu trong danh sách 1000 người giàu nhất thế giới, xếp ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỉ USD, lập kỷ lục là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỉ phú thế giới của Forbes.
Tới 31/12/2018, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt 4,3 tỉ USD, trở thành người giàu thứ 499 thế giới, theo bảng xếp hạng của Forbes.
Trong năm 2018, tập đoàn Vingroup đã có bước tiến lớn trong ngành kỹ thuật và công nghệ với sự kiện ra mắt của 2 thương hiệu mới là ô tô Vinfast và điện thoại thông minh Vinsmart, gây được tiếng vang trong khu vực.
Đầu tư nguồn vốn lớn, nhân lực kỹ thuật cao cùng hệ thống nhà máy sản xuất hiện đại là những yếu tố giúp người tiêu dùng thêm tin tưởng vào Vingroup nói riêng và những thương hiệu Việt nói chung.
Viết về ông Phạm Nhật Vượng, thời báo kinh tế Bloomberg từng nhận xét: “Trở thành tỷ phú USD nhờ khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina và sau đó là đầu tư bất động sản ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang thực hiện dự án sản xuất ô tô tại Việt Nam và nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế”.
Tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Nổi tiếng với cương vị Tổng Giám đốc của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air, ít người biết rằng nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank với cổ phần tại nhiều doanh nghiệp lớn khác.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong danh sách tỉ phú 2018 của Forbes cùng 3 đại diện khác của Việt Nam - Ảnh: Forbes |
Sau khi tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, bà Thảo trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành một chuỗi khách sạn 5 sao chuyên nghiệp.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới và ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.
Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017. Câu chuyện kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi mới chỉ 21 tuổi nhờ bán máy fax và nhựa cao su của bà Thảo được Bloomberg đăng tải và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ châu Á.
Ngày 23/5/2016, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hãng hàng không VietJet đã ký thỏa thuận thuê mua 100 chiếc Boeing 737 MAX 200 của tập đoàn đến từ nước Mỹ trị giá 11,3 tỷ USD. Đây là sự kiện đánh dấu tầm ảnh hưởng cũng như giai đoạn phát triển mới cho Vietjet Air cũng như sự nghiệp của bà Thảo.
Tính đến ngày cuối cùng của năm 2018, khối tài sản của bà Thảo ước tính đạt 3,1 tỉ USD, xếp thứ 766 trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, bà Thảo nói: “Tôi chưa từng dừng lại để đong đếm khối tài sản của mình. Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào để công ty tăng trưởng, làm thế nào để nâng mức thu nhập trung bình của nhân viên, làm thế nào để hãng hàng không chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn và biến nó trở thành hãng hàng không số 1”.
Thu Phương