(ĐSPL) – Dù đã cất kĩ thẻ ở nhà và cạo sạch 3 số cuối, không thanh toán hay mua sắm gì online qua mạng, tuy nhiên anh Tùng D. lại phát hiện số tiền trong thẻ visa debit của mình bị mất một cách bất thường.
Vừa qua, Báo Đời sống & Pháp luận nhận được phản ánh của anh Nguyễn Tùng D. (20 tuổi, trú tại Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định) về việc mình bị mất tiền một cách bất thường khi để trong thẻ visa của ngân hàng Á châu ACB chi nhánh Nam Định (67 Lê Hồng Phong, Tp Nam Định).
Theo đó, từ đầu tháng 7/2015, anh Tùng D. làm thẻ visa debit tại ngân hàng ACB chi nhánh Nam Định để nhận tiền từ Paypal (công ty hoạt động trong lãnh vực thương mại điện tử chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet).
Quá trình sử dụng, tới tháng 9/2015, anh Tùng D. đã tích lũy được 49 triệu trong tài khoản ACB. Số tiền này anh để dành cuối năm mua xe máy nên đã cất kĩ thẻ ở nhà cạo sạch 3 số cuối, không thanh toán hay mua sắm gì qua mạng.
“Vào 21h30 tối 30/9, tôi nhận được cuộc gọi từ phía nhân viên ACB chi nhánh Nam Định rằng tôi có những giao dịch lạ liên tục mua hàng bên nước ngoài là 240 bảng Anh. Tôi mất sạch 48 triệu trong tài khoản,chỉ còn dư 1 triệu. Bên ngân hàng ACB sau đó có động thái khóa tạm thời thẻ của tôi”. – Anh Tùng D. cho biết.
Sáng 1/10, anh Tùng D. tới ngân hàng tìm hiểu tình hình và được biết số tiền trong thẻ vẫn đang trong trạng thái chờ. Tùng D. muốn khiếu nại luôn những giao dịch này nhưng nhân viên ngân hàng nói rằng: “Chờ giao dịch thành công tiền mất hết mới được khiếu nại”.
“Ngân hàng ACB nói sẽ tìm nguyên nhân để xử lí, họ luôn đổ lỗi cho tôi là do tôi bảo mật thông tin kém làm lộ thông tin cá nhân trên mạng. Tôi quá hiểu khi làm thẻ visa debit này nên từ đầu tôi đã để cất kĩ trong nhà và xóa 3 số mã thẻ , nhưng họ luôn đổ lỗi cho tôi” – anh Tùng D. bức xúc cho biết.
Kiểm tra bản sao kê ngân hàng cung cấp, anh Tùng D. phát hiện nhiều giao dịch bất thường. Theo đó, kẻ chiếm dụng thẻ đã mua itunes gift card từ web 247moneybox bên London (Anh) và kèm theo nhiều thanh toán Uber taxi.
Mỗi một giao dịch bất thường thành công, phía ngân hàng mới cho anh Tùng D. viết khiếu nại, khi mất hết tiền rồi viết khiếu nại chờ xử lí.
Cho tới nay, trong tài khoản visa của anh Tùng D. còn 18 triệu trong trạng thái chờ, tuy nhiên phía ngân hàng vẫn không cho anh D. khiếu nại.
Trả lời PV Báo Đời sống & Pháp luật, ông Đặng Văn Quân – Giám đốc ngân hàng Á châu ACB chi nhánh Nam Định cho biết: Trong 2 ngày 29 và 30/9, phía ngân hàng nhận được nhiều giao dịch đáng ngờ trong thẻ nên đã gọi điện cảnh báo cho chủ thẻ.
Vì các lệnh thanh toán tiền này được thực hiện toàn bộ ở ngân hàng bên Anh, khi họ thông tin về yêu cầu trả tiền thì ngân hàng ACB bắt buộc phải trả vì đây là luật pháp quốc tế.
“Ngay hôm 1/10, phía ngân hàng đã có động thái phong tỏa số tiền còn lại trong thẻ. Khi đó bên ngân hàng nước ngoài đòi tiền từ phía ngân hàng. Họ cung cấp những chứng từ hợp lý nên chúng tôi phải chuyển tiền cho họ” - ông Quân cho hay.
Cũng theo ông Quân, trong trường hợp khách hàng thực hiện những giao dịch như vậy thật thì phía ngân hàng hoàn toàn không có trách nhiệm. Trường hợp thứ hai, nếu khách hàng bảo mật thông tin tài khoản kém, khiến người khác lấy được thông tin và thực hiện giao dịch thì đó là lỗi của khách hàng.
“Trường hợp thứ 3 có thể là do hacker? Đây là vấn đề không phải một sớm một chiều. Chúng tôi cần thời gian kiểm chứng xem vấn đề này có phải là do hacker hay không. Nếu đúng là do hacker thì phía ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm” – ông Quân cho biết.
Cũng theo ông Quân, việc kiểm chứng các lệnh thanh toán sẽ được ngân hàng thực hiện trong quá trình 105 ngày
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Khôi Nguyên
[mecloud]duy55Nr8Hk[/mecloud]