+Aa-
    Zalo

    Cha mẹ đang dạy con nói dối mà không hay biết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều phụ huynh than thở rằng con mình hay nói dối nhưng có lẽ họ không ý thức được nguyên nhân chính là do bản thân mình.

    Nhiều phụ huynh than thở rằng con mình hay nói dối nhưng có lẽ họ không ý thức được nguyên nhân chính là do bản thân mình.

    Bạn tôi có lần bảo, câu chuyện về sự dối trá bắt đầu một cách rất nhẹ nhàng khi đứa trẻ vài tuổi về nhà ngoại, và rồi một ai đó trong nhà bắt đầu hỏi nó rằng, "con thích ở nhà ngoại hay ở nhà nội hơn?", và khi nó về nhà nội, lại có ai đó hỏi rằng, "con thích ở nhà nội hay ở nhà ngoại hơn?". Và rồi, "con yêu ba hay yêu mẹ hơn?"... rất nhiều, những câu hỏi tưởng như vô hại dành cho một đứa trẻ non nớt, trên thực tế, có thể ảnh hưởng đến chúng về sau này.

    Rồi bạn bảo, đấy là một ví dụ điển hình về việc ngay từ đầu, người lớn đã đẩy đứa trẻ vào việc phải thực hiện những so sánh mang tính thiệt hơn, bắt đầu tạo ra cho chúng thói quen trả lời sao cho vừa ý mình, hợp tai mình hơn là thực tâm đứa trẻ nghĩ và muốn nói.

    Người lớn vô tình dạy trẻ em sự dối trá và cách sống thực dụng - ảnh minh họa.

    Ta hay nghĩ trẻ con là trẻ con, chúng chẳng biết gì cả, và do đó, những hành động của ta và lời nói của ta với chúng là không sao cả. Nhưng thực tế, bọn trẻ rất nhạy cảm. Chúng hiểu theo cách của chúng và những ấn tượng ban đầu của chúng về một điều gì đó, một ai đó, hoặc những ấn tượng của chúng về những điều lặp đi lặp lại trước mắt khi chúng lớn lên sẽ lưu lại trong chúng rất lâu.

    Khi ta đặt chúng vào những so sánh về mặt tình cảm, ta sẽ vô tình đẩy chúng vào những lựa chọn không đơn giản. Ban đầu, có thể trẻ sẽ nói ra những điều mình nghĩ, theo cảm nhận non nớt của các bé. Nhưng nếu trẻ cảm thấy người lớn không hài lòng về những câu trả lời đó, sau đó một thời gian, để được lòng ta, được quà của ta, trẻ sẽ nói những điều chỉ để ta nghe.

    Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về cách ta đối xử với trẻ. Sự dối trá có thể sẽ bắt đầu từ lúc ấy, hình thành dần dần theo tháng năm, qua những gì trẻ thấy có thể có lợi cho mình khi không cần nói thật, và bằng cách nhìn, cảm nhận người lớn sống.

    Làm sao ta có thể đòi hỏi bọn trẻ sống trung thực và đàng hoàng, nếu như một ngày nào đó, trẻ biết rằng ta bí mật hoặc thậm chí công khai làm một điều gì đó cho các bé ở trường học, chẳng hạn ta nịnh thầy cô giáo bằng quà và tiền để trẻ có điểm tốt, để không bị đánh giá hạnh kiểm kém.

    Người lớn cứ nghĩ rằng, mình làm như thế là tốt cho trẻ, trong khi không nhận ra rằng, chúng ta đang bị bắt buộc phải cùng chạy đua với nhau trong một cuộc chơi không vì năng lực thực sự của trẻ, và vốn sống thực tế để tồn tại trong cuộc sống của trẻ hóa ra không phải là các kỹ năng trong cuộc sống theo đúng nghĩa đen của nó (kỹ năng tồn tại trong các môi trường khắc nghiệt, thẩm mỹ, ý thức tôn trọng bản thân và xã hội) mà là cách nó làm sao phải bon chen, thậm chí là cả thủ đoạn để không bị gạt bỏ khỏi vòng xoáy của xã hội.

    Sẽ là một tội ác nếu ta biến bọn trẻ thành một cái máy, tước của chúng quyền được thể hiện quan điểm cá nhân (dù có thể điều chúng nói ta không thích) và ngay từ đầu, vô tình dạy chúng cách sống thực dụng của bản thân ta.

    Có nhiều sự dối trá đang tồn tại trong lòng xã hội hiện nay, được nuôi dưỡng mầm xấu từ những việc tưởng chừng như rất nhỏ...

    Trương Anh Ngọc

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-dang-day-con-noi-doi-ma-khong-hay-biet-a201500.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan