(ĐSPL) - Như báo Đời sống và Pháp luật đã phản ánh, Đại tá Lê Văn Nghiêm (Trưởng Công an TP.Thanh Hóa) đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác để tiến hành kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật đối với Thiếu úy Hoàng Mạnh Trung (cán bộ đội CSGT Công an TP.Thanh Hóa) về hành vi dùng súng bắn đạn cao su vào người vi phạm giao thông, gây bức xúc dư luận.
Sau đó, trả lời trên báo chí, Đại tá Lê Trung Hiếu (Trưởng phòng Tham mưu kiêm phát ngôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, Ban giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đang cân nhắc lại chủ trương cho phép lực lượng CSGT và cảnh sát trật tự hóa trang (mặc thường phục) khi làm nhiệm vụ…”. Quan điểm này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, bởi thực tế, thời gian qua, lực lượng CSGT cả nước đã hóa trang mặc thường phục trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả, nhưng cũng để lại nhiều câu chuyện cần suy ngẫm.
Lực lượng CSGT hóa trang để làm nhiệm vụ. |
Điều đáng nói là, cũng trong thời gian gần đây, số vụ giả danh cảnh sát của các đối tượng xấu bị phát hiện nhiều, khiến dư luận hoang mang. Vì thế, có ý kiến nghi ngại xung quanh việc cho CSGT hóa trang mặc thường phục khi thi hành nhiệm vụ(!?).
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Đại tá Lưu Thiện Minh (Trưởng phòng CSGT – PC67 Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Việc CSGT hóa trang mặc thường phục để thi hành nhiệm vụ đã được Công an tỉnh Thanh Hóa triển khai từ lâu. Thực tế, khi tổ công tác nhận nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, bao giờ cũng có nhóm mặc cảnh phục, thực hiện đúng quy trình công tác; nhóm còn lại mặc thường phục để phát hiện vi phạm, sau đó báo cho nhóm mặc cảnh phục để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định”.
Anh Phạm Dũng, một lái xe khách tuyến Thanh Hóa – Giáp Bát tâm sự: “Nhiều lúc, khách ngoài bến vẫy xe nhưng lái xe vẫn không dám dừng. Nhiều hôm, vì không nhìn thấy cảnh sát đứng ngoài đường nên tôi cũng liều dừng xe bắt khách lên nhưng đi một đoạn là gặp cảnh sát đứng phía dưới chặn. Hóa ra có CSGT mặc thường phục phía trên báo đàm lên…”. Anh Hoàng Anh Diệp (SN 1989, quê tỉnh Nam Định), người đã từng gặp tình huống bị lực lượng CSGT mặc thường phục yêu cầu dừng xe khi vi phạm giao thông kể với PV: “Hôm đó, tôi chở bạn gái đi chơi nhưng quên không mang theo mũ bảo hiểm. Nhìn thấy lực lượng 141 phía trước nên tôi quay đầu xe lại để tránh. Không ngờ vừa quay đầu xe thì có hai anh thanh niên ra chặn đầu xe lại mời tôi xuống xe. Sau khi hai người này chào và xuất trình thẻ ngành, tôi mới biết họ là cảnh sát nhưng mặc thường phục. Sau đó, họ đã báo đàm lên chốt phía trên và có hai CSGT mặc cảnh phục ra đưa xe của tôi về chốt để xử lý. Bây giờ tôi quen nên cứ thấy chốt 141 là đi cẩn thận thôi, chứ không dám quay đầu xe bỏ chạy nữa”. Thiếu úy Trịnh Mạnh Hoàng (đội CSGT số 14 , PC67 Công an TP.Hà Nội) chia sẻ: “Trong quá trình công tác, chúng tôi cũng đã gặp một số trường hợp khó khăn trong quá trình mặc thường phục. Khi mình chặn xe vi phạm người ta không biết mình là CSGT nên mình phải giới thiệu cơ quan công tác và xuất trình thẻ ngành. Nhưng cũng có trường hợp, mình đã giới thiệu người ta vẫn cố tình không quan tâm và dùng những lời lẽ lăng mạ. Cái khó khăn của việc đi làm ngoài đường mà hóa trang, mặc thường phục chính là vấn đề an toàn của cán bộ chiến sỹ CSGT”. |
Cũng theo Đại tá Lưu Thiện Minh, khi tiến hành mặc thường phục, CSGT đã đạt nhiều hiệu quả, bởi khi cảnh sát mặc thường phục, người vi phạm giao thông không phát hiện thấy, qua đó sẽ không chạy trốn, CSGT dễ dàng xử lý. Hơn nữa, điều này cũng góp phần hạn chế tai nạn giao thông cho những người vi phạm giao thông… Đại tá Minh nhấn mạnh rằng, CSGT hóa trang chỉ thực hiện việc thông báo vi phạm cho nhóm CSGT mặc cảnh phục xử lý, chứ không được phép dừng xe xử lý vi phạm. Điều này cũng là để tránh việc các đối tượng tội phạm lợi dụng để làm việc xấu. “Người dân nên nắm rõ quy định này, để nếu thấy người mặc thường phục mà dừng xe kiểm tra vi phạm thì báo cho cơ quan chức năng…”, Đại tá Minh nói.
Đại tá Lưu Thiện Minh (Trưởng phòng CSGT – PC67 Công an tỉnh Thanh Hóa). |
Xung quanh vấn đề nên hay không nên cho CSGT hóa trang để thực hiện nhiệm vụ, PV báo Đời sống pháp luật đã ghi nhận nhiều ý kiến đa chiều. Tại chốt Nguyễn Khang – Cầu Giấy (Hà Nội), khi được hỏi về những tình huống mà bắt buộc lực lượng CSGT phải hóa trang, Thiếu tá Phạm Anh Tuấn (Tổ trưởng tổ công tác Y8/141) đã đưa ra tình huống cụ thể: “Có những xe chạy kiểu rùa bò, bắt khách dọc đường, chúng tôi không hóa trang, cầm bộ đàm thì lái xe sẽ chối ngay và lấy gì ra để chứng minh rằng họ vừa bắt một người khách lên xe? Ví dụ, chúng tôi đang làm nhiệm vụ ở đây nhưng có hai CSGT hóa trang mặc thường phục ở phía đầu đường báo đàm lên: “Xe khách biển kiểm soát xxx, đặc điểm như thế này… đón hai khách nữ mặc áo màu trắng lên xe”, thế là chúng tôi chỉ việc dừng xe, kiểm tra và xử lý vi phạm. Không nhìn thấy lực lượng cảnh sát, họ đi như rùa bò, bắt khách và chúng tôi phải có lực lượng hóa trang báo đàm như thế thì mới phát hiện và xử lý được. Chúng tôi hóa trang để người vi phạm giao thông không phát hiện ra, nhưng họ vẫn bị xử lý, dần dần hình thành ý thức chấp hành luật giao thông, ngay cả khi không có lực lượng CSGT chốt trực… ”.
Đóng góp ý kiến về vụ việc một Thiếu úy Công an TP.Thanh Hóa bắn đạn cao su vào người vi phạm giao thông, anh Tuấn cho biết: “Nếu đang thi hành công vụ mà được phép hóa trang trong công việc mình đang làm là hoàn toàn đúng. Khi công an đã làm đúng quy trình là chào, giới thiệu cơ quan công tác, xuất trình thẻ mà người vi phạm vẫn cố tình chống đối thì buộc CSGT phải khống chế. Tuy nhiên, trong trường hợp cảnh sát bị người vi phạm chống đối thì anh phải dùng công cụ hỗ trợ tương ứng để khống chế. Ví dụ, khi người vi phạm giao thông chống đối, dùng dao chém thẳng vào người khác, trong tình thế cấp thiết, cảnh sát phải nổ súng...
Cũng theo Thiếu tá Phạm Anh Tuấn: “Mật phục, hóa trang, là một trong những nghiệp vụ rất có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm của CSGT. Nếu bắn tốc độ mà cầm một cái máy ba chân ra đứng giữa đường thì thà làm một cái biển: “Chú ý đi đúng tốc độ” đặt ở đó có lẽ hợp lý hơn. Đây không phải là bẫy người vi phạm mà mình xử lý làm sao để người dân hiểu rằng, bất kể đường nào, có công an hay không người ta vẫn phải đi đúng tốc độ và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Yếu tố hóa trang ở đây là yếu tố bất ngờ, để người ta biết rằng, không phải là công an chỉ làm ở đây mà còn làm ở những chỗ khác nữa, do vậy khi chạy trên khu vực này, người ta phải đảm bảo tốc độ”.
CSGT được phép mặc thường phục làm nhiệm vụ trong trường hợp nào?
Tại khoản 1, Điều 5 của Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của bộ Công an, đã quy định CSGT được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát... CSGT được phép mặc thường phục khi làm nhiệm vụ trong trường hợp để: Bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT; phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp. Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng về TTATGT nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của cá nhân, thì được sử dụng giấy chứng minh CAND để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm... Như vậy, nhằm ngăn chặn, phòng chống tội phạm, kiểm soát tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông nên cảnh sát giao thông mặc thường phục có quyền dừng xe để kiểm tra hành chính đối với những đối tượng nghi vấn. Luật sư Đỗ Toàn Thắng – Công ty luật An Dân – Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời. |
HOÀNG KIM THƯỢC
Xem thêm clip: Bốn CSGT cưỡng chế thanh niên mang ma túy ở Hà Nội