Bphone B86 ra mắt ngày 10/5 và đã chính thức lên kệ từ ngày 17/5/2020. Bphone B86 được đánh giá là một bước phát triển vượt bậc với thiết kế đẹp, hoàn thiện cao cấp và nhiều tính năng nổi trội, đặc biệt là chụp ảnh "đóng băng khoảnh khắc" và chống nước vô đối. Tuy nhiên, Bphone B86 cũng gây tranh cãi vì tuyên bố là "smartphone đầu tiên trên thế giới không có phím bấm", khi người ta thấy trên khung Bphone B86 còn một nút khá nhỏ, gần như chìm vào trong khung máy. Đây là một nút dành để reset (khởi động lại máy).
Trong bài đăng trên Cộng đồng fan Bphone mới đây, CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ lý do tại sao gọi Bphone B86 là smartphone đầu tiên không phím bấm, và làm thế nào Bkav loại bỏ được hoàn toàn phím bấm trên điện thoại.
Bphone B86. |
CEO Bkav cho biết thực chất từ năm 2018, Bkav đã có một phiên bản Bphone 3 không phím bấm được sản xuất song song với Bphone 3. Tuy nhiên, do lúc đó trải nghiệm bản không phím bấm chưa chín muồi nên hãng quyết định chọn phiên bản phím bấm truyền thống.
Theo chia sẻ của ông Quảng, từ năm 2015, Bphone 1 đã tiên phong trong sử dụng cử chỉ. Khách hàng của Bphone ngay từ những ngày đầu đã giảm một nửa số lần dùng phím nguồn.
Đến Bphone 2017, cảm biến vân tay xuất hiện, phím nguồn trên Bphone chỉ còn chức năng reset trong trường hợp máy bị treo và hầu như không cần phải sử dụng đến. Nó có thể chỉ là một lỗ nhỏ như lỗ chọc sim, tuy nhiên khi cần đến, dù rất hãn hữu, nhưng vẫn cần que chọc và như vậy là bất tiện. Do vậy, Bkav đã đưa ra giải pháp lỗ reset và phím nguồn tiến hóa thành "nút" reset - nó phải nhỏ để có thể gọi là "nút" nhưng khi cần reset thì có thể bấm dễ dàng.
"Điều hiển nhiên, Bphone B86 là smartphone đầu tiên trên thế giới không có phím bấm vật lý đã ra mắt", ông Quảng chia sẻ.
Trên thế giới có một vài hãng đưa ra nguyên mẫu thử nghiệm không phím bấm, nhưng tất cả đều không thành công để ra phiên bản chính thức.
Ông Quảng cũng cho biết, trước khi ra mắt B86, ông đã chủ trì nhiều cuộc họp với bộ phận marketing về cân nhắc phát ngôn "Bphone B86 là smartphone đầu tiên trên thế giới không có phím bấm". Tất cả các câu hỏi được đặt ra như hãng X, hãng Y đã đưa ra nguyên bản thử nghiệm, làm rõ những khái niệm trong tiếng Việt như nào là "nút", như nào là "phím".
"Phím là thứ nhô lên trong hầu hết mọi trường hợp, còn nút là lõm xuống. Phát ngôn về không phím bấm sẽ gây ra những tranh luận nho nhỏ. Nó thuộc ranh giới hiểu sao cũng đúng giữa nút reset hay phím reset và nghiêng về nút nhiều hơn là phím. Vậy cơ bản nói không phím bấm là đúng", ông Quảng phân tích.
Việt Hương (T/h)