+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện “trả tác phẩm cho học sinh” – chuyến đò tìm về sự sáng tạo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ở Hà Nội, có một ngôi trường rất lạ. Lạ là bởi, bất cứ ai đến nơi đây, đều không thể đoán trước mình sắp gặp điều kì lạ gì sau cánh cổng.

    Ở Hà Nội, có một ngôi trường rất lạ. Lạ là bởi, bất cứ ai đến nơi đây, đều không thể đoán trước mình sắp gặp điều kì lạ gì sau cánh cổng.
    Có thể, sẽ có một cô Tấm xúng xính bước ra trên chiếc hài xinh trong đêm hội ngày xửa ngày xưa, sẽ có một Mị Châu ngơ ngác tìm về trong chiếc áo lông ngỗng trắng muốt đã đi vào huyền thoại, sẽ có một Nữ thần mặt trời rực lửa cùng sánh bước bên chàng Đăm Săn, sẽ có một Chí Phèo khật khưỡng bước ra trong men say tình người - tình yêu cùng Thị Nở… Ngôi trường đó không đâu khác chính là trường THPT Chuyên ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội).
    Tháng mười một năm nay với riêng học sinh Chuyên ngữ là một tháng có thật nhiều cảm xúc. Bởi lẽ, vào trung tuần của tháng sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt nhằm hướng đến Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Ngoại Ngữ (ĐHQG HN) và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Sự kiện Sân khấu hóa Tác phẩm văn học. Sự kiện này sẽ được tổ chức vào tối Chủ nhật, ngày 15 tháng 11 năm 2015, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

    1. Bắt đầu từ một niềm trăn trở đến cuộc hành trình của nhiệt huyết và đam mê
    Từ thế giới của ca dao, cổ tích, truyền thuyết, truyện ngắn, tiểu thuyết… những nhân vật văn học cứ thế bước ra trong sự hóa thân tuyệt vời của những cô cậu học trò Chuyên ngữ. Sự hóa thân đó là minh chứng sống động cho một phương pháp học kỳ lạ do TS. Nguyễn Quang Trung - một người thầy tâm huyết trong bao nhiêu năm qua đã lặng thầm sáng tạo, lặng thầm thổi lửa vào mỗi tiết học văn. Để rồi, mỗi khi nhắc đến Chuyên ngữ, người ta không chỉ nhớ về một ngôi trường đã có hơn 45 năm truyền thống, với bầu trời hình chữ nhật thân thương, với sảnh gạch thắm đỏ ghi dấu bước chân bao thế hệ, mà còn là một ngôi trường có phương pháp học văn kiểu riêng Chuyên ngữ: Phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh. 
    Bất cứ ai khi đến với Chuyên ngữ trong thời gian này đều dễ dàng cảm nhận được không khí sôi động và khẩn trương của cả thầy và trò nhà trường. Ai ai cũng náo nức và say mê, nhiệt thành và cháy bỏng trong cuộc hành trình sáng tạo. Phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh tựa như một chiếc cầu nối mở ra cánh cửa đưa bao thế hệ học sinh bước vào thế giới của tác phẩm, để được hòa cùng hơi thở, sống cùng trái tim , vui cùng niềm vui, buồn cùng nỗi buồn với các nhân vật. Dưới sự sáng tạo tuyệt vời của tuổi trẻ, tác phẩm sẽ được chuyển thành kịch bản, lớp học sẽ biến thành sân khấu, học sinh sẽ được trải nghiệm vai trò làm đạo diễn, diễn viên, nhà biên kịch. 
    Trải qua những ngày tháng cùng nhau học tập và sáng tạo, với những niềm vui và nỗi buồn, với những nụ cười và nước mắt, tất cả đã cùng cộng hưởng để tạo thành phút thăng hoa quý giá trên sàn diễn. Chưa bao giờ người ta lại thấy một tiết học văn lại có thể đời hơn và người hơn như thế. Trong phút chốc, quá khứ và hiện tại như đan xen, tác phẩm và cuộc đời như quấn quyện, nhân vật và người đọc như hòa vào làm một. 
    Trong cuộc chơi văn học thú vị, con người khoa học và con người nghệ thuật trong mỗi học sinh đã được đánh thức và trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các em đã thực sự trở thành người làm chủ lớp học và sân khấu, làm chủ quá trình chiếm lĩnh tác phẩm văn học. Tôi thực sự tâm đắc với một câu nói của Thầy giáo, TS. Nguyễn Quang Trung: “Giáo viên nên là người dẫn đường. Đừng bao giờ là người cản đường.”. Học sinh vốn dĩ không phải là một cái bao chứa đầy tư tưởng của giáo viên, ngược lại, học sinh là nguồn lửa rất cần được khơi lên để tỏa sáng.

    2. Đích đến là sự sáng tạo
    Thầy giáo, TS. Nguyễn Quang Trung - người sáng tạo ra phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh đã từng nói rằng: “Cuộc sống cũng là một cuộc chơi. Học văn là một cuộc chơi thú vị - một cuộc chơi văn hóa đậm tính trí tuệ và nghệ thuật.”. Có lẽ, thầy đã hiện thực hóa câu nói của mình thông qua “cuộc chơi” mang tên Trả tác phẩm cho học sinh - một cuộc chơi đã biến những cô cậu học trò trở thành những nhà khoa học và những người nghệ sĩ. Đây là một phương pháp học văn vô cùng hấp dẫn và lý thú. Trong đó, học sinh được tiếp cận tác phẩm văn học không phải là việc thụ động lắng nghe, thụ động ghi chép, thụ động trở thành một cái lọ chứa đầy tư tưởng của giáo viên theo kiểu dạy và học truyền thống. Ngược lại, học sinh được tự do chiếm lĩnh tác phẩm trong một cuộc chơi đầy cảm hứng sáng tạo. Có thể tóm tắt đôi nét về phương pháp như sau: Mỗi lớp học sẽ được chia thành hai nhóm. Mỗi nhóm sẽ lựa chọn một tác phẩm để tham gia nghiên cứu và chuyển thể. Trong thời gian chuẩn bị từ hai tuần đến một tháng, hầu như tất cả các học sinh đều được huy động để tham gia. Trong mỗi nhóm, sự phân công công việc sẽ được chia đều theo từng tiểu ban theo sự điều hành của nhóm trưởng. Ban tiểu luận có trách nhiệm soạn thảo một cuốn tiểu luận thể hiện những nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tác giả - tác phẩm. Ban hội thảo có trách nhiệm tổ chức, điều hành và dẫn dắt buổi đối thoại - trao đổi về tác phẩm. Ban đạo cụ có trách nhiệm chuẩn bị phông màn, trang phục, trang trí cho tiểu phẩm. Mỗi giờ học được tiến hành theo phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh sẽ được diễn ra trong khoảng 02 tiết học. Trình tự của buổi học sẽ được diễn ra như sau: Giới thiệu ngắn gọn về mục đích, ý nghĩa của hội thảo; trình chiếu clip ghi lại cảnh hậu trường trong quá trình chuẩn bị; trình diễn tiết mục chuyển thể (có thể chuyển thể theo nhiều hình thức: kịch nói, múa, hát, thời trang,…); phần thảo luận; phần kết luận, đánh giá, rút kinh nghiệm. 
    Khi giáo viên trả lại vị trí chủ thể cho học sinh, phẩm chất khoa học và nghệ thuật vẫn luôn ẩn giấu trong con người các em mới thực sự trỗi dậy. Sự mạnh mẽ của lý trí và tư duy, sự sâu sắc của cảm xúc và trải nghiệm đã tạo thành những giờ học đầy lôi cuốn và đáng nhớ. Đôi khi, ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết bởi những phút thăng hoa viên mãn trên sân khấu lớp học. Học sinh không chỉ được tiếp cận mà còn được hóa thân vào cảm xúc và cuộc đời nhân vật, để được đồng điệu trong niềm vui, thấu hiểu những nỗi buồn, để được cười trong men say tình yêu, để được khóc trong nỗi sầu ly biệt… Trên sân khấu, trong hình hài của những cô cậu học trò, linh hồn muôn thuở của những cô Tấm, cô Cám, cô Kiều, cô Vân, của chàng Thúc, chàng Kim, của Chí, của Nở,… cứ lần lượt tìm về chế ngự. Để rồi người xem đôi lúc không thể nào phân biệt được đâu là thật đâu là ảo, đâu là ngày xưa đâu là hiện tại… Tất cả như đan xen trong nhau, hòa quyện vào nhau trong một cuộc chơi - một giờ học chan chứa những cảm xúc không thể nào quên.

    3. Thay cho lời kết
    Dường như Trả tác phẩm cho học sinh đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một phương pháp để thực sự biến thành một trải nghiệm - một món quà dành riêng cho tuổi trẻ Chuyên ngữ - một ngôi trường với slogan quen thuộc: “Cháy lên để mà tỏa sáng!”. Trong cuộc hành trình 13 năm thực hiện Phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh, cả thầy và trò Trường THPT Chuyên ngoại ngữ đã gặt hái được những thành quả rất đáng khích lệ: hàng trăm tác phẩm đã được học sinh chủ động chiếm lĩnh và chuyển thể; hàng ngàn học sinh đã được trải nghiệm trong những vai trò mới (đạo diễn, diễn viên, nhà biên kịch…) và trong những thử thách mới (đánh thức kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tổ chức, trình diễn…); vô vàn những giờ học đã được biến thành những cuộc chơi đầy cảm xúc của trí tuệ và nghệ thuật,…
    Ngày 15/11/2015 tới, Đêm Sân khấu hóa tác phẩm văn học sẽ chính thức diễn ra tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhằm kỷ niệm chặng đường 13 năm Phương pháp Trả tác phẩm cho học sinh. Trong đêm diễn, 10 tiểu phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn từ vòng Sơ khảo sẽ được tôn vinh. Đó chính là những tiết mục vô cùng hấp dẫn: Vợ nhặt (Lớp 10A), Tấm Cám (10D), An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy (Lớp 10K), Đàn bà dễ có mấy tay (Lớp 10I), Tây Tiến (Lớp 11A), Chí Phèo (11B), Tôi yêu em (11D), Rừng xà nu (11E), Hồi trống Cổ Thành (Lớp 11G), Một bữa no (Lớp 11K). Xin được trích lời của Thầy giáo, TS. Nguyễn Quang Trung để thay cho lời kết: Mỗi học sinh là một nguồn lửa, khi thầy cô biết chạm cái bật lửa hay que diêm vào đó, nguồn lửa sẽ bốc cháy thành ngọn lửa, nhiều ngọn lửa thành rừng lửa rừng rực tỏa sáng… Và, đó cũng chính là ngọn lửa của sáng tạo – cái đích cuối cùng của chuyến đò Trả tác phẩm cho học sinh - một cuộc hành trình dài mang tên nhiệt huyết và đam mê.
     
    CNN
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-tra-tac-pham-cho-hoc-sinh-chuyen-do-tim-ve-su-sang-tao-a119573.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.