Dù đã 30 tuổi nhưng chỉ nặng có 15kg, “cô giáo Tâm” chưa một lần được đi lại bình thường trên đôi chân của mình.
Ngọc Tâm và mẹ của mình. Ảnh: VOV |
“Cô giáo Tâm” là cách những người dân tại thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và những học trò nhỏ dành cho Nguyễn Thị Ngọc Tâm – cô gái 30 tuổi, nặng 15kg. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, chị Tâm không may mắc chứng bệnh xương thủy tinh, từ đó quãng đời tuổi thơ của chị luôn gắn liền với bệnh tật và nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn.
Không thể nhớ hết số lần bị gãy xương từ khi mới lọt lòng cho đến nay. Chỉ cần ngồi lệch tư thế hay hoạt động mạnh một chút là xương cũng bị gãy. Nhiều lần vừa từ bệnh viện bó bột trở về đến nhà thì xương chỗ khác lại gãy.
Lúc mới lọt lòng mẹ, một chân của Tâm bị quặt ngược lên bụng không thể duỗi thẳng. Đến năm 2 tuổi mới được phẫu thuật, lúc này chân đã có thể duỗi nhưng Tâm vẫn không thể đi lại. Không những vậy, càng lớn Tâm lại bị thêm nhiều bệnh khác như tim, phổi, phế quản, dạ dày khiến sức khỏe cô mỗi ngày một yếu.
Ao ước được đến trường nhưng mãi đến năm 8 tuổi Tâm mới được đi học lớp 1, với bản tính thông minh cộng thêm sự cần cù không phụ lòng ông bà, cha mẹ và thầy cô 9 năm đi học, Tâm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Dù rất ham học nhưng việc học tập của Tâm buộc phải dừng lại khi trường cấp 3 cách xa nhà tới 15km. Trong khi lúc bấy giờ, gia đình không có phương tiện để đưa đón, phần vì sức khỏe của Tâm ngày một yếu hơn.
Tâm ước mơ được làm cô giáo ngay từ những ngày còn bé. Nhưng căn bệnh đang mang từ nhỏ Tâm đã chấp nhận sống chung với nó và hiện thực hóa ước mơ theo cách của riêng mình.
Để giúp ích cho đời, cũng là thực hiện ước mơ được làm cô giáo của mình, Tâm quyết định mở lớp học miễn phí ngay tại nhà để kèm cặp các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 8.
Trong 16 năm qua đã có hàng trăm em học sinh được Tâm dạy học, không chỉ những em học sinh ở gần nhà mà ngay cả những em học sinh nhà cách xa hơn 20km cũng tìm đến lớp học của Tâm.
Một lớp học đặc biệt 5 không: không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí, nhưng lớp học ấy luôn đầy ắp sự yêu thương, cô và trò luôn tíu tít bên nhau.
Bất kể mưa gió, ốm đau, Tâm vẫn kèm cặp các em học sinh học cấp 1, cấp 2 trong làng giúp các em củng cố được kiến thức trên lớp và hướng dẫn giúp các em có phương pháp học tập hiệu quả nhất.
Lớp học miễn phí của "bông hồng thủy tinh". Ảnh: Dân Trí |
Trung bình mỗi ngày Tâm đều dạy 2 ca sáng và chiều. Buổi sáng Tâm dạy cho các em học cấp 1, buổi chiều Tâm dạy cho học sinh cấp 2 mỗi ca khoảng từ 10-15 em. Cao điểm nhất là vào mùa hè, số học sinh cũng đông hơn nên Tâm phải dạy thêm một ca vào buổi tối.
Tất cả Tâm đều dạy miễn phí cho các em học sinh. Nhiều phụ huynh đề nghị được ủng hộ một chút để “cô giáo” có tiền trang trải nhưng Tâm từ chối.
Làm “cô giáo” có thể nói là ước mơ lớn nhất của Tâm nhưng biết căn bệnh mình mang không có cách nào chữa khỏi nên từ nhỏ Tâm đã chấp nhận sống chung với nó và hiện thực hóa ước mơ theo cách của riêng mình. “Không quan trọng sống bao lâu, quan trọng là phải sống ý nghĩa”, Tâm nói.
Bên cạnh đó, Ngọc Tâm còn làm thơ, viết văn dự thi các cuộc thi lớn nhỏ trên báo, đài tổ chức và gặt hái được những giải thưởng nhất định. Tiền thưởng đạt được Tâm hầu như chỉ dùng để mua dụng cụ học tập, sách vở làm phần thưởng dành tặng các em học sinh của mình, phần ít phụ giúp cho mẹ thêm tiền mua thuốc.
Tâm còn kêu gọi và xây dựng nên Quỹ học bổng Ngọc Tâm Thuỷ Tinh nhằm động viên, khích lệ những học sinh là người khuyết tật, học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lớp và tại các trường học khác.
Ngoài ra, Tâm còn xây dựng nên một không gian đọc - đó là một tủ sách do Tâm và nhiều người khác cùng đóng góp nên. Tâm cho biết, không gian đọc này mình mong sẽ giúp cho học sinh trong giờ ra chơi có thể tìm hiểu thêm kiến thức. Và kể cả những người thích đọc đều có thể đến mượn, vì sách là một kho tàng tri thức vô tận.
“Không quan trọng sống bao lâu, quan trọng là phải sống ý nghĩa’ vì thế mà Ngọc Tâm luôn nỗ lực, cố gắng từng ngày để truyền cảm hứng cho những hoàn cảnh không may mắn giống mình.
Mộc Miên (T/h)