+Aa-
    Zalo

    Chậm quyết toán hàng nghìn tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt: Doanh nghiệp “sống dở chết dở”, ai phải chịu trách nhiệm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã gửi báo cáo đến UBND TP.HCM để giải trình về vấn đề chậm trễ quyết toán tiền trợ giá xe buýt.

    Mới đây, sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã gửi báo cáo đến UBND TP.HCM để giải trình về vấn đề chậm trễ quyết toán tiền trợ giá xe buýt. Tình trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua, khiến doanh nghiệp vận tải xe buýt và cơ quan quản lý, điều hành đều loay hoay tìm cách tháo gỡ.

    Việc trợ giá xe buýt TP.HCM đã bị ngưng trệ suốt nhiều năm qua.

    Suốt nhiều năm vẫn đau đầu vì trợ giá xe buýt

    Theo báo cáo gửi đến UBND TP.HCM, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, việc chậm quyết toán đã kéo dài từ năm 2011 mặc dù mỗi năm, ngân sách thành phố chi trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng trợ giá cho hoạt động xe buýt.

    Đại diện sở GTVT TP.HCM lý giải, vào năm 2011, việc chậm quyết toán là do các văn bản pháp lý lập thủ tục thanh quyết toán phải đến hết năm 2012 mới đầy đủ. Vì vậy, qua năm 2013, trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (nay là trung tâm Quản lý Giao thông công cộng) mới duyệt dự toán chi tiết, thương thảo và ký phụ lục hợp đồng với các đơn vị vận tải tham gia khai thác tuyến. Đồng thời, công tác điều chỉnh và hoàn chỉnh hồ sơ thanh quyết toán của năm 2011 cũng bị chậm trễ.

    Đến năm 2013, sở GTVT TP.HCM lập đoàn thanh tra công tác trợ giá hoạt động xe buýt tại Trung tâm (giai đoạn 2011 – 2013) nên việc quyết toán tiếp tục chậm trễ do phải chờ kết luận. Thực hiện theo kết luận thanh tra năm 2014, sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm làm các thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán số liệu báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt, nguồn kinh phí kiểm toán được trích từ nguồn kinh phí trợ giá xe buýt hằng năm.

    Do đó, đến năm 2015, công tác thực hiện thủ tục bố trí kinh phí và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá xe buýt năm 2011 mới được tiến hành. “Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến chậm quyết toán còn do công tác nhân sự khi ban Giám đốc Trung tâm, lãnh đạo phòng và chuyên viên các phòng nghiệp vụ của Sở có nhiều thay đổi. Vì vậy, việc nắm bắt tình hình, số liệu gặp khó khăn, làm chậm trễ kéo dài”, đại diện sở GTVT TP.HCM nhận định.

    Các doanh nghiệp liên tục kêu cứu

    Các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt tại TP.HCM đang “gồng mình” phục vụ hành khách.


    Trước những thông tin từ phía cơ quan quản lý, nhiều hợp tác xã (HTX) xe buýt tiếp tục nhắc lại lời kêu cứu suốt nhiều năm qua. Bà Võ Thị Thu Lan, HTX Đông Nam cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố, doanh nghiệp của bà đã vay ngân hàng 850 triệu đồng/xe để đầu tư xe mới. “Hằng tháng, tiền ngân sách sẽ được Trung tâm gửi về tài khoản của HTX, ngân hàng cho vay sẽ tự động khấu trừ tiền lãi, gốc. Phần còn lại sẽ được HTX chuyển về cho xã viên đổ dầu, chạy xe. Suốt hơn 3 năm qua, các tuyến xe buýt kém hiệu quả, trợ giá lại thấp nên HTX mất cân đối tài chính”, bà Lan bộc bạch.

    Còn ông Nguyễn Văn Lèo, Giám đốc công ty CP Vận tải TP.HCM cũng than thở: “Mức trợ giá thấp, một số tuyến không được tăng giá vé khiến đơn vị lao đao. Cụ thể, có chuyến xe chỉ được trợ giá 27.000 đồng, 10 chuyến thì được 270.000 đồng. Trong khi lương trả tài xế, tiếp viên khá cao. Thử hỏi như vậy làm sao có thể duy trì tuyến? Tâm huyết đến đâu nhưng không đủ chi phí hoạt động, chúng tôi cũng phải bỏ cuộc”.

    Đại diện doanh nghiệp này còn dẫn chứng, với tuyến xe buýt số 54 (bến xe Miền Đông - bến xe Chợ Lớn) có lộ trình đi qua hàng loạt bệnh viện lớn, phục vụ nhu cầu đi lại cho 4.700 lượt khách/ngày trong năm 2018. Tuy nhiên, trợ giá quá thấp, công ty lỗ suốt từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, việc bị khoán sản lượng quá cao đã làm công ty hoạt động ngày càng lỗ. Mức lỗ năm 2018 là 5,6 tỷ đồng, từ đầu năm 2019 là 1,2 tỷ đồng. Do vậy, công ty CP Vận tải TP.HCM đã phải đề xuất ngưng hoạt động tuyến. “Tôi đề nghị các cơ quan quản lý tại TP.HCM xem xét, có những điều chỉnh phù hợp trong vấn đề về trợ giá. Nên xem xét một số tuyến có thể không cần trợ giá, thay vào đó được tăng giá vé cho phù hợp”, ông Lèo kiến nghị.

    Đại diện một HTX xe buýt khác của TP.HCM cũng than thở, trong tình hình khó khăn, nhiều xã viên HTX của đơn vị này đã xin ngưng chạy vì thua lỗ. Tuy nhiên, ngưng chạy lại bị xử phạt mất chuyến. Chính vì thế, nhiều HTX đã kiến nghị xem xét lại vì số tiền xử phạt quá lớn. Đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nhanh chóng có các giải pháp tháo gỡ để các đơn vị vận tải vượt qua khó khăn hiện tại.

    “Nhiều đồng nghiệp cùng cảnh ngộ với chúng tôi đang chán nản, người bỏ việc, người đi tìm việc mới sau bao năm gắn bó với xe buýt. Một số người mang xe buýt đi bán sắt vụn với giá chỉ mấy chục triệu đồng. Riêng tôi không còn biết trụ đến bao giờ, nhưng vẫn mong rằng chính quyền, cơ quan quản lý có những chính sách kịp thời để chúng tôi ổn định, gắn bó với xe buýt”, bà Lan tâm sự.

    Tìm lời giải cho bài toán hóc búa

    Các chuyên gia cho rằng việc chậm quyết toán kéo dài suốt nhiều năm khiến các đơn vị thẩm định chưa thể xác định tiền ngân sách được sử dụng như thế nào là điều hết sức quan ngại. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, trường đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TP.HCM đánh giá: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những "bất thường trong trợ giá xe buýt" nhưng cốt lõi vẫn là cách tính trợ giá hiện nay, khi tiền giá bằng tổng chi phí sau khi trừ đi doanh thu đặt hàng. Với công thức này, tiền trợ giá được thực hiện theo chuyến xe chứ không phải là trợ giá trực tiếp hành khách đi xe”.

    “Chính vì thế, doanh thu đặt hàng (sản lượng hành khách đi xe buýt) được cơ quan quản lý khoán xuống cho các hợp tác xã. Điều này dễ dẫn tới thống kê ảo nhưng khi mức khoán quá cao, trong khi hành khách đi xe buýt giảm, dẫn đến tình trạng nhiều xã viên, hợp tác xã không đạt chỉ tiêu. Đây là một trong những lý do đến thời điểm này nhiều hợp tác xã vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Mức tạm ứng chi phí không đủ hoạt động khiến nhiều xã viên, hợp tác xã đang rơi vào "khủng hoảng", xe buýt bỏ chuyến hàng loạt”, bà Bích Hằng phân tích.

    Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Thị Cành, trường Đại học Kinh tế Luật TP.HCM nêu quan điểm: “Nếu chạy theo chi phí của doanh nghiệp để bù chi phí cao thì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời không công bằng với những đơn vị đảm nhận các tuyến không có trợ giá. Giải pháp lâu dài là cần trợ giá trực tiếp cho hành khách chứ không gián tiếp như hiện nay. Việc này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ. Mặt khác, ngành xe buýt cần chủ động phương án tự tạo ra nguồn thu, như cho quảng cáo trên thân xe hiện nay là một điển hình”.

    “Việc trợ giá là cần thiết nhưng phương thức trợ giá hiện nay chưa hiệu quả, cần tính toán lại. Cụ thể, là không nên căn cứ theo chi phí đầu vào như đang thực hiện mà phải dựa trên kết quả của đầu ra để có phương án trợ giá chính xác. Giải pháp trước mắt là phải tăng cường giám sát, đánh giá lại nhu cầu của hành khách theo tuyến để trợ giá, không thực hiện tràn lan. Trên cơ sở đó để xác định số tuyến, số lượng hành khách theo đối tượng và mức trợ giá cụ thể”, vị chuyên gia này nhận định.

    Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tốc độ giải quyết trợ giá thời gian qua nếu không muốn hoạt động xe buýt lún sâu vào “khủng hoảng”. Cần quyết tâm thay đổi cách tính trợ giá hiện nay, chuyển từ trợ giá/chuyến chuyển sang trợ giá/hành khách. Để làm được điều này, cần sớm triển khai việc thu phí tự động, thông qua vé điện tử. Khi sản lượng hành khách đi xe buýt được giám sát một cách thực chất, khoa học không chỉ giúp việc tính toán trợ giá hiệu quả mà việc phân luồng, tuyến buýt lại hợp lý hơn. Mức trợ giá bình quân/hành khách có thể giảm nhưng nếu hành khách đi xe buýt càng nhiều thì mức trợ giá sẽ tăng tương ứng. Đây chính là động lực khuyến khích xã viên đầu tư xe, chăm chút cho dịch vụ để nâng cao chất lượng thu hút hành khách.

    Hà Nhân
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp Luật số 148
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cham-quyet-toan-hang-nghin-ty-dong-tien-tro-gia-xe-buyt-doanh-nghiep-song-do-chet-do-ai-phai-chiu-trach-nhiem-a293756.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan