Chứng kiến cảnh hàng trăm chiến sĩ cảnh sát cơ động phờ phạc, mồ hôi ướt đầm áo, đôi chân như cạn sức, uống từng ngụm nước trong tiếng thở lớn sau khi đã giải tán được đám đông quá khích khiến nhiều người thương cảm.
Nghề công an đâu có cao sang
Nghề nào cũng cao quý, đáng trân trọng, cũng có những niềm vui và nỗi buồn, có những nụ cười và cả những giọt nước mắt. Một ngày, khi chúng ta bước chân ra đường có thể bắt gặp một người bán hàng rong đang rảo bước giữa trời nắng chang chang, cũng có thể trông thấy một bác xe ôm đang ngồi dài đợi khách, một cô lao công đang cặm cụi quét rác… họ làm việc miệt mài, hăng say và ai cũng nghĩ rằng những công việc nặng nhọc đó sẽ cướp đi những giây phút vui vẻ, hạnh phúc của họ. Nhưng ở một phút giây nào đó, chúng ta lại bắt gặp một người bán hàng rong đang nở nụ cười với khách, bác xe ôm đang vui vẻ chở khách trên đường, hay cô lao công hết giờ làm có thể về nhà nghỉ ngơi, hạnh phúc bên chồng con…
Thế nhưng, liệu có khi nào bạn bắt gặp hình ảnh người chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ trên đường rồi dành cho họ những ánh nhìn cảm thương? Hay bạn nghĩ rằng họ thật sung sướng vì không phải lam lũ, không phải làm những công việc nặng nhọc như bác lao công, như chàng cơ khí, như cô bán hàng rong, nghĩ rằng làm công an thật oai vệ, ngày ngày ngồi mát trong chốt, hay tối đến lái xe lượn lờ khắp các tuyến phố…
Các chiến sĩ công an được đào tạo nghiệp vụ chuyên nghiệp. |
Với tôi, hình ảnh người chiến sĩ công an thật khác lạ. Đó là những người anh, người chú, người bác đen sạm vì giữa trời nắng như đổ lửa vẫn hiên ngang đứng phân luồng giao thông, quần áo nhàu bẩn vì cả ngày vật lộn ngoài đường, cơ thể hôi rích vì những giọt mồ hôi, là những người không quản nắng mưa, không ngại hiểm nguy, nơi nào có ‘bão tố’ nơi đó có các anh.
Những người chiến sĩ công an chẳng an nhàn như ta vẫn tưởng. Những ngày giáp Tết, trong khi mọi người đi mua sắm, chuẩn bị đón Tết, ngược xuôi về quê với gia đình thì trên các tuyến đường, cảnh sát giao thông căng mình điều tiết, thông xe. Có những ca trực vượt quá giờ, nhưng vì phương tiện giao thông lưu thông trên đường quá phức tạp, các chiến sĩ cảnh sát giao thông thà chịu thêm vất vả, điều tiết thông xe chứ không bỏ chốt ra về – hết giờ chứ không hết việc.
Người nhìn thấy công lao chiến sĩ thì cảm kích hết mình. Còn người chưa nhìn thấy, chưa hiểu những vất vả, chiến sĩ đã hy sinh như thế nào để đem bình yên đến với nhà nhà; rồi nhìn vào con số những người nhập viện trong dịp Tết liền vội đổ trách nhiệm cho ngành Công an. Làm công an không khác gì làm dâu trăm họ – Nếu may mắn được dân hiểu, dân thương thì đó là niềm động viên, an ủi; còn nếu như ai đó chưa hiểu thì cán bộ, chiến sĩ cũng không oán trách, mà chỉ biết cười xòa cho qua!
Với những ai chọn cho mình nghề công an, khoác trên vai chiếc áo, quân hàm chiến sĩ có nghĩa là không ngại hiểm nguy, không được than khó trong mọi hoàn cảnh.
Lấy thân mình bảo vệ cơ quan, thà bị thương chứ không “làm dân đau”
Gần đây nhất, sự việc nhiều người vì quá khích tràn vào trụ sở cảnh sát ở Bình Thuận gây rối được các chiến sĩ cảnh sát cơ động can ngăn khiến ai nấy đều tỏ ra cảm phục.
Giữa một biển người nhao nhao ‘tấn công’ chính quyền nếu không có bóng dáng người chiến sĩ cảnh sát cơ động có lẽ sự việc sẽ đi quá xa.
Cảnh sát cơ động dùng nghiệp vụ để giải tán được đám đông người quá khích nhưng cố gắng không gây hại đến dân. |
Những người dân nhận thức chưa đúng về sự việc, hiểu biết còn hạn hẹp, a dua theo đám đông đã không kiểm soát được hành động của bản thân, xông vào trụ sở UBND Bình Thuận đốt xe công an, gây thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, thay vì đàn áp chống trả, các chiến sĩ cảnh sát cơ động đã giữ được thái độ bình tĩnh, kiềm chế hết sức để tránh gây thương vong cho người dân.Với tinh thần 'vì dân phục vụ', các chiến sĩ thà để mình bị thương chứ không 'làm dân đau'.
Hình ảnh những chiếc xe công bốc cháy ngùn ngụt khói bay nghi ngút giữa biển người đang nhốn nháo gào thét, hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát cơ động cố gồng mình thực hiện nhiệm vụ, vừa gằn lên giải thích, thuyết phục người dân vừa dùng nghiệp vụ để làm sao bảo vệ được trụ sở nhưng không gây tổn thương đến dân khiến ai chứng kiến cũng hồi hộp, lo sợ.
Trong lúc làm nhiệm vụ, mặc dù bị các nhóm quá khích dùng gạch đá, gậy gộc, bom đinh và bom xăng tấn công, các tổ cảnh sát cơ động đã giữ được thái độ bình tĩnh, chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của cấp trên: “Tránh gây đổ máu cho người dân”. 84 cảnh sát đã bị thương trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ. Một số bị thương rất nặng do trúng đá, bom xăng và bom đinh từ các nhóm quá khích.
Dù mệt mỏi nhưng chiến sĩ cảnh sát cơ động vẫn nở nụ cười tươi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. |
Chứng kiến cảnh hàng trăm chiến sĩ cảnh sát cơ động phờ phạc, mồ hôi ướt đẫm áo, đôi chân như cạn sức, uống từng ngụm nước trong tiếng thở lớn sau khi đã giải tán được đám đông người quá khích khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Tất cả đều là người con của nước Việt, các chiến sĩ đã giữ đúng tinh thần “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu dù có máu chảy cũng phải bảo vệ dân đến cùng, nói cho dân nghe, giải thích cho dân hiểu.
84 cảnh sát bị thương là 84 người chiến sĩ đã lấy thân mình bảo vệ cho dân... đó là những người anh hùng đáng được vinh danh. Thế nhưng, với chiến sĩ công an, họ không cần khen ngợi, không cần vinh danh, họ chỉ cần dân ấm no, dân hạnh phúc, đất nước an bình, họ chỉ mong góp một phần sức lực để giúp dân.
Làm công an là biết hi sinh lợi ích cá nhân xuống thấp vì trách nhiệm với đất nước. Là hi sinh những phút giây quây quần, vui đùa bên vợ con để phục vụ người dân, là những lúc vợ ốm, con thơ vẫn phải gánh trách nhiệm công việc trên vai không hề than phiền… Nghề công an cao quý lắm, nhưng chẳng cao sang đâu.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Mỹ An