+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện thu chi đầu năm học mới: Phụ huynh không phải kho của cải để thầy cô “tận thu”

    • Hoa TràDSPL

    (ĐS&PL) - Sự chia sẻ của phụ huynh với ngành giáo dục là cần thiết, tuy nhiên, nếu làm không đúng rất dễ gây ra phản cảm, không hiệu quả.

    Đến nay, xã hội hóa giáo dục đã khẳng định vai trò của mình trong việc hỗ trợ, phát triển học tập khi chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục vẫn ở mức thấp.

    Có thể hiểu, xã hội hóa giáo dục là quá trình huy động sự tham gia của toàn xã hội vào các hoạt động giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Điều này bao gồm việc hợp tác giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.

    Biến tướng xã hội hóa giáo dục

    Tại Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ: "Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao".

    Dù không thể phủ nhận những lợi ích, ý nghĩa của xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, ranh giới không rõ ràng giữa xã hội hóa và lạm thu hiện nay, khiến huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục đang gây nhiều bức xúc, tạo gánh nặng cho phụ huynh. Khai giảng năm học mới, giờ đây trở thành "mùa thu" ngày khai trường.

    GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam.

    GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam.

    Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng nếu năm học mới nào cũng huy động phụ huynh đóng góp sửa chữa, lắp mới điều hoà, mua các trang thiết bị là điều hết sức vô lý.

    "Cơ sở vật chất nhà trường đã được xây kiên cố thì khó lòng năm nào cũng phải xây dựng, tu sửa. Chi phí lắp điều hoà, quạt máy phải được trừ hao giảm dần qua từng năm học và về 0 đồng. Nếu năm nào cũng đóng tiền lắp mới, thì không phụ huynh nào có thể ủng hộ. Cha mẹ học sinh chia sẻ với ngành giáo dục, nhưng không phải là kho của cải để có thể "móc túi" mỗi năm học như vậy", ông Dong bày tỏ.

    Theo chuyên gia, để huy động nguồn lực từ phụ huynh hiệu quả điều quan trọng nhất nhà trường phải minh bạch trong tài chính thu chi, tổng kết cơ sở vật chất hằng năm để báo cáo lại.

    Cần có nguồn thu hợp lý để đóng góp cho cơ sở vật chất trong trường học (Ảnh: Hoa Trà).

    Cần có nguồn thu hợp lý để đóng góp cho cơ sở vật chất trong trường học (Ảnh: Hoa Trà).

    Còn theo TS.Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT xã hội hóa giáo dục cần đảm bảo các nguyên tắc: Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục không giảm; Chất lượng giáo dục và số người được đi học tăng; Đảm bảo sự công bằng và bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục.

    Trong bối cảnh xã hội hoá, việc kêu gọi sự hỗ trợ từ phụ huynh và cộng đồng cho công việc chung là điều bình thường và cần thiết. Tuy nhiên, hiểu sai hoặc lạm dụng chính sách xã hội hóa có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, coi tài sản có được do xã hội hóa là tài sản của riêng mình là điều khó chấp nhận.

    "Xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục nhưng nó không có nghĩa là chuyển toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai phụ huynh với chiêu bài xã hội hoá", ông Vinh bày tỏ.

    Ở đây, nhà trường cần có quy định rõ ràng về việc tiếp nhận sự hỗ trợ từ phụ huynh, đảm bảo rằng mọi sự đóng góp đều là tự nguyện trong khuôn khổ luật pháp và không gây áp lực. Việc lạm dụng hoặc hiểu sai chính sách xã hội hóa giáo dục có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, tạo ra những phản cảm.

    Minh bạch thu chi là điều cần thiết khi xã hội hóa giáo dục (Ảnh: Hữu Thắng).

    Minh bạch thu chi là điều cần thiết khi xã hội hóa giáo dục (Ảnh: Hữu Thắng).

    Minh bạch thu chi, phụ huynh sẽ tự nguyện đóng góp 

    Để huy động được sự góp sức của phụ huynh một cách tự nguyện là điều không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi các thầy cô, cán bộ quản lý phải có cách thức phù hợp.

    Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng hiện nay Nhà nước chưa thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của học sinh, cho nên, việc có sự tham gia đóng góp của phụ huynh vào giáo dục cũng đã được quy định cụ thể.

    Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục phải là chủ trương của nhà trường và được phòng giáo dục, chính quyền địa phương cho phép theo đúng quy định, không phải giáo viên làm mà nhà trường lại không nắm được.

    Ông Lâm cũng cho rằng những khoản liên quan đến sửa chữa, thay mới cơ sở vật chất là không phù hợp. Cùng với đó, quỹ ban phụ huynh chỉ nên được sử dụng trong phạm vi nhu cầu của một lớp, chứ không phải là nguồn chi trả cho hàng chục khoản khác nhau.

    Góc thư viện ngoài trời của Trường Mầm non Thụy Duyên được xây dựng nhờ xã hội hóa giáo dục (Ảnh: NTCC).

    Góc thư viện ngoài trời của Trường Mầm non Thụy Duyên được xây dựng nhờ xã hội hóa giáo dục (Ảnh: NTCC).

    Có sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường và phụ huynh trong việc xây dựng trường học, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Xuyến – Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Duyên, Thái Bình đã chia sẻ về những sáng kiến nhằm huy động xã hội hóa giáo dục từ phía phụ huynh mà nhà trường đã áp dụng.

    Bà Xuyến đánh giá: "Xã hội hóa giáo dục là huy động và tổ chức các lực lượng của toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình giáo dục. Đồng thời, tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng thụ các thành quả do hoạt động giáo dục đem lại. Từ đó, tạo ra phong trào mọi người học tập suốt đời, cả địa phương thành một xã hội học tập".

    Để phụ huynh chủ động, tích cực góp sức cho xã hội hóa giáo dục, bà Xuyến cho rằng trước tiên cần tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để phụ huynh hiểu đầy đủ bản chất của xã hội hóa giáo dục.

    Mặc dù vậy, muốn cha mẹ học sinh thực sự an tâm, đồng lòng chia sẻ phải có sự quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực huy động từ sự đóng góp của cha mẹ, các tổ chức, cá nhân,…

    Xã hội hóa giáo dục cần minh bạch, phù hợp (Ảnh: Hữu Thắng).

    Xã hội hóa giáo dục cần minh bạch, phù hợp (Ảnh: Hữu Thắng).

    "Ngoài chế độ quy định về các khoản thu, các chi hội trưởng hội cha mẹ học sinh các lớp chủ động bàn bạc với ban hội cha mẹ học sinh của trường, phối hợp với đề xuất của ban giám hiệu nhà trường xây dựng quỹ hội. Tổ chức lấy ý kiến trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm học, quản lý sử dụng đúng mục đích và công khai minh bạch.

    Cùng với đó, xây dựng kế hoạch hoạt động của hội phù hợp với đặc điểm của nhà trường trong năm học. Hội phụ huynh nhà trường có quy chế, nghị quyết hoạt động của hội gửi tới từng chi hội", bà Xuyến bày tỏ.

    Song song với huy động nguồn lực cơ sở vật chất cho nhà trường, bà Nguyễn Thị Xuyến cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ các nguồn lực cơ sở vật chất, đây khâu quan trọng nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả cao, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và của phụ huynh.

    Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Duyên nhấn mạnh: "Các nguồn kinh phí phải sử dụng có hiệu quả, không để tình trạng huy động tràn lan, mua sắm văn phòng phẩm, thiết bị không cần thiết với nhu cầu sử dụng. Phân định rõ trách nhiệm tới từng thành viên trong nhà trường bằng văn bản về việc thu, chi tài chính và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư".

    Đặc biệt, Trường Mầm non Thụy Duyên vào cuối năm học có tổng kết hoạt động xã hội hóa giáo dục ở từng chi hội phụ huynh các nhóm, lớp. Khen thưởng các chi hội hoạt động có kết quả tốt, đánh giá những mặt mạnh, đề xuất giải pháp khắc phục các mặt hạn chế để công tác xã hội hóa trong các năm học tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.

    Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

    Trong quá trình thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư kể trên.

    Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu 7 khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/cau-chuyen-thu-chi-au-nam-hoc-moi-phu-huynh-khong-phai-kho-cua-cai-e-thay-co-tan-thu-a470342.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan