Cầu Cầu Q'eswachaka dài khoảng 36,6m bắc qua sông Apurimac. Dù chỉ làm bằng những sợi cỏ ichu dài, nhưng hàng trăm năm nay, cầu Q'eswachaka là mối liên hệ duy nhất của các làng giữa hai bờ sông Apurimac.
Cây cầu độc đáo này là một phần của mạng lưới giao thông hơn 40.000 km đường mòn, thường gọi là đường Đại Inca, kết nối nhiều cộng đồng bị cô lập. Cầu hiện kết nối 4 cộng đồng nói tiếng Quechua, một nhóm ngôn ngữ bản địa, là Huinchiri, Ccollana, Chaupibanda và Choccayhua.
Vào thời kỳ của đế chế Inca, nhiều cây cầu treo khác tương tự như Q'eswachaka xuất hiện, nhưng rồi bị phá hủy hoặc biến mất sau khi hệ thống cầu đường trong thế kỷ 20 xuất hiện. Chỉ riêng cầu Q'eswachaka vẫn tồn tại tới ngày nay. Dù đã có một cây cầu hiện đại hơn được xây dựng gần đó, nhưng người dân bản địa vẫn giữ lại cầu treo kết cỏ này như một phong tục truyền thống, vừa phục vụ việc đi bộ vừa phục vụ du khách tham quan.
Với một nghi thức đặc biệt diễn ra vào mùa xuân, cầu Q'eswachaka liên tục được xây dựng, rồi tái xây dựng trong suốt 5 thế kỷ. Cộng đồng người Quechua ở đây tập trung lại, tham gia một buổi lễ "đổi mới" nhằm bỏ cầu cũ thay bằng cầu mới. Người dân cùng nhau thực hiện công việc này vì lợi ích chung.
Trước đây, cứ 3 năm, người ta sẽ thay mới cây cầu một lần. Nhưng ngày nay, để phục vụ cho du lịch, người dân nơi đây đã thực hiện nghi thức độc đáo này hàng năm.
Đầu tiên người ta thu thập cỏ ichu sợi dài - một loại cỏ phổ biến ở vùng khô Nam Mỹ để chuẩn bị cho công đoạn làm sợi. Các sợi cỏ ichu được ngâm nước, rồi được những người phụ nữ bện thành những sợi dây cỏ mỏng. Tiếp đó, đàn ông sẽ tiếp tục dùng các sợi dây nhỏ để bện thành các dây thừng lớn bền và chắc tạo thành dây cáp nặng neo cầu. Mỗi gia đình thường tham gia đóng góp khoảng 40m dây.
Những người phụ nữ Quechua dù có tham gia vào việc xoắn cỏ ichu thành những sợi dây thừng, song trong buổi lễ "đổi mới", họ không được phép đi xuống hẻm núi gần cầu, vì người ta kiêng kỵ, xem đó sự xui xẻo, không may mắn.
Công đoạn quan trọng nhất sẽ được thực hiện bởi những người thợ lành nghề: Dùng những sợi thừng lớn để bện chặt thành cây cầy bắc ngang qua sông. Khi những người xây cầu gặp nhau ở trung tâm, dệt phần còn lại của sàn cầu, một cây cầu mới sẽ hoàn thành.
Những sợi dây cáp của cầu được gắn vững chắc vào các đế đá. Với kinh nghiệm vốn có, người ta bắt đầu làm việc từ các cạnh đến giữa cầu, dệt mặt cầu và sàn cầu bằng dây thừng và cành cây. Những người đàn ông giàu kinh nghiệm tham gia xây dựng cầu được nhận những chiếc lá coca linh thiêng, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa cộng đồng người Quechua bản địa.
Khi những người xây cầu gặp nhau ở trung tâm, dệt phần còn lại của sàn cầu, một cây cầu mới sẽ hoàn thành. Để mừng chiếc cầu mới, cộng đồng người Quechua tổ chức tiệc tùng với âm nhạc và cầu nguyện.
Năm 2013, UNESCO công nhận những kiến thức, kỹ năng và nghi thức tái xây dựng cầu Q'eswachaka là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Như Quỳnh(T/h)