+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện luật sư: Những cô dâu người Việt dùng “khổ nhục kế” thoát khỏi nhà chồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngay khi vừa thoát khỏi động quỷ trở về Việt Nam, điều đầu tiên những cô dâu Việt làm chính là vạch mặt những kẻ buôn người tráo trở.

    Trăn trở

    Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ án mua bán người, Luật sư Phan Thị Hồng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) không khỏi trăn trở và xót xa nhất cho trường hợp của hai chị em ruột cùng lúc trở thành nạn nhân của bọn mua bán người; đó là cháu N.T.M.L. (15 tuổi) và cháu N.T.K.N. (13 tuổi).

    van nan mua ban nguoi nhung co dau nguoi viet dung kho nhuc ke thoat khoi nha chong
    Nhiều cô dâu Việt đã may mắn thoát khỏi ổ nhóm buôn người (Ảnh minh họa).

    Luật sư Hồng kể lại, hôm đó, hai chị em L. rủ nhau đi chơi, mua sắm quần áo, không may gặp đúng bọn lừa đảo.

    Với con mắt “cú vọ” chuyên đi “săn mồi”, mới liếc qua, Đặng Thị Hiền biết ai sẽ là nạn nhân của mình nên lập tức lân la làm quen với các cháu và bảo đang cần thuê người kiểm quần áo ở Bắc Giang với tiền công khá hậu hĩnh.

    Tưởng thật, hai cháu L. và N. đã đồng ý đi theo và không ngờ rằng chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã có mặt ở bên nước bạn, phải chịu cảnh tủi cực khi bị ép bán về làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc.

    Quá trình làm việc với nạn nhân, thu thập thông tin để đòi lại những quyền lợi chính đáng, bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư Hồng đã không thôi trăn trở, ám ảnh bởi sự tủi cực mà các cháu bé phải chịu đựng ở bên xứ người. Nhưng so với nhiều nạn nhân khác, L. và N. đã may mắn bỏ trốn được về đoàn tụ cùng gia đình.

    Hành trình tẩu thoát

    Kể lại hành trình nạn nhân tẩu thoát được khỏi động buôn người, luật sư Hồng cũng phải thừa nhận: “Phải công nhận các cháu bé còn ít tuổi nhưng cũng khá thông minh khi có những chiêu “khổ nhục kế” để chạy thoát khỏi những người chồng mua vợ bằng tiền”.

    Trường hợp của cháu L. bị các “mẹ mìn” bán cho một người đàn ông Trung Quốc 19 tuổi, cháu L. đã khóc rất nhiều mặc dù gia đình người đàn ông này cũng khá chiều chuộng và đối đãi với cháu bé tử tế. Duy chỉ có điều là họ luôn để mắt, canh giữ L. bởi biết ý đồ của những nạn nhân luôn muốn bỏ trốn.

    Biết nhà hàng xóm có máy tính, L. giả vờ thích chơi game và cứ nằng nặc đòi người chồng Trung Quốc của mình dẫn sang đó chơi, nếu không thì L. khóc lóc, không chịu ăn uống gì. Anh chồng này đồng ý cho L. chơi nhưng lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Thấy vợ ngoan hơn, họ đã mua cho L. một chiếc máy tính để cô bé không phải sang chơi nhờ hàng xóm. Kể từ đây, họ mừng ra mặt khi mà cô vợ Việt Nam bé nhỏ ngoan hơn hẳn, L. không khóc lóc đòi về, cũng chu toàn việc nhà cửa, nấu nướng, cơm ngon canh ngọt phục vụ gia đình chồng. Thế nhưng, tất cả những việc này đều là khổ nhục kế của L. hòng lấy niềm tin của họ.

    “Cứ khi có mọi người ở bên cạnh là L. giả vờ thích thú bên những trò chơi điện tử. Nhưng khi ở một mình, cô gái đã tìm hiểu và phát hiện ra hòm thư của một người Việt Nam đang sinh sống ở Trung Quốc, thông qua người này, L. nhờ họ gửi giúp thông tin của mình về cho gia đình, là bên này cô vẫn bình an và sẽ sớm tìm cách trở về với bố mẹ”, Luật sư Hồng nhớ lại.

    Những ngày sau đó, L. được anh chồng Trung Quốc vui vẻ dẫn đi chợ. Không bỏ lỡ cơ hội, L. kịp ghi nhớ phố xá, đường đi lối lại, may mắn hơn là phát hiện ra đồn công an Trung Quốc cách chỗ L. ở không xa. Hôm sau nữa, L. lại ngoan ngoãn, tìm cách để được chồng cho đi chợ, L. cố ý mua thêm bia và thức ăn. Tối đó, tất nhiên mọi người đều vui vẻ bên bữa cơm thịnh soạn do chính tay cô dâu Việt Nam nấu nướng. L. chuốc cho anh chồng uống thật nhiều bia đến độ lăn ra ngủ như chết.

    Không để tuột mất cơ hội quý báu, phòng L. ở trên tầng 2, chờ đêm xuống, cô quyết định tụt từ ông máng xuống đất rồi ba chân bốn cẳng chạy đến đồn công an Trung Quốc để nhờ sự giúp đỡ. Thế nhưng, do bất đồng ngôn ngữ, L. phải ở lại đồn công an khoảng 3 tháng, đến tận tháng 3/2014 mới được về Việt Nam.

    Còn về phần cô em, tên N. có phần tủi cực, gian truân hơn khi mà bị “sang tên, đổi chủ” tới 8 lần, thì bị 4 gia đình có hành vi xâm hại tình dục. May thay, gia đình người Trung Quốc cuối cùng mua N. thì lại có thái độ quý mến, chiều chuộng N. Họ còn dạy N. tiếng Trung và đào tạo để bán hàng. Về phần cháu N. thì không lúc nào thôi nhớ về gia đình và luôn nung nấu ý định bỏ trốn. Tận dụng cơ hội này, cháu N. cũng tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời nhà chồng Trung Quốc của mình để tạo lòng tin. Nhưng đằng sau, N. cố gắng liên hệ với bạn bè và những người Việt Nam trong thời gian N. đi bán hàng về đường đi lối lại. Khi có cơ hội, N. lập tức bỏ trốn, men theo đường tiểu ngạch, cuối cùng đến tháng 10/2014, cháu bé cũng được về đoàn tụ cùng gia đình.

    Gánh trên vai trọng trách bảo vệ công lý, Luật sư Phan Thị Hồng mong mỏi, vì một xã hội bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người cần tới sự chung tay của các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và trên hết là sự đề cao cảnh giác từ mỗi công dân.

    “Nỗ lực từ mỗi cá nhân góp phần mang lại thành công cho mỗi quốc gia, từ đó làm nên những thành tựu chung của thế giới nhằm loại bỏ một loại hình tội phạm đang được coi là vấn nạn toàn cầu”, Luật sư Hồng phát biểu.

    Tư Viễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-luat-su-nhung-co-dau-nguoi-viet-dung-kho-nhuc-ke-thoat-khoi-nha-chong-a563422.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan