(ĐSPL) - Tình huống pháp luật: Cảnh sát giao thông không đeo thẻ xanh dừng xe thì có đúng với hiệu lệnh nghành không?. Nếu như muốn phản ánh thì có thể gửi đến cơ quan nào?
Xử phạt vi phạm giao thông: Tôi có một thắc mắc muốn quý báo giải thích giúp: Ngày 28/4/2014, tôi có di chuyển bằng xe máy qua ngã tư chân cầu Niệm, quân Lê Chân, Hải Phòng. Tôi bị chụp hình về lỗi sai làn đường, có hai đồng chí cảnh sát giao thông ra dừng phương tiện nhưng đều không đeo thẻ xanh.
Vậy, cho tôi hỏi: Việc các đồng chí cảnh sát giao thông không đeo thẻ xanh dừng xe tôi như vậy có đúng với hiệu lệnh nghành không?. Toàn bộ sự việc tôi có quay lại video, nếu như muốn phản ánh thì có thể gửi đi đâu?
Cảm ơn quý báo!
|
Cảnh sát giao thông không đeo thẻ xanh có được dừng xe xử lý người vi phạm? |
Tư vấn cho bạn như sau:
Từ ngày 1/1/2013, người tham gia giao thông trên đường luôn trong tình trạng cảnh giác, tò mò về việc Cảnh sát giao thông (CSGT) phải đeo thẻ xanh mới được xử lý vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những cán bộ chiến sỹ không đeo thẻ nhưng vẫn xử phạt như lực lượng 141.
Không phải tất cả đều phải đeo thẻ xanh
Thẻ xanh chỉ riêng lực lượng cảnh sát giao thông có và chỉ dùng ở ngoài đường khi thực hiện tuần tra, kiểm soát. Chiếc thẻ này không có gì lạ lẫm nó cũng giống như việc các cán bộ khi làm việc tại văn phòng thì phải đeo thẻ ngành mà thôi.
Điểm khác biệt mà dư luận quan tâm, trên thẻ có ảnh và chức danh của cán bộ đó, điều này sẽ giúp người dân có thể yên tâm nếu bị xử phạt vì có thể kiểm tra người trên ảnh và thực tế là một; hoặc có thể phản hồi tới cơ quan chức năng nếu cán bộ đó hành xử chưa đúng quy định ngành.
Thông tư 45 quy định thêm về biển hiệu, giấy chứng nhận tuần tra kiểm soát. Những cảnh sát đã qua tập huấn, sát hạch được cấp thẻ xanh mới được bố trí tuần tra kiểm soát và xử lý phương tiện vi phạm trên đường.
Còn những chiến sĩ chưa được cấp thẻ, sẽ thực hiện theo điều 4 của Thông tư 28 trước đó, khi chốt trực và chỉ huy giao thông tại các ngã tư, nếu phát hiện vi phạm vẫn có quyền được dừng xe, nhưng việc xử lý vi phạm được giao cho cấp trên.
Mặt khác, căn cứ theo quy định của pháp luật về giao thông, cần phân biệt thẩm quyền xử lý vi phạm và điều kiện tuần tra. Theo Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA ban hành ngày 27/7/2012 quy định về biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thì: Trách nhiệm của cán bộ trong quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận là phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu; Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.
Quy định về việc phải đeo biển hiệu khi tuần tra là phù hợp với các quy định trước đây về trang phục của CSGT. Tuy nhiên, quy định này chỉ nhắm đến việc quy định hình thức, trang phục của CSGT chứ không quy định về thẩm quyền hay điều kiện xử phạt hành vi vi phạm giao thông.
Thông tư 45 đã có hiệu lực từ ngày 12/9/2012, nhưng đến ngày 01/01/2013 thì mẫu Giấy chứng nhận CS tuần tra đã cấp trước đây mới hết hiệu lực.
Mặt khác theo Thông tư 65/2012/TT-BCA (ban hành ngày 30/10/2012 và có hiệu lực từ ngày 22/12/2012) thì điều kiện tham gia tuần tra giao thông của CSGT là đã được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2013 chỉ những CSGT đã được cấp giấy chứng nhận theo mẫu mới mới được tham gia tuần tra đường bộ. Điều này giống với việc người dân bình thường muốn điều khiển xe máy lưu thông trên đường thì phải được cấp giấy phép lái xe.
Không đeo thẻ xanh có được xử lý vi phạm?
Biển hiệu (theo cách nói thông thường là thẻ xanh) là quy định về hình thức đồng phục của CSGT khi tham gia tuần tra. Chính vì vậy, nếu vi phạm quy định về hình thức này, CSGT sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.
Theo Khoản 3, Điều 9 Thông tư 65 thì khi tuần tra phải sử dụng trang phục đúng theo quy định của Bộ Công an, nhưng lại không quy định về hình thức xử lý trong trường hợp CSGT không đeo thẻ; như vậy không có cơ sở để cho rằng nếu CSGT không đeo thẻ thì không được quyền dừng xe người tham gia giao thông để kiểm tra.
Về nguyên tắc, việc xử phạt hành chính chỉ phải tuân thủ 2 điều kiện: thẩm quyền và thủ tục.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là việc vi phạm về hình thức trang phục của CSGT không thể làm ảnh hưởng tới thẩm quyền xử lý vi phạm của họ trừ khi có văn bản quy định khác. Do đó, chỉ cần tiến hành theo đúng thủ tục thì việc xử lý vi phạm của CSGT sẽ được coi là hợp pháp.
Vì vậy, người tham gia giao thông vẫn có nghĩa vụ phải hợp tác với CSGT nếu được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Nếu người dân phát hiện những trường hợp CSGT vi phạm, không có thẻ mà vẫn dừng xe xử lý thì có thể phản ảnh tới nơi cán bộ đó công tác hoặc báo công an địa phương để xử lý.
CSGT bàn giao 100 triệu đồng cho người đánh mất
Luật Gia: Đồng Xuân Thuận
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-sat-giao-thong-khong-deo-the-xanh-co-duoc-dung-xe-xu-ly-nguoi-vi-pham-a93248.html