Sau mỗi số phát sóng, Đường Lên Đỉnh Olympia lại tìm ra chủ nhân vô cùng xứng đáng cho chiếc vòng nguyệt quế. Các bạn ấy không chỉ sở hữu lượng kiến thức khủng, IQ đỉnh cao mà còn am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực.
Hàng tuần, ở từng phần thi đều xuất hiện loạt câu hỏi đầy căng thẳng, "hack não" các nhà leo núi, tuy nhiên đôi khi cũng có những câu hỏi hài hước, tưởng không dễ mà dễ không tưởng.
Mới đây, cộng đồng mạng bất ngờ thi nhau bàn tán về một câu đố IQ đã từng lên sóng Đường Lên Đỉnh Olympia. hỏi theo hình thức 1 đoạn thơ lục bát nhưng nội dung bên trong lại hoàn toàn là kiến thức tự nhiên, liên quan đến bộ môn Vật lý và Toán học.
Câu hỏi cụ thể như sau: "Khi đi gặp nước xuôi dòng/ Nhẹ nhàng đến bến chỉ trong 4 giờ/ Khi về từ lúc xuống đò/ Đến lúc cập bến 8 giờ hết veo/ Hỏi rằng riêng một khóm bèo/ Trôi theo dòng nước hết bao nhiêu giờ?"
Tuy nhiên, dù hết thời gian trả lời, câu hỏi vẫn không nhận được câu trả lời của thí sinh nào, do vậy MC đã công bố đáp án.
Theo đó, bài toán có thể lý giải như sau:
Trong 1 giờ khi đi xuôi dòng, đò đi được 1/4 quãng đường, khi đi ngược dòng đò đi được 1/8 quãng đường trong 1 giờ.
Khi về, đò đã đi được quãng đường bằng 1/16, từ đó suy ra thời gian để khóm bèo trôi ngược dòng là 1:(1/16), tức là bằng 16 giờ.
Câu hỏi hóc búa 30 điểm này đã khiến cả đoàn leo núi cuộc thi tháng phải bó tay vì thời lượng tính toán cho bài toán khá ngắn cộng thêm áp lực thi đấu.
Cách đây không lâu, một câu hỏi trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia cũng khiến dân mạng xôn xao.
Theo đó câu hỏi với nội dung: "Số tự nhiên nào là số tự nhiên nhỏ nhất có 7 chữ số lớn hơn 999.999?" bị dân mạng cho rằng bị thừa dữ kiện.
Ở câu hỏi trên có 2 dữ kiện bị thừa là:
- Đầu tiên là "số tự nhiên". Vì trong câu hỏi đã lặp đến 2 cụm từ "số tự nhiên".
- Tiếp theo là dữ kiện "có 7 chữ số" và "lớn hơn 999.999". Khi bỏ đi một trong 2 dữ kiện này thì đáp án của câu hỏi vẫn không thay đổi, đều chỉ đáp án đúng là 1.000.000.
Như vậy, câu hỏi này có thể rút ngắn thành: "Số tự nhiên nào nhỏ nhất có 7 chữ số?", hoặc "Số tự nhiên nào nhỏ nhất nhưng lớn hơn 999.999?".
Cộng đồng mạng cho rằng, câu hỏi dễ dành cho học sinh cấp 1, song việc đưa ra đề bài lằng nhằng cũng đã đánh đố được khối thí sinh. Hoặc đơn giản chương trình đưa ra vậy chỉ để... kéo dài thời gian đọc.
Có thể thấy rằng, dù đã trải qua 21 năm nhưng Đường Lên Đỉnh Olympia vẫn là một sân thi đấu trí tuệ được mong chờ nhất dành cho giới học sinh. Các câu hỏi trong chương trình được đánh giá hay và khá khó, đòi hỏi sự vận dụng thực tiễn rất cao của thí sinh.
Thủy Tiên (T/h)