+Aa-
    Zalo

    Chặn “chợ công nghệ 4.0”, ngăn sĩ tử “đầu tư” cho tương lai bằng gian lận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trên thị trường hiện nay, việc rao bán, cho thuê các thiết bị công nghệ phục vụ gian lận thi cử diễn ra khá công khai và rầm rộ.

    Trên thị trường hiện nay, việc rao bán, cho thuê các thiết bị công nghệ phục vụ gian lận thi cử diễn ra khá công khai và rầm rộ. Cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc xử lý cũng như ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử này.

    Thiết bị hiện đại, hệ lụy lớn

    Sau khi thâm nhập “chợ” mua bán thiết bị công nghệ phục vụ mục đích gian lận trong thi cử, PV báo ĐS&PL đã có cuộc tiếp xúc với nhiều chuyên gia giáo dục. Phần lớn ý kiến cho rằng, những vụ gian lận thi cử phát lộ chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

    Thượng tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng cục An ninh nội bộ - bộ Công an cho biết: “Các thiết bị công nghệ nghe, nhìn ngụy trang ra đời liên tục, các đối tượng mua bán lại thiết bị này có những phương thức tinh vi qua mặt cơ quan kiểm tra cũng như giám thị phòng thi. Việc này cần sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ Công an với bộ GD&ĐT, các đơn vị tổ chức thi để tránh được tình trạng gian lận trong thi cử”. Theo ông Minh, để phát hiện, ngăn chặn được những thiết bị này, cơ quan chức năng có thể áp dụng kỹ thuật công nghệ nhằm ngăn chặn các thiết bị này phát sóng, bởi những thiết bị này đều sử dụng các loại sóng như wifi, 3G, 4G, các loại sóng ngắn. Ngoài ra dùng các thiết bị kiểu như cổng từ để kiểm tra kỹ thí sinh trước khi vào phòng thi. “Riêng những đối tượng buôn bán kinh doanh các loại thiết bị này đều vi phạm pháp luật, cần phải rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm”, ông Minh nhấn mạnh.

    Cần có biện pháp ngăn chặn những thiết bị gian lận thi cử xâm nhập vào phòng thi. Ảnh minh họa

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Trương Văn Vỹ, giảng viên khoa Xã hội học tội phạm, trường đại học KHXH&NV TP.HCM nêu quan điểm: “Thời gian qua dư luận vẫn đang nóng về những vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình và rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Gian lận trong thi cử bằng hình thức này hay hình thức khác đều là những hành vi sai lệch không thể chấp nhận được. Việc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến công bằng xã hội, những người học hành, làm việc nghiêm túc bằng chính khả năng, thực lực của mình thì mất đi cơ hội. Cơ quan chức năng, quản lý cần ngăn chặn sớm, nếu không hệ lụy vô cùng lớn”.

    Đánh giá những sinh viên sử dụng thiết bị gian lận trong thi cử, ông Vỹ cho hay: “Không thể trông đợi vào tương lai của những sinh viên này, bởi họ chẳng có kiến thức và thực lực gì một khi sử dụng gian lận trong thi cử. Một khi trong học tập đã không thực chất, đã gian lận thì trong cuộc sống họ sẽ có những việc làm không đúng đắn”. Giám sát, xử lý nghiêm vi phạm Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang đến gần, câu hỏi mà dư luận quan tâm, bộ GD&ĐT, bộ Công an và các cấp, ngành địa phương đã có những biện pháp nào nhằm ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ nhằm mục đích gian lận thi cử?

    Trao đổi trực tiếp với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (bộ GD&ĐT) cho biết: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 bộ GD&ĐT đã chuẩn bị hết sức chu đáo và kỹ lưỡng tất cả mọi mặt, chuẩn bị cả những phương án dự phòng để thực hiện nếu có tình huống xảy ra. Trong công tác chuẩn bị này, có việc phòng chống thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử”. “Liên quan đến việc gian lận thi cử, không chỉ riêng bộ GD&ĐT mà các bộ, ngành khác cũng đã lên phương án cụ thể. Hiện nay, các thiết bị công nghệ sử dụng vào mục đích gian lận thi cử được bán trôi nổi trên thị trường với đủ loại mẫu mã. Chúng tôi đã làm một số công việc chuyên môn như: Công tác tập huấn trước kỳ thi được làm kỹ hơn, bộ đã mời PA03 của tất cả các tỉnh, thành phố, đại diện cục An ninh mạng, Kỹ thuật công nghệ cao - Bộ Công an tham gia vào ban chỉ đạo thi. Rõ ràng, đây là khâu quan trọng để có thể phát hiện gian lận bằng công nghệ cao”, ông Trinh nhấn mạnh.

    Ông Trinh cho biết thêm: “Về kinh nghiệm, kỹ năng để phát hiện những thiết bị gian lận này, chúng tôi đã phổ biến, hướng dẫn cho toàn thể giáo viên, cán bộ coi thi có thể nhận dạng, phát hiện những thiết bị này. Tuy nhiên, chúng tôi xác định như thế vẫn chưa đủ và có thể nhiều trường hợp gian lận sẽ không bị phát hiện, bởi vì loại hình này rất đa dạng và tinh vi. Do vậy vai trò của cán bộ coi thi là hết sức quan trọng. Nhưng trên tất cả, đó chính là trách nhiệm của các thí sinh và đằng sau là việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm nghiêm minh. Từ đó sẽ giúp hạn chế việc gian lận này”.

    “Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng mong được sự đồng hành của các cơ quan báo chí truyền thông, có hình thức tuyên truyền, thông tin cảnh báo để thí sinh, sĩ tử nắm những quy định này để không vi phạm”, ông Trinh chia sẻ thêm.

    PV cũng đã liên hệ với sở GD&ĐT TP.HCM và được ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Năm nay được sự chỉ đạo của Bộ, Sở đã thực hiện nghiêm việc tập huấn, chuẩn bị chu đáo trước ký thi. Cụ thể, các điểm thi được chia nhỏ ra nhiều nhóm để tập huấn nhiều đợt để cán bộ điểm thi nắm vững. Bộ cũng liệt kê những gì không được mang vào phòng thi. Và đến thời điểm này, chúng tôi đã phổ biến kỹ xuống các trường cho thí sinh. Trước ngày thi sẽ có buổi phổ biến quy chế thi, chúng tôi sẽ nhắc kỹ lại việc này. Khi đã vào phòng thi, giám thị phòng thi, hành lang sẽ quan sát và năm nay Bộ cũng tăng cường số lượng thanh tra theo quy định”.

    Bên cạnh đó, ông Trung còn chia sẻ một số khó khăn trong việc ngăn chặn sử dụng thiết bị công nghệ gian lận. “Đó là các loại thiết bị này quá tinh vi, khó phát hiện. Trong khi giám thị, các bộ coi thi không được phép kiểm tra, xét người thí sinh. Hơn nữa, các loại thiết bị này ra đời liên tục và ngụy trang tinh vi như giả cây bút, đồng hồ, máy tính... nên không thể cập nhật kịp thời, đầy đủ. Nên chỉ có cách, giám thị thấy có những dấu hiệu lạ, không bình thường từ thí sinh thì phải kiểm tra xử lý ngay”, ông Trung nói.

    Hàng loạt đường dây mua bán thiết bị thi cử bị phát hiện và xử lý

    Trong tháng 6/2018, Công an Hà Nội phối hợp cùng phòng Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ (PA83) đã bắt giữ đối tượng buôn bán 40 bộ thiết bị công nghệ phục vụ mục đích gian lận thi cử.

    Theo đó, 40 bộ thiết bị này được phát hiện qua công tác phối hợp giữa PA83 Công an Hà Nội với một số cơ sở giáo dục trong kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ trước đó. Cơ quan công an đã đề xuất hội đồng thi xử lý thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao trong phòng thi theo đúng quy chế thi.

    Về người cung cấp thiết bị sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định của Chính phủ ban hành ngày 15/11/2013. Tiếp đó, PA83 Công an TP.Hải Phòng và Công an phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) đã triệt phá đường dây cung cấp các thiết bị công nghệ cho học sinh, sinh viên nhằm mục đích gian lận trong các kỳ thi. Đường dây này do đối tượng Đào Trung Thành, 26 tuổi, thuê trọ tại đường Dân Lập, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân cầm đầu.


    Hoàng Việt

    Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 94

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-cho-cong-nghe-40-ngan-si-tu-dau-tu-cho-tuong-lai-bang-gian-lan-a279758.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan