Bà Lưu Bảo Cần sinh ra ở làng Song Liêu, Tứ Bình (Cát Lâm, Trung Quốc). Năm 1981, bà Cần lấy chồng. Mẹ chồng bà đã qua đời nhiều năm, trong nhà còn bố chồng, hai em trai 18 và 8 tuổi, cùng một em gái 16 tuổi. Cả 3 người em đều đang tuổi ăn học.
Gia đình chồng nghèo khó nhưng bà Cần không hề phàn nàn mà rất quan tâm, quý mến mọi người. Nhiều năm về nhà chồng, bà chăm sóc, nuôi nấng các em như một người mẹ, thông tin từ QQ.
Em gái chồng khi đó học hành khá giỏi. Bà Cần đã tiết kiệm từng đồng, làm việc chăm chỉ, gom góp khắp nơi để có tiền đóng học phí cho em gái chồng. Sau nhiều năm cố gắng, em gái chồng cũng có thành tích đáng kể, hiện là một giáo viên giỏi.
Nhắc về chị dâu, em gái chồng luôn nói với đầy sự biết ơn:
"Kể từ khi có chị dâu, anh chị em chúng tôi không bao giờ phải đi chân đất nữa. Nhà tôi khi đó rất khó khăn, chị sẵn sàng vay tiền mua vải cho chúng tôi may quần áo mặc, nhưng bản thân mình lại không mua dù chỉ một bộ đồ.
Tôi đã có lúc muốn từ bỏ và chị dâu là người luôn ở bên động viên tôi cố gắng và sau đó thi đỗ đại học. Một anh của chúng tôi đã được anh chị giúp xây nhà và cưới vợ. Nếu không có sự chăm sóc, dìu dắt tận tình của chị dâu, chúng tôi sẽ không có được ngày hôm nay!".
Em trai út của chồng bị mắc chứng động kinh, nên bà Cần luôn quan tâm đặc biệt đến người này. Một lần, em út đi học về, người đầy bụi bẩn, vừa khóc vừa nói mình bị bắt nạt: "Các bạn cùng lớp nói em không có mẹ".
Bà Cần nghe xong rất tức giận. Không ngại bụng khi này chửa 8 tháng đã to vượt mặt, bà dắt em đi thẳng đến nhà bạn học kia, tìm phụ huynh họ để nói chuyện phải trái. Từ đó về sau, không ai dám bắt nạt em chồng bà nữa.
Khi người em chồng này học lớp 4, câu chuyện năm nào đã được viết vào bài văn về mẹ. Cuối bài văn, ông viết: "Đó là chị dâu của tôi. Chị không phải mẹ nhưng hơn cả một người mẹ". Lưu Bảo Cần đọc bài văn xong đã nghẹn ngào mà nói: "Chị nào có tốt thế, nào có tốt thế..."
Tuy nhiên, số phận trớ trêu, đến năm 16 tuổi, bệnh động kinh của người em chồng này trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Cần và chồng đi khắp nơi cầu thầy khấn bái, đưa em đi khám khắp các bệnh viện lớn nhỏ gần xa nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Em chồng ngày càng chậm chạp hơn, thậm chí thường xuyên tiểu tiện, đại tiện không tự chủ; ăn uống, vệ sinh cá nhân đều cần người chăm sóc. Bà Cần không nề hà bất cứ việc gì, năm này qua năm khác chăm sóc em như người con của mình. Dọn dẹp nhà cửa, cơm nước chu toàn, lo cho em chồng no đủ, sạch sẽ. Tháng 7/2023, em chồng bà đã ra đi thanh thản ở tuổi 50.
Cha chồng của bà Cần không bệnh nặng nhưng sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nhọc. Càng lớn tuổi, đầu óc của cụ càng kém minh mẫn.
Suốt nhiều năm, bà Cần cũng một tay chăm sóc bố chồng, lo từng bữa ăn. Năm 2008, bố chồng bà Cần qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.
Trước khi mất, cụ ông nắm chặt tay con dâu, tỏ lòng biết ơn con đã vất vả vì gia đình chồng suốt mấy chục năm qua. Cụ ông cũng cho biết từ lâu đã coi con dâu như con gái ruột.
Mùa đông năm 2010, chú 3 của bà Cần xách vali đến thăm gia đình họ. Ông nói bản thân mình đã ngoài 60 tuổi, không con cái, quanh năm đi làm thuê. Giờ ông bị gãy tay lại từng bị đột quỵ nhẹ, không ai nhận làm, không có nơi nào để đi và không có tiền tiết kiệm.
Mọi người đều khuyên bà Cần nên đưa chú vào viện dưỡng lão. Có người trong làng còn nói với bà rằng: "Bấy nhiêu năm nay bà đã quá mệt mỏi rồi, nhận thêm một người già sẽ là thêm gánh nặng".
Tuy nhiên, bà kiên quyết để chú ở lại. Bà nói: "Bây giờ chú ấy bị gãy tay, lại không có người thân nào để đi, chỉ vì không có tiền đi viện dưỡng lão mới đến chỗ tôi. Cứ để chú ấy ở lại, tôi sẽ chăm sóc chú ấy". Chỉ với một câu nói đơn giản, Liu Baoqin đã kiên trì 14 năm nay phụng dưỡng chú.
Trong suốt 43 năm qua, bà Cần luôn dùng tình yêu và lòng vị tha của mình để chăm sóc người thân. Câu chuyện của bà được nhiều người biết đến. Dân làng rất xúc động và ngưỡng mộ tấm lòng tốt đẹp của người phụ nữ tảo tần.