+Aa-
    Zalo

    Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp để lừa đảo

    (ĐS&PL) - Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các lời mời tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch, trang web đầu tư tài chính, chứng khoán với lợi nhuận cao.

    Ngày 28/5, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận một số vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp để chuyển, nhận tiền của nạn nhân trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.

    Các đối tượng lừa đảo thường kết hợp thủ đoạn sử dụng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp với 2 thủ đoạn lừa đảo sau đây, đối tượng mạo danh nhân viên công ty chứng khoán, công ty đầu tư tài chính làm quen, dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân tham gia các sàn giao dịch, trang web đầu tư tài chính, chứng khoán với hứa hẹn mức lợi nhuận thu được rất cao.

    Khi nạn nhân đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân nạp tiền thông qua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên giống với tên của công ty chứng khoán, công ty đầu tư tài chính. Nạn nhân thấy tên tài khoản nhận tiền giống với tên công ty đang đầu tư nên tin tưởng và chuyển tiền.  Ban đầu, khi nạn nhân mới nạp số tiền nhỏ, đối tượng tiến hành thanh toán, trả lãi đầy đủ. Sau khi nạn nhân đầu tư với số tiền lớn hơn, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền và chặn liên lạc với nạn nhân. 

    Một số hội nhóm mua bán tài khoản ngân hàng trên Telegram. (Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh)

    Một số hội nhóm mua bán tài khoản ngân hàng trên Telegram. (Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh)

    Tiếp đó, là các đối tượng mạo danh là nhân viên của các thương hiệu, doanh nghiệp lớn như Yody, Điện Máy Xanh, Thế giới di động, các ngân hàng... gọi điện hoặc nhắn tin thông báo về chương trình tặng quà tri ân nhân kỷ niệm ngày thành lập, hoặc dịp các ngày lễ, tết. Nếu đồng ý, đối tượng yêu cầu nạn nhân tham gia vào nhóm kín trên ứng dụng Zalo hoặc Telegram, trong đó có các tài khoản tự xưng là giám đốc công ty hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng.

    Ban đầu, đối tượng sẽ gửi một khoản tiền nhỏ cho nạn nhân gọi là tiền trúng thưởng hoặc khuyến mãi, tiếp theo đề nghị họ chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định để làm nhiệm vụ hoặc nâng cấp gói dịch vụ nhằm nhận thêm các ưu đãi khác lớn hơn. Đặc biệt, các tài khoản ngân hàng này đều là tài khoản công ty, có tên giống với tên của các công ty, doanh nghiệp lớn nhằm tạo thêm sự tin tưởng của nạn nhân. Sau khi dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền nhiều lần với các lý do khác nhau, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền và chặn liên lạc với nạn nhân. 

    Để mở được các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong quy trình xác minh mở tài khoản bằng phương thức điện tử (eKYC) tại một số ngân hàng. Cụ thể, đối tượng thuê người đăng ký mở doanh nghiệp “ma” (doanh nghiệp không có hoạt động thực tế) thông qua mạng thông tin điện tử với tên doanh nghiệp gần giống với tên của các doanh nghiệp lớn, uy tín; sau đó sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và CCCD của người đại diện pháp luật (người được thuê) để tiến hành đăng ký mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bằng phương thức điện tử (eKYC) rồi chuyển lại toàn bộ thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng cho đối tượng.

    Hoặc đối tượng làm giả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và CCCD của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bất kỳ (thường là doanh nghiệp có tên gần giống với các doanh nghiệp lớn, uy tín); sau đó sử dụng các giấy tờ giả này để đăng ký mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bằng phương thức điện tử (eKYC). Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng mua được tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp trên các hội, nhóm Facebook, Telegram với giá từ 35 - 60 triệu/tài khoản với đầy đủ hồ sơ doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và CCCD của người đại diện pháp luật. 

    Từ tình hình trên, để chủ động phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn  trên, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cần  cảnh giác với các lời mời chào tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch, trang web đầu tư tài chính, chứng khoán với lợi nhuận cao; hoặc khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi giới thiệu tự xưng là nhân viên của các thương hiệu, doanh nghiệp lớn như thông báo về chương trình tặng quà, làm nhiệm vụ nhận ưu đãi lớn... 

    Trong các giao dịch chuyển tiền cho chủ tài khoản đứng tên là pháp nhân, cần kiểm tra, đối chiếu kỹ thông tin liên quan đến doanh nghiệp đảm bảo tên tài khoản phải trùng với tên doanh nghiệp thực tế. Nếu nghi vấn, người dân có thể trực tiếp gọi đến số điện thoại của doanh nghiệp để xác minh thông tin. 

    Thường xuyên theo dõi, cập nhật về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đối với hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. 

    Đồng thời, khi phát hiện, nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người dân hãy trình báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ đến phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/canh-giac-voi-thu-oan-loi-dung-tai-khoan-ngan-hang-cua-doanh-nghiep-e-lua-ao-a427869.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan