+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện cảm động về tình yêu vô bờ của người mẹ Nhật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ánh mắt ngây thơ của những trẻ em nghèo cách đây hơn 15 năm đã vô tình níu chân một người phụ nữ Nhật Bản.

    (ĐSPL) - Ánh mắt ngây thơ của những trẻ em nghèo cách đây hơn 15 năm đã vô tình níu chân một người phụ nữ Nhật Bản. Để rồi, suốt một thập kỷ qua, bà chọn cho riêng mình lẽ sống là dành tình thương với các “con” trên đất Việt.

    Ánh mắt níu giữ con tim

    Ngôi làng đặc biệt mà chúng tôi nhắc đến ở đây, chính là làng trẻ Hy Vọng (Village Hopes) ở TP.Đà Nẵng, một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khó khăn ở miền Trung, Việt Nam. Làng được tài trợ chủ yếu của Hội Phụ nữ Dân chủ (Femin) Nhật Bản và Tổ chức Đông Tây Hội ngộ (EMW) của Mỹ. Cái đặc biệt mà chúng tôi muốn nói đến ở đây không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất từ nước bạn mà nó còn đến từ tình cảm và những suy tư của chính những thành viên trong hội Femin, những người phụ nữ Nhật mà trẻ em nơi đây vẫn quen gọi là “mẹ”.

    Buổi sinh hoạt của bà Wantanabe Misato với các “con” mình ở làng Hy Vọng (áo trắng ở giữa).

    Họ là những phụ nữ mảnh khảnh nhưng nhân hậu và đầy nhiệt huyết, đã và đang thầm lặng vẽ nên những ước mơ trong chính ánh mắt những trẻ em bất hạnh nơi đây. Qua sự giúp đỡ của chị Lê Thị Thu Thảo, cán bộ phụ trách hội Femin ở Việt Nam, chúng tôi đã gặp được một trong số những bà mẹ đó. Bà là Wantanabe Misato (64 tuổi), người phụ nữ đã dành hơn 1/4 cuộc đời mình cho trẻ em Việt Nam. Với nụ cười tươi, kiểu trò chuyện hóm hỉnh, hình ảnh một người phụ nữ xứ sở hoa Anh đào đầy tình thương bắt đầu hiện ra trong đầu chúng tôi.

    Nói về cái duyên đến với làng Hy Vọng để trở thành “mẹ” của trăm con thơ, bà Wantanabe Misato không giấu sự lưu luyến: “Ánh mắt trẻ em Việt Nam thật đẹp. Đôi mắt hai mí to tròn ánh lên bao khát khao mãnh liệt. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được một chút gì đó nghẹn ngào, bất hạnh từ những đôi mắt ấy”. Vào năm 2000, khi ấy bà là một cô giáo ở đất nước mặt trời mọc, theo tour du lịch cùng hội Femin đến làng Hy Vọng. Hình ảnh những đứa trẻ cưỡi trâu tung tăng trên con dốc phía cuối làng trong một dịp bà đến với Trà Kiệu (tỉnh Quảng Nam) như hút hồn vị du khách Nhật thêm một lần nữa.

    Ít ai có thể nghĩ rằng chuyến đi ấy đã mang bà đến với Việt Nam, mang người mẹ Nhật đến với những trẻ em nơi đây. Chính trái tim nhân hậu của một người mẹ và ánh mắt khát khao tình thương của các em như đồng điệu với nhau. Sau khi quay về nước, bà xin trở lại Việt Nam để giúp đỡ cho những trẻ em này. Hơn 15 năm làm việc ở làng Hy Vọng, bà và những người mẹ trong hội Femin đã giúp đỡ, cưu mang mỗi năm cho hơn 120 trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật từ rất nhỏ đến 18 tuổi.

    Tính ra đến nay đã có hàng trăm em khôn lớn, rời làng lập nghiệp, nhiều em đang là du học sinh. Lần giở cuốn album chứa đầy những bức ảnh các em vui chơi, học tập ở làng Hy Vọng, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết tất cả đều do bà chụp. Sau những khoảnh khắc được ghi lại ấy, bà lại lặng nhìn rồi mỉm cười, hay những lúc xa các “con” mình, bà lại đưa ra xem, nụ cười, nước mắt xen lẫn trong bao tâm tư, suy nghĩ.

    Một điều thật đáng quý mà chúng tôi biết được từ những người con của bà, đó là việc một người mẹ Nhật giáo dục cho các con mình tình yêu quê hương Việt Nam. Với những em du học sinh, bà luôn khuyên nhủ quay về phục vụ đất nước. Bà chia sẻ: “Còn nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn trong đại gia đình, trong làng chúng ta. Các con hãy biết thấu hiểu để giúp đỡ các em nhỏ hơn mình”. Đền đáp cho tình cảm chân thành của người mẹ, những đứa con nơi mái ấm Hy Vọng luôn dành cho bà những tình cảm máu mủ nhất, dẫu rằng họ không chút ruột thịt, thân thích.

    Còn đó một nỗi niềm

    Nỗi niềm ấy chính là Wantanabe Misato mong mỏi cho các con sớm tự lập và chăm sóc được cho bản thân mình. Bởi theo như lời bà, hơn 1/3 các em trong làng Hy Vọng bị khiếm thính, khuyết tật. Với những đứa trẻ bình thường việc học nghề đã khó, ra nghề kiếm việc càng khó thì những em đặc biệt ở đây là cả một vấn đề. “Khi rời làng các con sẽ đi đâu?”, đó là trăn trở lớn nhất trong lòng người mẹ Nhật này.

    Năm 2006, bà cùng các mẹ Nhật khác trong hội thành lập chương trình Hỗ trợ giáo dục giúp đỡ các em rời làng Hy Vọng, tiếp tục theo học cao đẳng, đại học; dạy nghề cho các em khuyết tật. Đào tạo nghề với mong muốn các con có công việc nhưng rồi thực tế khả năng học hỏi và làm nghề của các em lại không đảm bảo được nhu cầu xã hội. Sau nhiều lần tìm hiểu thấy các con khó lòng hòa nhập, tìm được công việc ở ngoài, bà lại canh cánh băn khoăn. “Điều mà chúng tôi hướng đến là sự tự lập cho các em, khi đủ sức, các em sẽ vào đời”, bà cho biết.

    Chưa dừng lại ở đó, với những em khuyết tật, khiếm thính không có cơ hội học lên tiếp, bà Wantanabe Misato tìm cách cho các em học nghề. Tháng 2/2011, bà cùng các mẹ trong hội Femin mở quán cà phê mang tên Sakura Friends Café (Đà Nẵng). Ý nghĩa của nó không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa Việt – Nhật mà còn là nơi tạo công ăn việc làm cho 10 em lớn lên từ làng Hy Vọng. Tại đây, các em được học thêm tiếng Nhật và làm việc trang trải cho cuộc sống của mình.

    Hai năm sau, vào năm 2013, với ý nghĩa cao đẹp nâng cao tình hảo hữu giữa hai nước Việt – Nhật, ngoài việc mở quán cà phê, bà Wantanabe Misato còn chủ trương mở xưởng may ART Sakura để tạo điều kiện cho các con có nơi làm việc. Xưởng may do bà Wantanabe quản lý hiện đang tạo việc làm cho 7 bạn trẻ chủ yếu mồ côi, khiếm thính sau khi rời làng Hy Vọng. Bà chia sẻ: “Chẳng gì hơn ngoài việc mong các em tự làm, tự lo cho mình. Tương lai mô hình xưởng may ART Sakura sẽ còn được mở rộng và giúp đỡ nhiều em hơn nữa”.

    Trong xưởng may ART Sakura, có bốn em bị khiếm thính và hai em mồ côi từ nhỏ, lớn tuổi nhất là chị Hồ Thị Hiền. Trải qua một tuổi thơ dữ dội không cha mẹ, Hiền đã may mắn gặp được bà Wantanabe Misato. Sau khi rời làng Hy Vọng, Hiền được bà đem về xưởng may ART Sakura làm việc. Thấu hiểu được những khó khăn và sự vươn lên của cô gái nhỏ nhắn, một chàng trai tốt bụng đã cưới Hiền về làm vợ. Với công việc tại xưởng may cùng hạnh phúc bên chồng và hai người con ngoan, Hiền nghẹn ngào: “Chẳng bao giờ mình dám mơ có một cuộc sống đủ đầy như bây giờ. Cuộc sống không khá giả nhưng mình luôn có chồng, con bên cạnh. Tất cả những điều đó đều nhờ mẹ Misato”.

    Bà Wantanabe Misato giúp đỡ các em khiếm thính trong xưởng may ART Sakura.

    Bấy nhiêu năm gắn bó với làng Hy Vọng, là bấy nhiêu lần bà chứng kiến những kỷ niệm buồn vui nơi đây. Nguyễn Văn Mạnh, một trẻ câm điếc quyết tâm học chữ, học nghề để vươn lên đã để lại trong bà nhiều xúc cảm mãnh liệt. Bà kể, ngày Mạnh đọc hiểu được con chữ, nhìn thấy nụ cười, ánh mắt khát khao ấy, bà đã bật khóc. Nước mắt của người mẹ thương yêu đứa con bất hạnh của mình. “Tôi muốn được giúp nhiều em hơn, muốn trẻ em Việt Nam được sống thật hạnh phúc, cũng như mong các tổ chức, cộng đồng quan tâm đến thế hệ trẻ thật nhiều. Hãy nhìn vào ánh mắt trẻ thơ để hiểu các em”, bà mỉm cười chia sẻ.

    Người mẹ của hàng trăm đứa trẻ

    Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc trung tâm Nuôi dạy trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ khiếm thính (làng Hy Vọng) cho biết: “Không chỉ tài trợ, giúp đỡ cho các trẻ em ở trung tâm bà Wantanabe Misato còn dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho các em. Chúng tôi trân trọng sự quan tâm giúp đỡ đó của bà và hội Femin. Có thể nói đó là một người mẹ lớn của trẻ em làng Hy Vọng”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-cam-dong-ve-tinh-yeu-vo-bo-cua-nguoi-me-nhat-a86649.html
    Chồng nén nỗi đau mất con để vợ được sống trong hy vọng

    Chồng nén nỗi đau mất con để vợ được sống trong hy vọng

    (ĐSPL) - Cho đến bây giờ, anh Hồ Sở M. vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của đứa con mới chào đời tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Anh cho rằng, chỉ vì sự vô trách nhiệm của các bác sỹ mà con anh đã chết oan và muốn làm sáng tỏ vụ việc.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chồng nén nỗi đau mất con để vợ được sống trong hy vọng

    Chồng nén nỗi đau mất con để vợ được sống trong hy vọng

    (ĐSPL) - Cho đến bây giờ, anh Hồ Sở M. vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của đứa con mới chào đời tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Anh cho rằng, chỉ vì sự vô trách nhiệm của các bác sỹ mà con anh đã chết oan và muốn làm sáng tỏ vụ việc.

    Tia hy vọng của cháu bé bị gã tâm thần đánh vỡ sọ não

    Tia hy vọng của cháu bé bị gã tâm thần đánh vỡ sọ não

    Tình trạng của cháu bây giờ chẳng khác gì người sống thực vật. Ngoài việc nhăn mặt khi tiêm, cười khi bố mẹ gọi, bé hầu như không biết gì, nằm bất động một chỗ", nỗi buồn bao trùm khuôn mặt ông bố, người ròng rã theo con suốt 14 tháng qua trải lòng.