+Aa-
    Zalo

    Câu hỏi về biển đảo: Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một số giám thị chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chia sẻ, đối với các câu hỏi liên quan đến phần biển đảo, hầu hết các thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

    Hầu hết các thí sinh đạt điểm tuyệt đối với những kiến thức liên quan đến phần biển đảo. Đó là chia sẻ của một số giám thị chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2014 qua hai ngày chấm bài của thí sinh, đối với các câu hỏi liên quan đến phần biển đảo.

    Theo các giám thị chấm thi tại Hội đồng thi trường THPT chuyên Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, đến thời điểm ngày 9/6, cơ bản các môn xã hội đã chấm được khoảng 50\% số lượng bài thi của thí sinh khối THPT.

    Câu hỏi về biển đảo: Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối

    Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

    Cô Hoàng Thị Hảo, giáo viên tổ Địa lý, trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết, đa phần thí sinh đều thể hiện được ý thức công dân tốt ở chỗ đều bám sát, thể hiện đầy đủ các ý trong đáp án và gần như các em đều đạt được điểm tối đa ở những câu hỏi liên quan đến biển đảo.

    “Dù diễn đạt khác nhau, nhưng các thí sinh đều nhận xét được đảo, quần đảo là bộ phận thiêng liêng của tổ quốc và đánh giá được đảo và quần đảo có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… Thường đề mở, tâm lý thí sinh sợ thấp điểm, tuy nhiên đối với câu hỏi đề mở năm nay liên quan đến biển đảo, các thí sinh đều nêu lên được các ý chính”, cô Hảo chia sẻ.

    Cũng theo cô Hảo, đặc thù cấu trúc đề thi của môn Địa bao giờ cũng có phần tự nhiên, mà nói về tự nhiên Việt Nam thì toàn vẹn lãnh thổ bao gồm ba bộ phận: vùng đất, vùng biển và vùng trời. Thí sinh thể hiện chuẩn về mặt kiến thức, không có điểm sai lệch đề. Có hai câu liên quan đến biển đảo, trong đó, có câu chỉ yêu cầu thí sinh nêu các bộ phận của vùng biển, chỉ cần kể ra gồm có: nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế... chỉ cần nêu như thế là đủ điểm tuyệt đối, nhưng các thí sinh còn kể chi tiết hóa được thế nào là thủy nội địa, thế nào là lãnh hải, rồi thế nào là vùng đặc quyền kinh tế biển…

    “Nhìn chung, các câu hỏi về biển đảo năm nay, học sinh đều đạt điểm tối đa câu hỏi mà đề thi đặt ra, điều quan trọng là các em đều thể hiện chuẩn về kiến thức đối với vấn đề nhạy cảm”, cô Hảo cho biết.

    Với môn Sử, có một vấn đề liên hệ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, nằm trong mối tương quan là tổ chức Liên hiệp quốc. Một trong những nguyên tắc của Liên hiệp quốc là giải quyết các vụ tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, liên hệ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam bằng biện pháp hòa bình như thế nào.

    “Qua thực chế chấm thi, đa số các thí sinh đều làm đúng theo đường lối. Thí sinh đã nhận thức khá đầy đủ đó là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta bằng biện pháp hòa bình. Các em cũng nêu cụ thể được bằng biện pháp ngoại giao, lên án, phản đối các việc dùng bạo lực, kêu gọi sự ủng hộ của thế giới và một biện pháp nữa là đấu tranh bằng pháp lý”, một giáo viên chấm thi tại Trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết.

    Đặc biệt, không có những bài làm trái với tư tưởng, đường lối, thậm chí có những em còn bày tỏ thái độ của mình đối với hành động của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đa số các em đều nêu được những phương pháp mà Việt Nam chúng ta đang làm hiện nay đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc.

    Theo nhận xét của giáo viên chấm thi môn Văn, đề thi năm nay có sự đổi mới, đó là cấu trúc đề thi từ ba phần, rút lại còn hai phần là đọc hiểu và làm văn, trong đó ở phần đọc hiểu có câu 3 điểm liên quan đến biển đảo. Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống, cho nên cuộc sống hiện tại đang diễn ra như thế nào thì văn chương cũng phản ánh lại. Khác với các năm, năm nay đề thi bám sát thời sự mà văn chương cần phản ánh kịp thời đó là vấn đề biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Cùng với đề thi môn Sử và Địa lý, đề thi Văn cũng được thí sinh nhận định hay, nóng hổi, thời sự. Thí sinh qua rất nhiều kênh thông tin, khá nhanh nhạy nên thể hiện trong bài làm những cái rất mới.

    Về kỹ năng của thí sinh biết vận dụng các kiến thức kể cả trong văn học, trong cuộc sống. Cái quan trọng khác là thái độ, đa phần thí sinh đều thể hiện được là người công dân trước những sự kiện, đều có chính kiến của mình. Thái độ rất rõ ràng đó là người công dân yêu nước, hễ có giặc ngoại xâm thì dũng cảm lên đường, thể hiện tinh thần đoàn kết. Đặc biệt, không có câu văn, hay phát ngôn bừa bãi trong bài thi, các em trung thực đối với những vấn đề nêu ra trong bài thi.

    Câu hỏi về biển đảo: Nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối

    Qua công tác chấm thi, theo nhận xét của các giáo viên, hầu hết thí sinh thể hiện rất tốt những nội dung liên quan đến biển đảo.

    Thường những câu dễ đạt điểm tuyệt đối là những câu có kiến thức trong sách giáo khoa, nhưng năm nay đề thi mở, cho nên học sinh được bày tỏ cách hiểu và qua kiến thức thực tế, các em trình bày rất tốt, có liên hệ thực tế. Thậm chí, có thí sinh liên hệ thực tế là một công dân tốt sẵn sàng khi Tổ quốc cần, đó là điều thể hiện học sinh của thời đại ngày nay.

    Một điều mà nhiều giáo viên nhận xét là, những năm trước, qua công tác chấm thi, có những học sinh phát ngôn này nọ, lệch lạc về các chủ đề nêu trong đề thi. Ví dụ, phân tích về nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, có thể có thí sinh nói tục, nhưng năm nay đề thi có hai phần rất rõ ràng, một phần về kiến thức xã hội và về văn học. Trong đó, câu kiến thức về biển đảo các em thể hiện cơ bản sát trọng tâm kiến thức và đúng tinh thần, trách nhiệm của một người công dân trước vận mệnh đất nước.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-hoi-ve-bien-dao-nhieu-thi-sinh-dat-diem-tuyet-doi-a36277.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan