+Aa-
    Zalo

    Câu trả lời cho việc thú rừng tấn công con người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc thú rừng tấn công người. Đã có những nạn nhân thiệt mạng mà “hung thủ” là thú rừng. Sự “nổi giận” của những loài động vật rừ

    (ĐSPL) - Thời gian qua, hàng loạt các vụ việc thú rừng tấn công người. Đã có những nạn nhân thiệt mạng mà “hung thủ” là thú rừng. Sự “nổi giận” của những loài động vật rừng đã trở nên báo động khi ngày càng nhiều vụ việc xảy ra với mức độ nghiêm trọng.

    Liên quan đến vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên.

    (bgiay)Câu trả lời cho việc thú rừng tấn công con người

    Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên.

    Bản năng sinh tồn

    Thưa ông, dưới góc độ của một nhà quản lý, ông nhận định sao về việc có nhiều thú rừng tấn công, làm chết người trong thời gian gần đây?

    Thú rừng từ voi, hổ, đến lợn rừng và thậm chí là các loài bò sát khác như trăn, rắn... tấn công người trong thời gian gần đây không hiếm. Không chỉ tấn công người, nhiều đàn thú về tận các cánh đồng của người dân để phá phách hoa màu, có nhiều con còn ngang nhiên đi lại trên những con đường trong làng, bản có con người sinh sống. Việc thú tấn công làm chết người là một điều đáng tiếc, nếu để tình trạng này gia tăng sẽ rất nguy hiểm. Ngoài các loài thú ăn thịt tấn công người để làm thức ăn, thì cũng có những loài thú ăn thực vật tấn công người vì bị chọc giận.

    Tình trạng này đã trở nên báo động chưa, thưa ông?

    Từ trước đến nay đã có một số vụ việc thú rừng tấn công làm chết hoặc làm bị thương người dân. Tình trạng này đã trở nên báo động bởi những vụ thú rừng tấn công người thường rất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề.

    Không chỉ có các loài mãnh thú mới tấn công người, mà còn có các loài thú nhỏ cũng gây ra các vụ tấn công người nghiêm trọng. Vậy theo ông nguyên nhân sự “nổi giận” của thú rừng là gì?

    Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do không gian dinh dưỡng bị thu hẹp, môi trường sống bị tổn thương. Ngoài ra phải kể đến nạn phá rừng tràn lan khiến sinh cảnh bị phá vỡ. Một khi sinh cảnh bị phá vỡ thì các loài thú buộc phải sống co cụm hoặc nhiều đàn thú bị tách đàn.

    Để có thức ăn, nhiều con vật tìm ra bìa rừng, xâm phạm nương rẫy của người dân. Khi bị con người xua đuổi, tấn công thì chúng sẽ tấn công lại. Thú rừng không chủ động tấn công con người, trừ một số trường hợp con người xâm phạm trực tiếp vào môi trường sống của chúng. Khi bị khiêu khích hoặc quá đói thú rừng cũng sẽ tấn công người.

    Thật ra, thú rừng khi thấy người thường bỏ chạy, hoặc quay lưng đi và không tấn công con người. Thú rừng chỉ tấn công con người khi bị đẩy vào bước đường cùng, không còn cách nào khác nên chúng phải tự vệ. Cũng có trường hợp thú rừng là nạn nhân của một nhóm người săn bắn, chỉ bị thương mà không chết. Chúng thù hằn con người nên cứ gặp người là chúng tấn công. Với những con thú tách đàn hoặc sống một mình lại càng nguy hiểm vì chúng chỉ có một mình và sẽ làm mọi cách để sinh tồn, kể cả việc tấn công con người.

    Video tham khảo:

     Heo rừng tấn công, một học sinh lớp 9 tử vong

    Nạn phá rừng và những cảnh báo

    Có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này không, thưa ông?

    Có nhiều cách để hạn chế và chống trả trước sự tấn công của thú rừng như: Đi rừng nên mang theo gậy, các vật nhọn để phòng thân; Khi bị tấn công phải tỏ ra bình tĩnh, không bỏ chạy để thú rừng không nghĩ mình là con mồi; Không nên tấn công làm bị thương nặng thú rừng vì càng bị thương chúng càng tấn công quyết liệt; Không ở lại trong rừng lúc đêm khuya; Không săn bắt thú rừng làm thức ăn... Tuy nhiên, tất cả những cách đó chỉ là giải pháp tình thế khi bị tấn công, quan trọng là phải làm cách nào để thú không tấn công mình.

    Trước hết, con người không nên săn bắt thú rừng, không mua bán, nuôi nhốt thú rừng, nói không với ăn thịt thú rừng. Để hạn chế tình trạng thú rừng tấn công người phải có sự đồng bộ, chung tay của nhiều cấp, ngành và toàn xã hội. Trả lại môi trường sống an toàn cho thú rừng để thú không ra các nương rẫy, bìa rừng hoặc làng của người dân để kiếm thức ăn. Khi dân số tăng nhanh, nạn phá rừng để canh tác lại càng trở nên báo động, điều này làm môi trường sống của thú rừng bị thu hẹp.

    Về mặt quản lý, cần có chiến lược gì để bảo vệ thú rừng và tạo ra môi trường sống an toàn cho thú rừng không, thưa ông?

    Thú rừng cũng có cảm xúc và cả sự tức giận, khi lợi ích loài bị xâm hại thì chúng sẽ tấn công thôi. Khai thác rừng để mang lại lợi ích là điều cần thiết, nhưng khai thác phải đi đôi với bảo vệ. Thú rừng tấn công người là một điều đáng tiếc và đáng báo động. Chung quy lại là mỗi người dân cần có ý thức, chỉ cần mỗi người có ý thức bảo vệ rừng, thú rừng thì chắc chắn thú rừng cũng không tấn công con người như những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua gây hoang mang dư luận.

    Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-tra-loi-cho-viec-thu-rung-tan-cong-con-nguoi-a73779.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan