Cần hiểu rõ về bệnh COVID-19 ở trẻ em để bình tĩnh chăm sóc trẻ
Theo các chuyên gia của Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương và Hội Thầy thuốc thuốc trẻ Việt Nam, khi con trẻ không may bị mắc COVID-19, các bậc cha mẹ cần phải hiểu rõ về bệnh COVID-19 ở trẻ em để bình tĩnh chăm sóc trẻ.
Phần lớn trẻ mắc virus SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1 - 2 tuần.
Bệnh nhân thuộc nhóm nặng – nguy kịch chỉ chiếm 4%, thường trở nặng vào ngày thứ 5-8.
Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng và các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em – cần theo dõi sát.
Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền sau có nguy cơ cao diễn tiến nặng: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống; đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, theo báo Chính phủ.
Hướng dẫn theo dõi nhịp thở cho trẻ khi mắc COVID-19
Cách đếm nhịp thở:
Theo Tri thức trực tuyến, người lớn cần để trẻ nằm trên giường hoặc bế ngang trên tay (chú ý đếm nhịp thở khi trẻ nằm ngủ hoặc nằm ngang không quấy khóc, không sốt cao), kéo nhẹ áo để hở bụng trẻ, đặt đồng hồ (hoặc điện thoại bấm giờ) bên cạnh.
Lúc này, mắt vừa nhìn đồng hồ, vừa nhìn nhịp di động của trẻ, bụng di động lên - xuống là tính một nhịp thở. Đếm như vậy trong đúng một phút, có thể đếm 2 - 3 lần.
Xác định trẻ thở nhanh là cách phát hiện bị viêm phổi hoặc suy hô hấp ở trẻ em. Trẻ được đánh giá là thở nhanh (thở gấp) khi:
- Trẻ < 2 tháng: Nhịp thở > 60 nhịp/phút.
- Trẻ 2-12 tháng: Nhịp thở > 50 nhịp/phút.
- Trẻ 1-5 tuổi: Nhịp thở > 40 nhịp/phút.
- Trẻ > 5 tuổi: Nhịp thở > 30 nhịp/phút.
(Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO).
Cách dùng máy đo oxy kẹp tay (nếu có)
Đây là thiết bị dùng để đo nồng độ oxy máu và nhịp tim của trẻ (tránh nhầm lẫn), phụ huynh có thể dùng máy đo thông thường của người lớn.
- Xoa ấm tay, chân, dỗ trẻ ngoan khi đo.
- Có thể dùng băng dính y tế để cố định.
- Kẹp ngón tay hoặc ngón chân cái.
- Đọc kết quả sau 1-3 phút.
Báo ngay cho y tế khi trẻ em mắc COVID-19 chăm sóc tại nhà có những dấu hiệu sau
Đối với trẻ dưới 5 tuổi:
Tinh thần: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
Sốt cao liên tục >39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h.
Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 05 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...
Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đi tiểu ít.
Tím tái; SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2); Nôn mọi thứ; Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được; Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng; Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên:
Cảm giác khó thở; Ho thành cơn không dứt
Không ăn/uống được; Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ; Nôn mọi thứ; Đau tức ngực; Tiêu chảy; Trẻ mệt, không chịu chơi; SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2).
Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút; Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn.
Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
Lưu ý, khi điều trị COVID-19 cho trẻ em tại nhà không được tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Đồng thời, không xông cho trẻ em giống như điều trị COVID-19 cho người lớn, theo Lao Động.
Linh Chi(T/h)