Những con chim bồ câu có thể bay với tốc độ 55 km/h với quãng đường lên tới 800 km đã được sử dụng để đưa thư ở Ấn Độ từ thời nước này còn là thuộc địa của Anh. Thời điểm đó, hơn 100 con chim bồ câu giống Homer từ Bỉ đã được các đồn cảnh sát sử dụng.
Đến nay, chim bồ câu vẫn là biện pháp cứu cánh hữu hiệu cho cảnh sát Ấn Độ trong việc trao đổi thông tin khi các hệ thông liên lạc viễn thông hiện đại bị phá hủy trong thiên tai. Điều này cũng đã nhiều lần được chứng minh khi bang Odisha bị tàn phá nặng nề bởi các cơn bão lớn vào năm 1999 và 1982.
"Chúng tôi đã giữ những con chim bồ câu vì giá trị di sản của chúng và để bảo tồn chúng cho các thế hệ tương lai", sĩ quan Satish Kumar Gajbhiye - Thanh tra cảnh sát quận Cuttack, bang Odisha cho biết.
Ông Parshuram Nanda - người chăm sóc những con chim bồ câu của bang Odisha tiết lộ, chúng bắt đầu được huấn luyện khi đã 5-6 tuần tuổi. Khi lớn hơn, những “người đưa thư đặc biệt” sẽ được thả tự do ở một khoảng xa hơn và bay về nơi trú ẩn theo bản năng.
“Khoảng cách tăng dần, và trong vòng 10 ngày, chúng có thể quay trở lại từ khoảng cách 30 km”, ông Nanda nói.
Với sự xuất hiện của hàng loạt các phương tiện truyền thông hiện đại, chim bồ câu ở Ấn Độ ngày nay chủ yếu chỉ góp mặt các hoạt động mang tính nghi lễ vào các ngày lễ lớn của quốc gia.
Theo nhà sử học Anil Dhir, các nghiên cứu cho thấy chim bồ câu có thể phát hiện từ trường và phóng to điểm đến của chúng từ cách xa hàng nghìn dặm. Ngay cả trong trường hợp mọi phương thức liên lạc đều bị phá hủy thì những chú chim bồ câu sẽ không bao giờ thất bại.
Phương Uyên(Theo Reuters)