Họ đã mạo hiểm để rồi đánh mất mọi thứ trong nỗ lực tìm tới châu Âu, với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong ngày 3/9, thi thể bé Aylan và anh trai Galip Kurdi đã được đưa trở về Syria, để được người duy nhất trong gia đình còn sống là cha đẻ Abdullah chôn cất.
Trong lúc than khóc vì mất đi "những đứa con xinh đẹp nhất thế giới", anh Kurdi vẫn có một thông điệp rõ ràng gửi tới các nhà lãnh đạo đang vật lộn tìm kiếm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tị nạn: "Hãy để đây là lần cuối cùng xảy ra chuyện như thế."
Anh Kurdi, người còn chôn cất vợ Rehan, 35 tuổi, đã mô tả chi tiết việc các con trai "tuột khỏi tay" mình ra sao khi cả nhà cố gắng bám lấy chiếc xuồng cao su bị lật trên Địa Trung Hải, trước khi thi thể của họ dạt vào bờ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bức ảnh chụp cảnh Aylan và Galip nằm chết trên bãi biển, sau khi được lan truyền trên các mạng xã hội, đã định hình lại màn tranh cãi về cuộc khủng hoảng di cư.
"Chúng tôi muốn thế giới quan tâm tới mình, để có thể ngăn chặn chuyện tương tự tái diễn với những người khác," anh Kurdi, 40 tuổi, chia sẻ. "Các con của tôi phải là tiếng gọi thức tỉnh với thế giới."
Anh cũng kể lại hành trình di cư khủng khiếp, đã kết thúc bằng cái chết của những người thân quý giá nhất tron ggia đình.
Theo đó, sau khi đã trả tiền cho cánh buôn người để tới đảo Kos của Hy Lạp, nhưng không thành, anh Kurdi đã tự đứng ra sắp xếp để có lần vượt biển nữa trong đêm thứ Ba tuần này.
Tuy nhiên do biển động nên khi mới cách bờ 500 mét, tay lái xuồng đã nhảy khỏi con xuồng và bơi vào bờ. Kurdi không còn cách nào khách ngoài việc phải tự lái xuồng. Sau đó, con xuồng bắt đầu bị vào nước, khiến 12 người trên nó hoảng loạn. Cuối cùng con xuồng chìm hẳn.
"Tôi đang nắm tay vợ mình khi hai con tuột khỏi tay. Chúng tôi đã cố bám lấy con thuyền, nhưng nó xẹp xuống quá nhanh," anh kể.
"Trời rất tối và mọi người đều la hét. Tôi không thể nghe thấy tiếng của vợ con mình. Tôi đã cố bơi vào bãi biển, bằng cách đi theo hướng của các ngọn đèn. Tôi tìm kiếm vợ con mình trên bãi biển, nhưng không thành," anh đau đớn nói tiếp.
"Tôi tưởng vợ con đã chạy trốn vì sợ bị bắt giữ nên quay về Bodrum. Khi họ không tới điểm hẹn trong thành phố, tôi bèn tới bệnh viện và biết được sự thật cay đắng."
Thi thể của hai con anh Kurdi đã được một người phục vụ quầy bar ở địa phương là Adil Demirtas tìm thấy. "Trông như hai anh em vẫn còn đang sống, chỉ đang ngủ và còn mỉm cười. Gương mặt, đôi chân và tay của các bé vẫn rất bình thường. Các bé có lẽ đã không nằm dưới nước quá một giờ," anh kể.
Anh Kurdi đã dành cả ngày 3/9 ở trong nhà xác thành phố Yerkesik, nơi thi hài vợ con được đặt ở đó. Rồi anh cùng thi hài vợ con được đưa bằng máy bay, tàu trở lại Kobane, thành phố mà họ đã rời đi, để chạy trốn lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
"Các con tôi là những đứa trẻ xinh đẹp nhất, tuyệt vời nhất thế giới. Các con đánh thức tôi dậy mỗi sáng để chơi với chúng. Giờ thì chúng đều đã ra đi. Tất cả những gì tôi muốn giờ chỉ là ngồi bên mộ vợ con tôi."
Gia đình Kurdi, vốn thuộc tộc người Kurd, đã chuyển từ thành phố này sang thành phố khác để tránh IS, trước khi chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tiên họ tới Damascus, nơi anh Kurdi kiếm sống nhờ nghề hớt tóc. Tiếp đó họ tới Aleppo và cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ. Họ trở lại Kobane vào đầu năm nay, sau khi IS đã bị đẩy lùi. Nhưng vào tháng 6 vừa qua, IS đã chiếm lại thành phố và gia đình phải trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Anh Kurdi có một người chị gái tên là Tima đang sống ở Vancouver. Chị đã bảo lãnh cho một lá đơn xin tị nạn mà gia đình gửi tới nhà chức trách Canada hồi tháng 6. Tuy nhiên lá đơn bị bác vì việc cả nhà đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa họ không gặp nguy hiểm cận kề. Ngoài ra, đơn bị bác bởi họ không được Thổ Nhĩ Kỳ cấp thị thực xuất cảnh.
Chị Tima Kurdi cho biết: "Tôi đã cố tìm cách bảo lãnh cho cả nhà. Tôi có bạn bè và hàng xóm đã cho mượn tiền để giúp đỡ việc này. Nhưng chúng tôi đã không thể đưa họ ra và đó là lý do vì sao họ phải lên những con xuồng đó."
Chị nói rằng mình và chồng có rất nhiều tiền cùng nơi ở để đón gia đình em trai. "Họ không đáng phải chịu cảnh ngộ như thế," chị nói.
Chồng chị Kurdi là anh Rocco Logozzo nói rằng hoạt động xin tị nạn đã thất bại ngay từ đầu và khi hay tin, cả gia đình Kurdi đã lâm vào cảnh tuyệt vọng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, người đã chuyển lá đơn xin tị nạn của gia đình Kurdi tới Bộ trưởng Quyền công dân và Di trú Chris Alexander, đánh giá rằng "sự nhân đạo đã chết đuối ở Địa Trung Hải".
Bất chấp thảm kịch, nhiều người Syria vẫn cho tờ Telegraph biết rằng họ vẫn quyết tâm tới các đảo của Hy Lạp như Kos và Lesbos, trong nỗ lực đổi đời. "Chúng tôi biết về những nguy hiểm trong hành trình, nhưng chẳng có sự lựa chọn nào khác cả" - một người di cư tên Amjad, 32 tuổi, cho biết.
Theo Thông tấn xã Việt Nam
Xem thêm video:
[mecloud]cmyqTdltHw[/mecloud]