(ĐSPL) - Việc tuần tra, kiểm soát công khai không được thực hiện tùy tiện, CSGT không thể tự quyết định mà phải tuân theo những điều kiện của quy định pháp luật.
Hỏi: Nhiều người dân đã rất băn khoăn về việc bị cảnh sát giao thông xử phạt tại các điểm trực của cảnh sát giao thông. Tôi xin hỏi cảnh sát giao thông có quyền lập chốt ở đâu, việc lập chốt cần tuân theo quy định gì?
Ảnh minh họa |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Quyền lập chốt của Cảnh sát giao thông
Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giáo thông đường bộ của cảnh sát giao thông có quyền thực hiện việc tuần tra, kiểm soát công khai: Phương thức tuần tra, kiểm soát công khai:
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;
b) Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông;
c) Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông;
d) Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.
Việc tuần tra, kiểm soát công khai trên đường cao tốc được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điểm a, Điểm c, Điểm d Khoản này.
Như vậy, theo Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giáo thông đường bộ của cảnh sát giao thông có quyền thực hiện việc tuần tra, kiểm soát công khai thì việc thực hiện tuần tra và kiểm soát công khai là một nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát giao thông được pháp luật quy định.
Nguyên tắc cần tuân thủ khi lập chốt kiểm tra
Tuy nhiên việc tuần tra, kiểm soát công khai không được thực hiện tùy tiện, cảnh sát giao thông không thể tự mình quyết định mà phải tuân theo những điều kiện của quy định pháp luật như sau:
Tuần tra, kiểm soát công khai phải có kế hoạch được Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt.
Kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, địa điểm thực hiện tuần tra, kiểm soát.
Theo quy định trên các kế hoạch tuần tra đều phải được người có thẩm quyền phê duyệt đồng thời kế hoạch đó phải xác định về địa điểm, thời gian và tuyến đường được phép tuần tra, kiểm tra. Các đồng chí cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ phải tuân theo các thủ tục theo quy định pháp luật.
Đồng thời khi tuần tra, kiểm soát công khai phải thực hiện các quy định sau đây:
– Sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an;
– Sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn được phân công;
– Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Vậy theo quy định pháp luật việc tuần tra, kiểm soát công khai phải thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng thời gian và địa điểm mà kế hoạch định sẵn không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai. Khi thực hiện nhiệm vụ các đồng chí cảnh sát giao thông cần thực hiện theo đúng quy định về trang phục và các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ.
Những hành vi bị nghiêm cấm:
1. Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
3. Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.
4. Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
5. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này.
6. Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
7. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.
8. Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
9. Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
10. Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
11. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
12. Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]HCB4Ww7sGt[/mecloud]