“Bị can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước, nếu công an không tổ chức bắt ngay, chỉ để chậm một chút thì chắc đối tượng không còn nữa vì Dương đã mua một bịch thuốc ngủ để sẵn sàng tự sát” – Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi về việc Bộ Công an không muốn chuyển 4 trại tạm giam đang quản lý ra khỏi CQĐT. |
Sáng 17/8, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an tham gia phiên thảo luận về dự thảo Luật Tạm giam, tạm giữ tại Ủy banThường vụ Quốc hội với tư cách đại diện cơ quan soạn thảo luật.
4 trại giam của Bộ Công an vẫn thuộc CQĐT
Chỉnh lý nhiều điểm trong dự thảo Luật Tạm giam, tạm giữ sau lần đầu Quốc hội thảo luận về nội dung này tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết cơ quan thẩm tra luật đã điều chỉnh quy định tại Điều 10, Điều 12 về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo ông Hiện, vẫn tồn tại 2 hướng ý kiến. Nhiều đại biểu đề nghị về cơ bản giữ mô hình quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam như hiện nay nhưng giao các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an quản lý (Tổng Cục 8); đồng thời bảo đảm tính độc lập hơn của nhà tạm giữ, trại tạm giam với cơ quan điều tra ở tất cả các cấp. Ý kiến yêu cầu tổ chức lại hệ thống giam giữ theo mô hình dọc do Bộ Công an quản lý để bảo đảm tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.
Chủ nhiệm UB Tư pháp nhận định, việc khảo sát cho thấy, các trại tạm giam, nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện đang do cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý. Hướng tổ chức như vậy, về cơ bản đã tách khỏi hệ thống cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp. Thường trực UB Tư pháp ủng hộ giữ mô hình này.
Chỉ có cấp trung ương, có 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện tại vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý, chưa đưa về Tổng Cục 8. Mô hình này, theo ông Hiện, chưa phù hợp với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp về việc cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra. Ông Hiện kiên định quan điểm cần giao nốt 4 trại tạm giam này cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm chống lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.
Tán thành cao ý kiến này, Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong khái quát kết quả cuộc giám sát oan sai vừa rồi để nhấn mạnh, trong số các nguyên nhân dẫn tới oan sai có phần do hoạt động tạm giữ tạm giam. Ông Phong cũng cho rằng cần chuyển quyền quản lý trại tạm giam từ Tổng Cục Cảnh sát về cho Tổng Cục Thi hành án Bộ Công an để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng.
Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an biện giải, để Tổng Cục An ninh, Tổng Cục Cảnh sát – Bộ Công an trực tiếp quản lý hoạt động giam giữ cũng không ảnh hưởng đến tính độc lập của hoạt động này vì 2 Tổng Cục đều không phụ thuộc vào CQĐT khi tới đây Bộ công an sẽ tách 2 đơn vị này ra. Lãnh đạo 2 Tổng cục này cũng không giao trực tiếp phụ trách công tác điều tra nữa. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường thanh, kiểm tra nội bộ đối với hoạt động tạm giữ, tạm giam.
Lý do khác khiến Bộ Công an không muốn giao cho Tổng Cục Thi hành án quản lý hoạt động tạm giữ tạm giam, theo tướng Vương là để thuận lợi cho hoạt động xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.
Thẳng thừng “bác” những lý lẽ này, Chủ hiệm UB Tư pháp nêu nguyên lý, quản lý tạm giam, tạm giữ giống như người giữ kho, “xuất” ra một người để phục vụ công tác điều tra thì khi trả cũng phải trả lại một người nguyên vẹn như vậy chứ không phải giam giữ rồi để tiến hành điều tra luôn, để nếu can phạm khai tốt thì thưởng cho một chút quyền lợi, khai không thuận thì phạt, gây áp lực.
Ông Hiện nhấn mạnh, hoạt động giam giữ, càng đảm bảo độc lập càng tốt. “Các địa phương đã làm cả rồi, Công an quận, tỉnh người ta đã tách ra quản lý giam giữ cho thi hành án hình sự phụ trách cả rồi. Vậy thì không lý gì Bộ Công an chỉ có 4 trại giam thôi mà không làm được, vẫn yêu cầu duy trì như hiện nay. Bản thân Tổng Cục 8 cũng muốn nhận quản lý 4 trại tạm giam này nhưng người ta không dám nói ra vì cũng trong một bộ “nói ra thế thì chúng em chết” – ông Hiện bức xúc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng ủng hộ cơ quan thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội phân tích, cơ quan quản lý trại giam cần giữ độc lập về chức năng nhiệm vụ nên không để CQĐT tiếp tục nắm phần này chứ không phải là tách khỏi Bộ Công an mà lo khó dễ. Theo đó, Tổng Cục 8 chỉ là đơn vị giữ người, cơ quan điều tra là đơn vị nhận người và tổ chức hỏi cung tại đó, không vướng mắc gì.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, cùm chân khi tạm giam, tạm giữ là biện pháp chỉ áp dụng với đối tượng nguy hiểm. |
Cùm chân để phòng bị can tự sát
Một nội dung khác đặt ra là vấn đề cơ chế linh hoạt cho phép nhà tạm giữ, trại tạm giam và cơ quan điều tra phân loại để trong trường hợp cụ thể có thể tạm giữ, tạm giam đối với người trong cùng một vụ án hoặc người đã thành niên với người chưa thành niên để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Thường trực UB Tư pháp chỉ rõ, hầu hết các nhà tạm giữ của Công an cấp huyện cũng như buồng tạm giữ trong Trại tạm giam đều có số lượng phòng hạn chế, trong khi đó một số vụ án có số người bị tạm giữ, tạm giam đông thì việc quy định không tạm giữ, tạm giam chung những người trong cùng một vụ án là không khả thi. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam là người chưa thành niên khi mới bị tạm giữ, tạm giam thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì nhà tạm giữ, trại tạm giam vẫn cần bố trí người đã thành niên giam cùng để bảo đảm kiểm soát hành vi, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhìn nhận vấn đề từ quy định cùm cân. Ông Lý đề nghị cân nhắc việc này vì dù luật hình sự có quy định nhưng việc áp dụng với người thành án, người bị kết án tử hình với người bị tạm giữ, tạm giam cần phân biệt vì khi chưa bị kết án, mỗi người gần như vẫn đủ quyền công dân, cần phải được bảo đảm, về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm.
Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương lý giải, theo kinh nghiệm quốc tế, việc cùm chân không ảnh hưởng nhiều lắm đến quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, nhiều quốc gia hiện vẫn áp dụng quy định này. Tướng Vương còn dẫn ví dụ, thậm chí như tại Singapore, đất nước này vẫn duy trì hình thức đánh roi mà cũng không gặp phản ứng nhiều vì cũng “không mấy ai để ý”.
Ông Vương cũng phân tích, quy định cùm chân cũng chỉ áp dụng với những đối tượng nguy hiểm, phức tạp để tránh trường hợp đối tượng tự sát, quậy phá, thậm chí là tấn công, gây nguy hiểm cho cán bộ giam giữ, nhất là với các đối tượng phạm tội có tính chất hung hãn như giết người.
“Như bị can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước ít ngày trước, nếu lực lượng chúng tôi không tổ chức bắt ngay, chỉ để chậm một chút thì chắc đối tượng không còn nữa vì Dương đã mua sắm một bịch thuốc ngủ để sẵn sàng tự sát” – tướng Vương nhấn mạnh, cùm chân là chế tài chỉ để hướng đến việc quản lý một số đối tượng nguy hiểm.
Theo Dân trí
Xem thêm video:
[mecloud]bdgXDgzF2t[/mecloud]