+Aa-
    Zalo

    "Cấp phép cho Quốc ca" bị dư luận phản ứng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiến pháp 2013 quy định Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca. Tuy nhiên mới đây, Cục nghệ thuật biểu diễn lại cấp phép cho Quốc

    Hiến pháp 2013 quy định Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca. Tuy nhiên mới đây, Cục nghệ thuật biểu diễn lại cấp phép cho Quốc ca. Điều này khiến dư luận phản ứng.

    Cấp phép cho Quốc ca gây "cười ra nước mắt"

    Trong văn bản số 278/GP-NTBD của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch), hơn 300 ca khúc được cấp phép phổ biến rộng rãi. Trong số đó có rất nhiều ca khúc nhạc cách mạng, ca khúc nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, có ca khúc Tiến Quân ca (Quốc ca) của cố nhạc sĩ Văn Cao.

    Chia sẻ với VnExpress, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, ông không hiểu việc cấp phép này là như thế nào, vì bản chất của việc cấp phép là để một ca khúc nào đó được biểu diễn, bảo đảm tính chính trị, không lưu hành những tác phẩm đồi trụy, độc hại hoặc để bảo đảm bản quyền.

    "Tiến quân ca là tài sản quốc gia. Khoản 3 điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ quốc ca của Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca. Vậy thì còn cần phải cấp phép nữa hay sao?", ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.

    Ông Nhưỡng cũng cho rằng, Cục nghệ thuật biểu diễn phải trả lời câu hỏi "tại sao Hiến pháp đã quy định rồi lại còn phải cấp phép? Việc cấp phép này nhằm mục đích gì?".

    "Ai cho ông quyền cấp phép cái này? Quốc hội, Chính phủ có cho cấp phép không? Đây là tài sản quốc gia được công nhận. Đây là vi phạm pháp luật chứ không còn là lạm quyền nữa", ông Nhưỡng nói.

    ĐB Dương Trung Quốc: Cấp phép bài Quốc ca là không cần thiết. Ảnh: Báo Vietnamnet

    Trong khi đó, theo báo Vietnamnet, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều ngày 22/5, Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, việc cấp phép cho bài Tiến quân ca là không cần thiết. Theo ông Quốc, cái cần nhất là xử lý những di sản có tính lịch sử phải giải quyết còn như các bài ca cách mạng, hát từ bao lâu nay rồi thì không cần phải can thiệp. Chức năng của Cục đúng là kiểm soát các hoạt động có tính chất kinh doanh hoặc công cộng nhưng không phải cấp phép là cách duy nhất.

    "Bộ VH-TT&DL cần xác định lại cho rõ chức năng của Cục Nghệ thuật biểu diễn là gì. Việc cấp phép này cũng rất vất vả cho cả người làm cũng như người khác nữa. Tức là làm phiền lẫn nhau", ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

    Trước đó, trong bài viết "Cấp phép Tiến quân ca, Cục Nghệ thuật biểu diễn sinh ra để làm gì" của báo VOV, nhà văn Nguyễn Văn Cao cho rằng, Tiến quân ca là Quốc ca của đất nước, đã được Quốc hội phê chuẩn, vì thế cái văn bản của Cục bống trở thành trò cười của nhiều người.

    Theo ông Cao, trước sự việc, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, Cục Nghệ thuật biểu diễn có lạm quyền không? Hà cớ gì nhiều bài hát bấy nay được nhân dân hát, những đoàn ca nhạc chính thống hát, thì nay Cục cấp giấy phép. Nhưng vấn đề chính không phải chỉ ở Cục Nghệ thuật biểu diễn làm cái việc vô duyên gây cười ra nước mắt kia, cái chính là ai đã quy định cho Cục cái chức năng nhiệm vụ này?

    Ông Cao cho rằng, một tác phẩm nghệ thuật sinh ra từ xưa tới nay và ở tất cả các nước đâu cần giấy phép của ai đó. Ví như các tác phẩm văn học, khi được tạo ra chả cần một Cục nào cấp giấy phép duyệt trước nó cả. Nó được in báo truyền bá ra bạn đọc. Các họa sỹ vẽ tranh và các nhà thơ viết thơ đều như thế!

    Yêu cầu chấn chỉnh Cục Nghệ thuật biểu diễn

    Trước những lùm xùm xung quanh vụ việc, chia sẻ trên Vietnamnet, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết, gia đình ông không quan tâm tới việc Cục có quyết định cấp phép hay phổ biến rộng rãi Tiến quân ca hay không bởi ca khúc này đã được gia đình hiến tặng cho Nhà nước.

    "Tôi chẳng có gì là bất ngờ về việc này. Từ đầu năm tới giờ, Cục đã làm rất nhiều việc khiến người dân bất bình. Gia đình tôi không quan tâm tới việc này nữa, hãy để nhân dân lên tiếng. Tác phẩm của Văn Cao bao nhiêu năm nay người ta vẫn hát, giờ lại đi phổ biến với cấp phép, xong lại còn viết sai tên. Nói chung tôi chán lắm", nhà thơ, họa sĩ Văn Thao chia sẻ.

    Liên quan đến vụ việc, vào ngày 22/5 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26/4/2017, cụ thể như sau:

    Rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

    Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

    Tiến quân ca ra đời tháng 10/1944 khi tác giả Văn Cao mới 21 tuổi.

    Ngày 16-17/8/1945 tại Đại hội quốc dân đồng bào Tân Trào, Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.

    Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 1 (tháng 3/1946), Tiến quân ca chính thức được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được ghi vào Điều 3 của Hiến pháp năm 1946.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cap-phep-cho-quoc-ca-bi-du-luan-phan-ung-a191056.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan