+Aa-
    Zalo

    Cha mẹ vẫn vô tình "khủng bố" tinh thần con mà không hay biết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ việc 3 cháu học sinh mẫu giáo ăn lá ngón tự tử vì sợ bố mẹ mắng là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về vấn đề khủng bố tinh thần con trẻ.

    Vụ việc 3 cháu học sinh mẫu giáo ăn lá ngón tự tử vì sợ bố mẹ mắng là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về vấn đề khủng bố tinh thần con trẻ.

    Mọi người cứ nghĩ là bố mẹ dùng đòn roi xử phạt con về mặt thân xác mới là ngược đãi chúng, cần lên án. Những có ai biết những tâm hồn trẻ thơ non nớt cũng rất dễ dàng bị tổn thương. Mà những tổn thương về mặt tinh thần, dù không nhìn thấy bằng mắt, nhưng cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường.

    Nói vậy, nhưng ai trong chúng ta có thể chắc mình trong khi nóng giận, đã không nói những câu có lực sát thương như dao với những thiên thần nhỏ của mình. Câu cửa miệng của người lớn: "Ôi giời, ngày xưa bố mẹ tôi còn mắng bằng vạn thế, mà tôi giờ có thần kinh hay lệch lạc nhân cách gì đâu... Đúng là nhà giàu phải gai mồng tơi".

    Mắng nhiếc cũng là một hành vi ngược đãi về mặt tinh thần với trẻ em.

    Vâng thưa các bạn, đúng vậy, chả cứ mắng mỏ nhiếc móc hay thậm chí đánh đòn, thế hệ chúng ta đều đã trải qua vậy nhưng trước khác giờ khác. Khái niệm xã hội, lối sống đã thay đổi, trẻ em ngày càng học nhiều hơn, thông minh nhưng cũng nhạy cảm hơn nhiều. Vật chất đầy đủ hơn, chính bạn giờ cũng nuôi con cầu kì hơn các cụ ngày xưa cơ mà, đi kèm với nó là đời sống tinh thần cũng xảy ra nhiều biến đổi.

    Nếu bạn vẫn khư khư giữ nguyên những nếp nghĩ cũ để đi ngược dòng nước, thì chính gia đình bạn sẽ phải chịu những tổn thương không đáng có.

    Dưới đây là những điều mà cha mẹ cần chú ý để rút kinh nghiệm nếu nhận ra mình vẫn hay "ném" chúng vào mặt con cái.

    1. “Mày không phải con tao, con tao không có đứa nào ngu dốt như mày!!!”

    Đã có rất nhiều bố mẹ chỉ vì con đứng nhì lớp, chỉ sau một bạn mà tất cả những câu chửi cay độc có thế tuôn ra, đòn roi bầm dập trên người, cơm không lành canh không ngọt tận mấy tuần lễ. Người lớn có vẻ càng ngày càng yêu cầu quá cao ở trẻ con.

    Có những câu nói sẽ làm tổn thương tâm hồn con người cả đời, có trôi qua cả đời cũng sẽ không bao giờ quên được.

    Ám ảnh và sợ hãi đó là những gì lời nói gây ra, vết thương đòn roi rồi cũng mau chóng hết, nhưng vết thương tâm hồn cứ âm ỉ mãi chẳng bao giờ lành.

    2. “Loại như mày thì làm nên trò trống gì?”

    Bất kể con cái làm việc gì hỏng thì bố mẹ cũng không nên tuôn ra những câu như thế. Người lớn có biết những câu nói như thế sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tự tin của trẻ không? Có biết sau này mỗi lần làm việc gì trẻ cũng không còn tự tin, thoải mái làm như trước không?

    3. “Mày đi đâu cho khuất mắt tao thì đi…”

    Có lẽ vì câu nói này mà tình trạng thiếu niên bỏ nhà đi bụi hiện nay tăng lên nhanh chóng chăng?

    4. “Im ngay!”

    Câu nói này đơn giản là quá thô lỗ và khiến người nghe cảm thấy vô cùng tổn thương. Đôi khi, nên lắng nghe con cái tâm sự , chia sẻ; như vậy, bạn không chỉ cho con quyền nói mà cả quyền tranh luận trong khuôn khổ cho phép.

    5. “Mẹ đẻ thêm em bé cho mày ra rìa bây giờ”

    Mỗi lần con phạm lỗi hay không biết nghe lời, người mẹ lại dọa: “Mẹ đẻ thêm em bé cho con ra rìa bây giờ”. Ban đầu bé lo lắng, nhưng dần dần nó im lặng, mím môi mím lợi… Thế rồi từ khi biết mẹ mang bầu , đêm nào con bé cũng cáu kỉnh vì không được mẹ ôm ngủ. Trong lúc cáu kỉnh, nó luôn nói ra những lời lẽ khó nghe, kiểu như “con mong em bé không đến nhà mình nữa”, tệ hơn thì “rồi em bé sẽ ăn hết, mẹ sẽ đánh con suốt cho mà xem”… Điều này khiến bà mẹ cảm thấy bị khủng hoảng.

    6. “Cứ chờ đến khi bố/mẹ về … xử lý con”

    Câu nói trên có hai điều sai. Thứ nhất, trẻ nghĩ rằng bé sẽ không bị bố mẹ trừng phạt ngay và khiến trẻ ít vâng lời hơn.

    Thứ hai, câu nói ám chỉ rằng bố mẹ không có khả năng kiểm soát trong tình huống này.

    7. “Mày không làm thì ai vào đây nữa, tất cả là lỗi của mày, đừng có mà chối”

    Rất nhiều bố mẹ mọi việc chưa rõ ràng, đã quy hết mọi tỗi lỗi cho con. Cũng có trường hợp đứa con đó là anh chị trong nhà, và bố mẹ mặc định rằng làm anh chị thì phải nhường em. Hoặc nhà có một đứa con trai nên đứa con gái thường phải lãnh hết phần tội lỗi gây ra trong nhà. Những đứa con như vậy rất đáng thương, không có ai hiểu, không ai thông cảm, không thể tâm sự hay trút nỗi niềm với ai.

    8. “Người lớn nói gì cũng không được cãi, có nói sai thì cũng là người đẻ ra mày!”

    Chúng ta luôn tự cho rằng chúng ta có tất cả mọi quyền trên đời này, mà quên rằng trẻ con cũng là người, mà đã là người thì phải có quyền nói lên tiếng nói của mình, có quyền giải bày nỗi oan ức. Nếu người lớn làm như vậy, vậy sau này chúng ta già đi, bọn trẻ lại lớn lên, lúc đó chúng cũng lại không nghe chúng ta nói, không nghe chúng ta giải thích, thì lúc đó chúng ta không nên trách chúng mà hãy nên trách bản thân mình đã không công bằng từ lúc nhỏ với chúng.

    9. “Con chỉ là con nuôi”

    “Con chỉ là con nuôi được nhặt ở bãi rác về” hay “xin của một người nghèo trong chợ”. Dù chỉ là câu nói đùa của bố mẹ nhưng sẽ khiến trẻ sợ hãi bởi cảm giác bị người thân của mình “chối bỏ” nặng nề, khủng khiếp vô cùng!

    Hơn nữa, sau những lúc bị trêu đùa như thế, trẻ thường cảm thấy ghét lây những đứa trẻ được nhận làm con nuôi.

    10. “Sao con không được như anh con/chị con/con nhà người ta nhỉ?”

    Một trong những câu nói có mức độ “sát thương” hàng đầu với con trẻ là câu so sánh bé với những đứa trẻ khác. Cảm giác kém cỏi sẽ đeo bám bé rất lâu, dễ gây tâm lí tự ti, chán nản.

    11. “Rồi mày cũng hư hỏng như cha/ mẹ mày thôi”

    Những cha mẹ kiểu này lại lấy con cái mình ra để công kích, miệt thị chồng/ vợ mình. Họ chỉ nói cho sướng miệng thôi, họ đâu nghĩ đến việc con cái mình sẽ bị tổn thương thế nào, con cái họ phải chịu đựng những gì đâu. Những cha mẹ ích kỉ như vậy, thực sự không nên sinh con.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-van-vo-tinh-khung-bo-tinh-than-con-ma-khong-hay-biet-a201186.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.