(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Những ngày gần đây, bộ phim điện ảnh Em và Trịnh nhận được sự quan tâm và chú ý từ khán giả. Nhiều luồng ý kiến được đưa ra khi đánh giá về phim, tuy nhiên không thể phủ nhận 2 phim điện ảnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã khiến công chúng nhớ về Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ lãng mạn bậc nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Người dành lời khen sẽ cho rằng Em và Trịnh giàu cảm xúc, hình ảnh đẹp, âm nhạc chọn lọc, những người chê lại cho rằng phim hời hợt, nhạt nhẽo, đã phác họa nên một Trịnh Công Sơn không xứng tầm, thậm chí còn có ý kiến cho rằng bộ phim đã hạ thấp tài năng và nhân cách của cố nhạc sĩ.
Dẫu vẫn mang về 2 luồng ý kiến trái chiều rõ rệt, song không thể phủ nhận 2 phim điện ảnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã khiến công chúng nhớ về Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ lãng mạn bậc nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Trong số những người con gái từng xuất hiện trong câu chuyện của người nhạc sĩ tài hoa, chắn hẳn không thể không nhắc đến cái tên Ngô Vũ Dao Ánh.
Qua hai bộ phim Em và Trịnh, Trịnh Công Sơn, khán giả có thể đã được chứng kiến câu chuyện éo le, đáng yêu nhưng cũng vô cùng day dứt của nam nhạc sĩ với nàng thơ Dao Ánh.
Trịnh Công Sơn (Alvin Lu) trong một lần hội ngộ cùng nhóm bạn trong "Tuyệt Tình Cốc" đã bắt gặp bức tranh vẽ nàng Ngô Vũ Bích Diễm (Lan Thy), trót đem lòng say mê và được nhóm bạn tìm cách để đưa anh gặp được Diễm.
Khi nhóm bạn đến nhà Bích Diễm, em gái của Diễm - Dao Ánh (Hoàng Hà) là người ra mở cửa. Đây cũng là lần gặp mặt đầu tiên giữa Trịnh Công Sơn với Dao Ánh. Theo diễn biến của bộ phim, sau khi "nàng thơ" Bích Diễm chối từ tình cảm rồi sau đó đi du học, chàng thanh niên Trịnh Công Sơn đã mang trái tim gửi lại cho Dao Ánh. Mối tình của cả hai khắc ghi bằng hàng trăm lá thư được Trịnh Công Sơn viết những ngày ở B'lao dạy học và cho đến tận những năm tháng cuối đời...
Những chi tiết này khiến khán giả không thôi tò mò về câu chuyện đời thực của Trịnh Công Sơn và "nàng thơ" Dao Ánh.
Mối duyên không ngờ
Bài hát Diễm xưa nổi tiếng của Trịnh Công Sơn gắn liền với mối tình đầu Ngô Vũ Bích Diễm. Nhưng rất nhiều bản tình ca khác của ông lại lấy cảm hứng từ những cuộc tình đã qua trong đời, trong đó, sâu đậm và được biết đến nhiều nhất là với Ngô Vũ Dao Ánh.
Nhìn thấy tình cảm đơn phương của "anh Sơn" không được chị mình đáp lại, Dao Ánh - lúc ấy 14 tuổi đã viết thư cho anh để san sẻ những tâm tư, nỗi buồn. Dao Ánh và nhạc sĩ họ Trịnh tiếp tục thư từ qua lại khi ông lên B'lao (giờ là tỉnh Lâm Đồng) dạy học.
Gần 3 năm liên lạc với hàng trăm bức thư nồng nàn, phải tới năm 1966, tức là khi Dao Ánh bước sang tuổi 18, còn Trịnh Công Sơn 27 tuổi, ông mới ngại ngùng viết lời yêu: "Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh... Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến bên anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh hằng mong đợi".
Sau lời tỏ tình đó, họ chính thức yêu nhau, Khi đó, Dao Ánh là nữ sinh của trường Đồng Khánh, còn Trịnh Công Sơn đang giảng dạy ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Tuy vậy, trong những bức thư nồng nàn nỗi nhớ và tình yêu, Trịnh Công Sơn vẫn bày tỏ nỗi hoài nghi về một cái kết hạnh phúc giữa ông và Dao Ánh. Vị nhạc sĩ tài hoa cho rằng sự tan vỡ, đau khổ là điều khó tránh khỏi.
Mối tình kéo dài trong gần 4 năm, khi ấy Dao Ánh là nữ sinh trường Đồng Khánh, Trịnh Công Sơn dạy học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đến năm 1967, họ chia tay nhau, Dao Ánh sang Mỹ lập gia đình.
Giai thoại kể lại, những năm cuối đời, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở bệnh nặng. Bà Dao Ánh thường đi về Việt Nam chăm sóc ông. Dao Ánh là nguồn sáng tác vô tận của Trịnh Công Sơn qua những tuyệt phẩm: Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Xin trả nợ người, Mưa hồng...
300 bức thư tình kinh điển
Báo Tiền Phong thông tin, trong suốt 37 năm, Trịnh Công Sơn đã viết 300 lá thư cho người tình Dao Ánh, nhất từ năm 1964 đến 1967, khi ông ở Bảo Lộc. Trong bức thư viết năm 1964, Trịnh Công Sơn dỗ dành người yêu giận dỗi.
“...Anh hát lại bản Mưa hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi đá buồn. Ánh nghĩ sao?
Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm.
Ánh ơi. Anh đang nhớ và mong tin Ánh. Có lẽ giờ này Bạch Yến cũng đang hát Lời buồn thánh cho đêm chủ nhật. Anh nhác quá nên không ra phố giờ này. Có lẽ phố cũng vui vì đã trưng bày đồ Noel rồi. Anh xin đi ngủ. Giấc ngủ sẽ xóa bớt những buồn phiền đi. Anh mong thế. Ánh ơi Ánh ơi”.
Khi lần đầu tiên hé lộ những bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh, công chúng từng trầm trồ khi phát hiện ra, Trịnh Công Sơn là người đàn ông viết thư tình hay như thế nào. 300 bức thư được ví như “thư tình của mọi bức thư tình”. Với lời lẽ được viết ra như sự tuôn chảy của cảm xúc, không gì ngăn cản được.
Nhiều bức thư đã được đăng tải trên các diễn đàn tình yêu, được chia sẻ, lan tỏa, làm nức lòng công chúng. Đọc thư tình của Trịnh, có thể thấy mỗi con chữ viết ra đều thấm đẫm sự nồng nàn, thương nhớ. Với sự biến hóa, đối sánh, sự ẩn hiện muôn hình vạn trạng của con chữ, của văn phong, không thể tìm kiếm ở đâu khác ngoài Trịnh.
Lần đầu tiên Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh là vào ngày 2/9/1964 và lá thư cuối cùng là vào ngày 17/1/2001, trước khi ông mất chưa đầy 3 tháng. Kể từ ngày ông viết lá thư: "Anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình… Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình".
Chuyện tình của họ tan vỡ vào năm 1967, Dao Ánh sang Mỹ học tập, lập gia đình và vẫn giữ liên lạc với gia đình nhạc sĩ. 20 năm xa cách, Dao Ánh về Việt Nam gặp lại người xưa. Cuộc hội ngộ ấy là cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài Xin trả nợ người với ca từ sâu lắng: “Hai mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một đời em đã phụ tôi”.
Sau khi trở về Mỹ, Dao Ánh ly dị chồng. Những năm tháng cuối đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bà thường bay về Việt Nam để chăm sóc người tình xưa. Có lẽ đây là mối tình sâu đậm, day dứt nhất của cố nhạc sĩ.
Bích Thảo(T/h)
Ảnh: Tiền Phong, Internet