Vụ bố đẻ tạt nước sôi khiến con bị bỏng nặng đến 60% cơ thể ở Long An đang khiến nhiều người, đặc biệt là những bậc phụ huynh vô cùng phẫn nộ.
Báo chí đưa tin hôm qua (22/10), cháu Nguyễn Duy Lộc (11 tuổi, ngụ xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) do làm bố là Nguyễn Duy Khanh (37 tuổi) tức giận vì trêu em khóc nên đã bị tạt cả cốc nước sôi vào người gây bỏng nặng.
Cháu bé bị bỏng 60% cơ thể do bị cha đẻ tạt ca nước sôi vào người. |
Cháu Lộc phải nằm bệnh viện với thương tích bỏng 60% độ 2 trong tình hình gia đình khó khăn, không lo được đủ viện phí cho con. Sự việc đã khiến dư luận và nhất là những phụ huynh vô cùng phẫn nộ, lên án hành vi của người cha tàn ác.
Hổ độc không ăn thịt con
Khi được PV ĐS&PL hỏi về vụ việc trên, chị Ngọc Hương (33 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: "Tôi đã rất sốc khi đọc báo về việc trên. Nhà tôi cũng có hai con nhỏ nên tôi không thể hiểu được làm sao một người bố lại có thể hành động tàn nhẫn như vậy? Thương cháu bé phải chịu nỗi đau thân thể lẫn tâm hồn sau sự việc này".
Cùng quan điểm với chị Hương, anh Tùng Lâm (35 tuổi, Ba Đình) nói: "Nhà có con nhỏ thì chúng cãi vã đánh nhau là thường. Có bực lắm tôi cũng chỉ phạt chúng đứng úp mặt vào tường thôi. Đánh còn trả đánh nói gì đến tạt nước sôi. Con mình đẻ ra mình xót chứ!"
Hầu hất các bậc phụ huynh đều lên án việc bạo hành con cái. |
Đưa con đến trường đi học xong, chị Linh Lan (quận Hoàng Mai) nhận định: "Tôi cho rằng ông bố đó ngày thường cũng là người cục súc, vũ phu và hay đánh con cái nên mới có thể cầm cả ly nước sôi tạt thằng vào thằng bé như thế. Hổ độc còn không ăn thịt con kia.
Nhiều người vẫn còn ý nghĩ là con tôi thì tôi có quyền làm gì cũng được. Phải nâng hình phạt lên tội hành hạ trẻ con và xử án công khai để làm gương."
Tuy nhiên cũng có người cho rằng ông bố đã hành động trong lúc nóng giận và đã phải trả giá cho hành động của mình.
Bạn Tiến Đạt (Thanh Xuân) bày tỏ: "Tôi chỉ nghĩ người cha trong lúc nóng giận tức thời lúc con nhỏ em khóc... Mà hành động như thế thôi! Có lẽ khi con trai khóc anh đã chợt tỉnh và đưa bé đi bệnh viện. Tôi nghĩ với tư cách một người cha, chắc giờ anh ấy đang ân hận và cắn rứt cho hành động của mình rồi."
Làm cha mẹ cần kiên nhẫn và bao dung
Theo PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng việc con trẻ bị bạo hành gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí sẽ ảnh hưởng tới nhân cách và sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ sau này.
PGS.TS Trần Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). |
Xã hội hiện đại yêu cầu mỗi người khi làm bất cứ nghề gì đều phải có bằng cấp, giấy chứng nhận, có quan, tổ chức đứng ra bảo đảm. Tuy nhiên, việc làm cha mẹ, nuôi dạy những công dân tương lai của đất nước thì hầu như chẳng cần điều kiện gì. Chỉ cần có thể sinh ra trẻ con là người ta đã có quyền làm bố mẹ.
Thực tế là nhiều ông bố bà mẹ tỏ ra bất lực trong việc nuôi dạy con cái, họ hành động hoàn toàn theo cảm tính và môi trường, hoàn cảnh xã hội xung quanh mình.
Bị bức xúc do áp lực của cuộc sống, công việc, nhiều người lớn đã chọn những đứa trẻ chưa có khả năng tự vệ để giải tỏa bằng những hành động bạo lực. Trong khi những đứa trẻ cần lắm tình thương yêu, sự kiên nhẫn và lòng bao dung của bố mẹ để trưởng thành.
Nỗi đau thể xác sẽ lành theo thời gian nhưng những thương tổn về tinh thần thời thơ ấu sẽ ám ảnh con người suốt cuộc đời.
Vì thế, cha mẹ hãy nhớ, con cái là món quà vô giá mà ông trời bạn tặng cho mỗi người nên đừng để một phút nóng giận khiến bạn phải ân hận suốt đời.
Theo thống kê của cục Trẻ em (bộ LĐ-TB&XH), trung bình mỗi năm tại Việt Nam, khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng. Thủ phạm của những vụ bạo lực xảy ra trong gia đình và trường học, phần lớn là chính người thân. Các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xảy ra ngay trong môi trường gia đình, trường học do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên hoặc bạn bè trong trường học. |
Minh Khôi